.

Bao giờ đường thông, hè thoáng?

.

Ngày 14-4-2009, tại cuộc họp chấn chỉnh công tác quản lý trật tự vỉa hè, lòng lề đường trên địa bàn thành phố, Chủ tịch UBND thành phố Trần Văn Minh đã có kết luận: Trước ngày 25-4-2009, UBND các quận Hải Châu, Thanh Khê, Sơn Trà chủ động phối hợp với các đơn vị, các ban, ngành liên quan hoàn thành dứt điểm việc xử lý các cá nhân, các hộ kinh doanh sử dụng vỉa hè để kinh doanh trên các trục đường, tuyến phố chính và các tụ điểm gây mất trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Khi lực lượng kiểm tra vừa đi khỏi, những người bán bánh mì trước Siêu thị BigC lại lấn ra sát đường.

Ngay sau cuộc họp này, lực lượng chức năng các quận Hải Châu, Thanh Khê, Sơn Trà, Thanh tra giao thông, Công an đã đồng loạt ra quân lập lại trật tự vỉa hè. Nhờ vậy, nhiều tuyến đường đã thông thoáng, trật tự hơn. Thế nhưng, một lần nữa, “kịch bản” đã diễn ra rất nhiều lần trong những năm qua lại lặp lại. Đó là khi những đợt ra quân này kết thúc, cảnh  lấn chiếm vỉa hè làm nơi kinh doanh buôn bán lại tái diễn.
 
Thậm chí có nhiều điểm nóng về trật tự giao thông được nêu đích danh trong biên bản kết luận của Chủ tịch UBND thành phố như ngã tư Quang Trung-Lê Lợi, ngã ba Lê Lợi-Phan Đình Phùng, Trần Quốc Toản-Bạch Đằng (quận Hải Châu); đường Điện Biên Phủ, Ông Ích Khiêm, Nguyễn Tất Thành (quận Thanh Khê); Trần Hưng Đạo, Phạm Văn Đồng (quận Sơn Trà)…, cảnh lấn chiếm vỉa hè, lòng đường vẫn diễn ra bình thường.

Đi tìm nguyên nhân của tình trạng này, chúng tôi đã được ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND phường Vĩnh Trung lý giải : Lãnh đạo quận Thanh Khê chỉ đạo quyết liệt vấn đề này. Ngoài các buổi làm việc trực tiếp với các phường, lãnh đạo quận còn đi thực tế, phát hiện nơi nào đường không thông, hè không thoáng lập tức chỉ đạo cho Chủ tịch phường đó giải quyết ngay.

Riêng phường Vĩnh Trung cũng rất quan tâm vấn đề này, và làm rất bài bản như vận động tất cả hộ kinh doanh dọc theo các trục đường chính thực hiện nếp sống văn minh đô thị, không lấn chiếm vỉa hè, lòng đường làm nơi buôn bán và ký cam kết không vi phạm. Đối với hộ nghèo, phường đều có chính sách hỗ trợ trong việc vay vốn để tìm việc làm khác.

Riêng với những trường hợp buôn bán xung quanh khu vực Siêu thị BigC, phường đã tạo điều kiện cho họ vào chợ Tân Lập để kinh doanh. Ngoài ra, phường còn ký biên bản ghi nhớ với 7 phường giáp ranh để phối hợp trong việc lập lại trật tự an toàn giao thông cũng như bảo đảm an ninh trật tự. Thế nhưng hiệu quả vẫn không thực sự như mong đợi vì trên thực tế, những hộ lấn chiếm vỉa hè, lòng đường không phải tất cả là dân của phường Vĩnh Trung, mà còn có cả người dân từ các phường khác đến như Thạc Gián, Nam Dương và cả ở quận Liên Chiểu nữa. Ngay như những hộ được đưa về buôn bán tại chợ Tân Lập cũng quay trở lại khu vực Siêu thị BigC để buôn bán, vì ở trong chợ quá ế ẩm.

Cùng nhận định này, ông Mai Phước Thành, Chủ tịch UBND phường Thạch Thang cho biết: “Về văn bản chỉ đạo, cũng như các biện pháp cần thiết đều được triển khai, tuy nhiên kết quả chẳng khác nào “bắt cóc bỏ đĩa”. Phường có tổ gồm 5 người đảm nhận việc này; đồng thời phường cũng đã tham gia nhóm kiểm tra liên phường, liên quận, nhưng kết quả chỉ có được trong thời điểm chúng tôi có mặt, còn khi chúng tôi đi, ngay lập tức mọi chuyện đâu lại hoàn đấy. Ngay như điểm nóng là ngã tư Quang Trung-Lê Lợi, chúng tôi nhiều lần thu bàn ghế, dù, lập biên bản xử phạt quán cà-phê Long và An, nhưng các biện pháp này vẫn không đủ sức răn đe các chủ quán”.

Đến bao giờ Đà Nẵng mới có đường thông, hè thoáng? Có lẽ đã đến lúc thành phố có cách làm mới căn bản hơn, trước khi ra quân dẹp cảnh lấn chiếm vỉa hè, lòng đường buôn bán, nên tiến hành khảo sát thật chu đáo tình hình kinh tế của những người buôn bán, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng người dân, để từ đó tạo cho họ cơ hội làm ăn thuận lợi hơn. Riêng với các hộ kinh doanh quy mô lớn, cần kiên quyết xử phạt, nếu tiếp tục vi phạm có thế rút giấy phép kinh doanh. Có như vậy mới hy vọng chữa dứt điểm căn bệnh trầm kha này.

Bài và ảnh: THANH VÂN

;
.
.
.
.
.