.

Hỗ trợ cho lao động mất việc làm

Cũng như cả nước, tại Đà Nẵng, ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu đã có những tác động bất lợi đến hoạt động SXKD của các DN, nhất là các DN có vốn đầu tư nước ngoài, hoạt động trên lĩnh vực xuất nhập khẩu, SX hàng may mặc, SX- lắp ráp linh kiện điện tử. 

Theo báo cáo của các DN và Liên minh các HTX, đến cuối tháng 3-2009 trên địa bàn thành phố có 9 DN và 47 HTX thu hẹp sản xuất, ngừng hoạt động, làm cho 4.254 lao động bị ảnh hưởng việc làm và thu nhập, trong đó có 3.220 lao động nữ. Số lao động có hộ khẩu tại thành phố Đà Nẵng là 1.274 người.

Trong số lao động bị ảnh hưởng việc làm và thu nhập, có 669 lao động nghỉ chờ việc và 2.511 lao động nghỉ hưởng trợ cấp mất việc làm và trợ cấp thôi việc, do DN chi trả với kinh phí hơn 4,7 tỷ đồng. Riêng 391 lao động khu vực HTX hầu như không có chế độ trợ cấp mất việc làm và 683 lao động ở khu vực HTX nghỉ do thiếu việc làm. Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, nhưng các DN nói trên đã cố gắng chi trả đủ lương và trợ cấp mất việc làm cho người lao động.
 
Tại Đà Nẵng, đến nay chưa có tình trạng chủ DN bỏ trốn. Dự kiến trong năm 2009, lao động mất việc làm, thiếu việc làm còn tiếp tục diễn ra trong số DN, HTX này, với số lượng dự kiến là 1.916 người, trong đó mất việc làm 1.400 lao động, thiếu việc làm 516 lao động. Khả năng thiếu việc làm, mất việc làm trong năm 2009 còn có thể lan rộng ra ở nhiều DN, HTX khác.

Về nhu cầu tuyển dụng của DN, HTX trong năm 2009, đầu năm 2009, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã gửi yêu cầu báo cáo kế hoạch tuyển dụng năm 2009 đến 637 DN có sử dụng 100 lao động trở lên, nhưng chỉ có 68 DN có báo cáo nhu cầu tuyển dụng lao động với số lượng 7.154 lao động. Ngoài ra, còn có 419 lượt DN đăng ký nhu cầu tuyển lao động trực tiếp tại các phiên Chợ việc làm với nhu cầu tuyển là 4.666 lao động. Nếu tính tổng cầu tuyển dụng lao động cho cả năm 2009 cũng chỉ xấp xỉ 10 nghìn lao động, so với các năm từ 2006-2008 thì nhu cầu tuyển dụng của các DN năm 2009 chỉ bằng khoảng 50%...

Trước thực trạng trên, thành phố đã tích cực triển khai một số chủ trương, giải pháp nhằm giảm thiểu tối đa những thiệt hại cho DN và người lao động, không gây những biến động tiêu cực lớn. Cụ thể, đã tổ chức Hội nghị triển khai Quyết định số 30/2009/QĐ-TTg ngày 23-2-2009 về việc hỗ trợ đối với người lao động mất việc làm trong DN gặp khó khăn do suy giảm kinh tế và Thông tư số 06/2009/TTLT-BLĐTBXH-BTC hướng dẫn thi hành Quyết định trên.

Các Sở, ngành đã tích cực triển khai các hoạt động tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Chính phủ về việc hỗ trợ đối với người lao động mất việc làm trong DN gặp khó khăn do suy giảm kinh tế. Đến nay, cơ bản đã nắm được tình hình và các số liệu cụ thể về các DN, HTX gặp khó khăn do suy giảm kinh tế, danh sách người lao động mất việc làm, hoàn cảnh hiện tại của số lao động mất việc làm là người có hộ khẩu tại địa phương.

Nhờ sự chủ động can thiệp kịp thời của các ngành chức năng đối với chủ DN, nên hầu hết số lao động bị mất việc làm đã được các DN chi trả đầy đủ các khoản lương, trợ cấp mất việc làm và giao lại Sổ BHXH đã được thanh toán với cơ quan BHXH đến ngày nghỉ việc.

Thông qua việc tăng cường các phiên Chợ việc làm, đưa tin giới thiệu chỗ việc làm mới trên website vieclamdanang.net và các phương tiện thông tin đại chúng, đẩy mạnh việc cho vay vốn từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm, nên phần lớn số lao động mất việc làm, thiếu việc làm trong các DN này đã tìm được việc làm mới. Tuy nhiên, đối với số lao động mất việc làm đã lớn tuổi, rất khó tìm được việc làm tại các DN, một bộ phận khác do chưa tìm được việc làm mới phù hợp hoặc chỗ việc làm mới có mức thu nhập thấp, điều kiện làm việc khó khăn hơn nên vẫn còn thất nghiệp.

Bên cạnh đó, việc vay vốn theo Quyết định số 30/2009/QĐ-TTg do mới được triển khai nên hiện nay tại các Chi nhánh Ngân hàng Phát triển thành phố Đà Nẵng và Chi nhánh Ngân  hàng Chính sách xã hội thành phố Đà Nẵng chưa có DN gặp khó khăn và người lao động bị mất việc nộp hồ sơ vay vốn.

Theo dự báo, tình hình suy thoái kinh tế toàn cầu còn tiếp diễn, việc DN thu hẹp SX, ngừng hoạt động sẽ còn xảy ra mạnh trong năm 2009. Để góp phần tháo gỡ khó khăn cho DN, giữ ổn định SXKD, hạn chế việc DN đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn và hỗ trợ người lao động thất nghiệp, ngoài các chính sách kích cầu, chính sách hỗ trợ đối với người lao động mất việc làm trong DN gặp khó khăn do suy giảm kinh tế của Chính phủ, UBND thành phố Đà Nẵng đã đề xuất Chính phủ điều chỉnh, bổ sung chính sách hỗ trợ đối với người lao động mất việc làm trong DN gặp khó khăn do suy giảm kinh tế, như đề nghị điều chỉnh thời gian mà DN, HTX gặp khó khăn là từ quý 4-2008, bổ sung các HTX tiểu thủ công nghiệp vào đối tượng hỗ trợ.

Tính đến cuối năm 2008, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng có 9.571 DN (trong đó có 225 DN Nhà nước, 136 DN có vốn đầu tư nước ngoài, 9.210 DN dân doanh) và 105 HTX tiểu thủ công nghiệp (chưa kể HTX nông nghiệp). Tổng số lao động làm việc trong các DN là 221.500 người (có 30 DN sử dụng từ 500 lao động trở lên), HTX là 3.503 người.

Đồng thời bổ sung chính sách trợ cấp khó khăn với mức hỗ trợ bằng 3 tháng lương tối thiểu vùng cho hộ gia đình có 1 lao động chính hoặc 2 lao động trở lên bị mất việc làm tại các DN trong năm 2009 do suy giảm kinh tế mà gia đình khó khăn có nhiều người ăn theo trong hộ. Bổ sung thêm nguồn vốn cho vay từ Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm.

Thiết nghĩ với các chủ trương, chính sách của Chính phủ và thành phố, tình trạng người lao động mất việc làm do suy thoái kinh tế ở thành phố Đà Nẵng sẽ được giải quyết theo chiều hướng tích cực, góp phần cho DN, các HTX vượt qua được giai đoạn khó khăn này.

Dân Hùng

;
.
.
.
.
.