160 nghìn đồng/kg hơi, trên 300 nghìn đồng/kg giống là giá heo rừng thời điểm hiện tại, gấp 5-6 lần so heo nhà.Cũng vì vậy, phong trào nuôi heo rừng phát triển khá nhanh ở Đà Nẵng. Làng nuôi heo rừng với hơn 10 trang trại đã hình thành ở các xã miền núi Hòa Vang.
Heo rừng ở trang trại của anh Trần Đức Quốc. |
Chủ trang trại tuổi vừa tròn 30 trở thành “chuyên gia” trong lĩnh vực chuyển giao kỹ thuật nuôi và cung cấp con giống. Nay trang trại đã mở rộng gấp 3 lần so hồi mới lập, tổng đàn luôn ổn định 120-150 con. Theo anh Quốc, 4 năm qua, đã có hàng trăm con giống bán đi khắp nơi. Không những vậy, anh còn giúp hơn 10 chủ trang trại khác phát triển nuôi heo rừng. Chính lĩnh vực này đã đưa anh từ chỗ nghề nghiệp không ổn định thành ông chủ được nhiều người biết đến, từng tham dự các hội nghị về khuyến nông và kinh tế trang trại toàn quốc.
Anh cho biết, nuôi heo rừng hiệu quả kinh tế cao, ít bệnh tật, thức ăn đơn giản, nhu cầu thị trường lớn nên đầu ra rất thuận lợi. Tính ra nếu đầu tư khoảng 1 tỷ đồng vừa mua đất, xây nhà, mua con giống chỉ vài năm là lấy lại vốn. Với 10 trang trại như hiện nay chưa thấm vào đâu so nhu cầu con giống và thịt ở thành phố đông dân như Đà Nẵng.
Ra đời sau trang trại của anh Trần Đức Quốc 2 năm nhưng được đầu tư cơ bản kể cả chuồng trại và số lượng con giống, trang trại Sơn Hòa do anh Trần Đức Nhã ở thôn Trung Nghĩa, xã Hòa Ninh làm chủ sớm khẳng định vị trí dẫn đầu về quy mô trong làng nuôi heo rừng ở khu vực miền núi Đà Nẵng. Đến nay, trang trại này có không dưới 400 con. Anh Nhã cho hay: Hầu như ngày nào cũng có khách hàng tìm đến đặt mua con giống. Giá heo giống 300 nghìn đồng 6 tháng trước đã nhích lên 350 nghìn đồng/kg hiện nay.
Heo hơi bán thịt 160 nghìn đồng/kg cũng không đáp ứng đủ nhu cầu. Trang trại này đất rộng, chung quanh chăng lưới B40, heo tha hồ dạo trong rừng mà không lo mất. Môi trường thuận lợi này đã giúp trang trại duy trì được đàn heo rừng giống chất lượng cao. Hiện tại, 18 trong tổng số 36 nái mẹ vừa đồng loạt “ở cữ” cho ra đời trên 100 heo con, nâng tổng đàn heo con, heo choai lên trên 300. Anh Nhã nói rằng ngày vừa lập trại ăn ngủ không yên, vốn đầu tư tiền tỷ, nái mẹ, đực giống xấp xỉ 20 triệu đồng/con. Heo có sự cố hoặc không sinh sản theo ý định, có khi dẹp tiệm.
Thế nhưng nỗi lo ấy nhanh chóng giải tỏa. Heo đẻ nhiều, đẻ đều, chóng lớn, đầu ra rất thuận lợi. Tính ra, 2 năm qua, số heo xuất chuồng đã có giá xấp xỉ nửa tỷ đồng. Anh Nhã tâm sự: “Chính người nuôi cũng không nghĩ giá cao như vậy. Nhu cầu về con giống rất lớn, heo sinh sản ra bao nhiêu, khách đặt hàng bấy nhiêu”.
Chàng thanh niên xứ Nghệ Bùi Anh Tích cùng đàn heo rừng giống. |
|
Chỉ mới hơn một năm, đàn heo từ 20 con tăng lên trên 100 con. Đợt xuất chuồng đầu tiên, anh đã thu 60 triệu đồng. Anh Tích cho hay: Heo rừng có sức đề kháng bệnh tật rất lớn, chăn thả theo kiểu nửa hoang dã, nửa nuôi nhốt phát triển khá nhanh. Với kết quả bước đầu thuận lợi, anh có kế hoạch nâng quy mô trang trại lên 3-4 lần so hiện nay.
Như vậy là ở cả 4 xã miền núi Hòa Vang đều đã có các trại nuôi heo rừng. Ở Hòa Phú có trại ông Trương Ba, ông Nguyễn Phước Hùng; ở Hòa Liên có trang trại ông Thái, ông Điềm; ở Hòa Bắc có trang trại ông Hùng... tổng đàn khoảng 1.500-2.000 con. Tuy vậy, trong số trang trại nuôi heo rừng đang ăn nên làm ra, không có trang trại nào của nông dân Hòa Vang. Ngành nông nghiệp và Hội Nông dân các cấp ở huyện Hòa Vang cần tính toán, nhất là trong giai đoạn có vốn kích cầu của Chính phủ, để có chủ trương vận động nông dân có điều kiện kinh tế mở ra hướng làm ăn mới.
Bài và ảnh: NGUYỄN CẦU