“Mua dzô, mua dzô, hai chục ngàn một cái, giá rẻ bất ngờ, có tem bảo đảm chất lượng đây. Bà con không nhanh tay là hết…” - một anh thanh niên vác trên vai một bao nilông trong chứa toàn mũ bảo hiểm (MBH), trên tay là mấy cái MBH đủ màu sắc, vừa đi vừa rao trong dãy hàng cá, hàng thịt chợ Bắc Mỹ An.
Tiêu hủy MBH nhái, kém chất lượng. |
Không mất nhiều thời gian tìm kiếm, chỉ cần dạo quanh các chợ lớn, nhỏ trên địa bàn thành phố đều dễ dàng bắt gặp những người bán MBH kiểu này. Chợ Hòa Khánh mới hơn 8 giờ sáng đã có 3-4 người vác bao MBH đi bán lẻ. Bán xong ở chợ Hòa Khánh, người bán tiếp tục rao sang chợ Nam Ô. Những chiếc MBH nhìn bằng mắt thường dễ thấy không có gì được bảo đảm. MBH có lớp ngoài nhiều màu sắc, màu sơn bóng bẩy, phía trước bề mặt mũ in nhiều nhãn hiệu, quen có, lạ có, đại loại như Suzuki, Votex, Minimax, Zeus…, phía sau mũ có dán hai tem: một hình vuông, một hình bầu dục.
Tem vuông cũng có chữ CR (dấu phù hợp tiêu chuẩn VN) nhưng không biết tem thật hay giả, vành trong ghi quy chuẩn. Tem hình bầu dục ghi các thông số bên trong như quy cách sử dụng, nơi sản xuất Việt Nam nhưng không có địa chỉ, số điện thoại hay bất cứ một dấu hiệu nào chứng tỏ mũ được sản xuất ở một nơi cụ thể. Đáng nói hơn, lớp bên trong mũ chỉ là miếng xốp trắng được bọc bằng vải, gắn vào bên trong lớp nhựa. Không cần keo dán dính, có thể lấy ra lắp vào dễ dàng. Khi chúng tôi cầm đầu mũ đập nhẹ xuống nền xi-măng, lớp nhựa nhanh chóng nứt ra. “Tiền nào của nấy mà”. Không ai tiếc rẻ vì số tiền bỏ ra, nhưng nghĩ đến giá trị tính mạng con người ai cũng chợt rùng mình.
Chỉ tính sơ sơ nguyên liệu nhựa, điện tiêu thụ, giá vận chuyển, nhân công và các chi phí khác thì một chiếc MBH cũng đã tiêu tốn trên dưới 100 nghìn đồng, trong khi MBH bán dạo ở chợ chỉ có 15 nghìn đồng/cái. Như vậy, những loại mũ này có thể được sản xuất lậu, kể cả hàng nhập lậu, mà vật liệu cấu thành toàn là những hàng thứ cấp.
Năm 2008, Chi cục Quản lý thị trường thành phố tiến hành 2 đợt tiêu hủy với gần 1.000 MBH giả, nhái. Qua mỗi lần kiểm tra, xử lý, tịch thu và tiêu hủy, số lượng MBH không rõ nguồn gốc hoặc kém chất lượng vẫn trôi nổi trên thị trường. Trong năm qua, tổng số hơn 100 mẫu MBH được thử nghiệm tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và miền Trung, đã có 45 mẫu không đạt chất lượng, 66% mũ không đạt về yêu cầu ghi nhãn.
Vấn đề người dân quan tâm hiện nay không phải là tem nhãn nữa vì thực sự họ khó nhận biết đâu tem giả, đâu tem thật, mà chất lượng thực của sản phẩm. Dấu hiệu nhận biết bằng tem nhãn trên MBH đã không còn giá trị bởi chúng chỉ là hình thức. Chỉ qua nhìn nhận từ góc độ thị trường bán lẻ, đã thấy sự tăng vọt không ngừng các loại MBH cũng như nhà sản xuất MBH. Điều đó cho thấy, chỉ cần cạnh tranh về giá, MBH dỏm vẫn có chỗ đứng trên thị trường. Thay vào đó, MBH chất lượng cao lại tiêu thụ chậm, làm giảm khả năng tái sản xuất của các doanh nghiệp.
MBH giá rẻ hiện nay hầu hết được bán dạo nơi đông người như chợ, song lại ít gây sự chú ý nhiều với cơ quan chức năng. Bởi thực tế, trong các đợt kiểm tra phối hợp giữa các ngành chức năng trên địa bàn thời gian qua chỉ trong một thời điểm nào đó. Đáng nói hơn nữa, hai đợt kiểm tra lớn trong năm 2008, chủ yếu tại những cửa hàng có đăng ký kinh doanh hoặc những địa điểm kinh doanh lớn mà chưa đi sâu vào những đầu mối cung cấp mũ bán lẻ. Đây mới chính là điểm nhận - phát luồng MBH “trời ơi” nhất cần được lưu ý.
Bài và ảnh: Duyên Anh