.

Xăng dầu tăng giá, người dân và DN nói gì?

.

(ĐNĐT) Liên bộ Tài chính – Công Thương đã thống nhất cho phép các doanh nghiệp (DN) được tăng giá bán xăng dầu thêm 500 đồng/lít từ ngày 8-5. Theo đó, xăng A95 sẽ có giá bán mới 13.000 đồng/lít, xăng A92 12.500 đồng/lít, dầu hỏa 12.000 đồng/lít, dầu diezel 11.000 đồng/lít. Đây là lần thứ ba tăng giá xăng và lần thứ 2 tăng giá dầu thời gian qua. Xăng dầu tăng giá sẽ tác động gì đến người dân và DN? Phóng viên Báo ĐTĐN đã trực tiếp phỏng vấn một số người dân, DN sau khi giá xăng dầu được điều chỉnh tăng thêm. Nhiều ý kiến cho rằng tăng giá xăng dầu tại thời điểm này ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến công việc và cuộc sống của họ khi mọi thứ trên thị trường cũng bắt đầu rục rịch tăng giá theo.


Các cây xăng đã áp dụng giá bán mới sau khi giá xăng, dầu tăng thêm 500 đồng/lít.
Ông Nguyễn Xuân Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Hương Quế, một đơn vị chuyên sản xuất lót giày quế trên địa bàn quận Liên Chiểu cho rằng: “Xăng dầu được điều chỉnh tăng thêm 500 đồng/lít là chuyện bình thường, nhưng cái bất thường ở đây là chúng ta thường “chạy” theo giá thế giới tăng lên, còn khi giá xăng dầu thế giới giảm thì việc điều chỉnh giảm giá lại quá chậm trễ”. Tuy nhiên, một số DN hoạt động trong ngành công nghiệp lại cho rằng: Dù giá xăng tăng ít hay nhiều đều ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của DN, đặc biệt đối với DN sử dụng xăng dầu nhiều cho việc sản xuất.

Giám đốc một DN sản xuất sản phẩm nhựa trên đường Tôn Đức Thắng than phiền: Không biết việc điều chỉnh giá xăng dầu tăng liên tục trong thời qua có phù hợp với tình hình kinh tế đất nước ở thời điểm này? Là một DN sản xuất thường xuyên sử dụng xăng dầu, nên khi xăng dầu tăng giá sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm của DN.

Hơn 2 tháng nay, giá xăng dầu đã được điều chỉnh tăng 3 lần, mặc dù mỗi lần tăng giá ở mức 500 đồng/lít, nhưng với mức tăng này đã và đang làm cho DN phải thay đổi lại kế hoạch cũng như định hướng kinh doanh cho phù hợp với thị trường hiện nay. “Với mức giá xăng dầu hiện nay, mỗi tháng DN sẽ phải bỏ thêm từ 2-2,5 triệu đồng cho việc mua xăng dầu phục vụ sản xuất”, giám đốc DN này nói.


Không chỉ có DN sử dụng xăng dầu nhiều lo ngại trước việc giá xăng dầu tăng, mà ngay cả các DN ít sử dụng xăng dầu cũng tỏ ra bối rối trước việc điều chỉnh giá xăng dầu tăng lên. Anh Lê Viết Tới, Phó Giám đốc Công ty TNHH Tân Phước Sang, địa chỉ 28 Lê Độ, quận Thanh Khê cho biết: Là một DN hoạt động trong lĩnh vực in ấn - photo copy, đa phần là sử dụng điện, thế nhưng khi mất điện chúng tôi phải sử dụng máy phát điện chạy bằng dầu. Vì thế, khi xăng dầu tăng giá thì cũng đồng nghĩa với việc DN lo ngại sẽ bị cúp điện.


Anh Trần Viết Hải, một người chuyên đưa gas lẻ ở đường An Thượng 5, phường Mỹ An (Ngũ Hành Sơn) tỏ ra lo lắng trước việc giá xăng dầu tăng thêm 500 đồng/lít. Theo anh Hải, trung bình mỗi tháng anh phải mua hơn 60 lít xăng, bây giờ giá xăng lại tăng lên 500 đồng/lít, tính trung bình mỗi tháng thu nhập của gia đình anh mất khoảng 30 nghìn đồng. Như vậy, sau 3 lần xăng tăng giá (mỗi lần 500 đồng/lít), hằng tháng gia đình anh mất đứt 90 nghìn đồng.


Tuy nhiên, cũng có rất nhiều ý kiến bày tỏ sự thông cảm với quyết định tăng giá xăng dầu. Anh Hồ Thanh Tùng (trú tại 192/11 Phan Chu Trinh) - tài xế của hãng taxi Xanh cho rằng: Giá xăng dầu trên thế giới đang tăng nên giá xăng ở Việt Nam tăng cũng phải thôi. Tuy nhiên, giá xăng trong nước dù tăng nhỏ hay lớn đều ảnh hưởng đến thu nhập của chúng tôi, bởi hiện trung bình mỗi tháng tôi phải dùng khoảng 6 triệu đồng tiền xăng, bây giờ tăng thêm 500 đồng/lít coi như phải bỏ thêm tiền vào xăng khoảng 300 nghìn đồng. “Nếu giá xăng tiếp tục tăng trong thời gian tới, chắc chắn chúng tôi phải đề nghị với công ty tăng giá cước vận tải lên để khỏi bị thua thiệt. Khi giá cước tăng lên thì người chịu thiệt chính là hành khách đi xe, như vậy rất có thể giá xăng dầu tăng sẽ tác động đến nhiều mặt hàng tăng giá trong thời gian tới”, anh Tùng nói.

Ông Nguyễn Nho Hậu, Chi cục phó Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) Đà Nẵng cho biết: Sau khi giá điện, giá xăng, giá dầu được điều chỉnh tăng lên, lực lượng QLTT đã phối hợp cùng các ngành chức năng trên địa bàn tăng cường kiểm soát việc niêm yết giá, đăng ký giá công khai… nhằm tránh tình trạng một số mặt hàng “tát nước theo mưa” tăng giá theo. Tuy nhiên, đối với một số mặt hàng phụ thuộc chủ yếu vào giá xăng dầu, các ngành chức năng cần phải xem xét điều chỉnh giá mới để ổn định tâm lý người dân và các DN chủ động được việc điều chỉnh chi phí sản xuất kinh doanh. “Tại thành phố Đà Nẵng, sau khi giá xăng dầu được điều chỉnh tăng 500 đồng/lít, thì giá một số mặt hàng thiết yếu vẫn được kiểm soát chặt chẽ và hiện chưa có biến động về giá cả”, ông Hậu khẳng định.

 

 Trọng Hùng - Trọng Hoàng (thực hiện)

;
.
.
.
.
.