.

Xe dù - bến cóc

.

Vấn nạn “xe dù, bến cóc” trên địa bàn thành phố chỉ tạm lắng khi các ngành chức năng đồng loạt ra quân tuần tra kiểm soát. Nhưng khi lực lượng chức năng vắng bóng, tình trạng  trên lại tiếp tục lộng hành tại các tuyến đường ra - vào trước Bến xe Trung tâm (BXTT) thành phố, gây bất bình cho hành khách và cả nhà xe làm ăn chân chính.

Bài 1: Ra khỏi bến là gặp “xe dù”, “xe gian”

Mặc dù trước bến xe có CSGT, thế nhưng các nhà xe vẫn ngang nhiên đưa xe ra giữa đường bắt khách.

Đi tìm lời giải cho khái niệm “xe lậu”, “xe gian”, chúng tôi đã mất nhiều ngày lang thang và tham gia vào các “vai”: xe ôm, hành khách đi xe… mới có được lời giải của vấn nạn “xe dù, bến cóc” mà bấy lâu nay người ta thường hay gọi.

9 giờ sáng ngày 6-5, một loạt các xe khách mang biển số thuộc tỉnh Quảng Trị, Quảng Ngãi, Thừa Thiên - Huế… lần lượt có lệnh xuất bến. Thế nhưng khi các xe này ra khỏi bến chưa đầy 50m, ngay lập tức tài xế cho xe “stop” để “đón lõng” khách. Số ít hành khách đã ngồi trên xe tỏ ra rất bực mình vì đợi lâu mà nhà xe vẫn chưa cho xe khởi hành. Bên ngoài, những tay lơ xe vẫn tiếp tục bắt khách bằng những lời mời kêu inh ỏi: “Đông Hà, Huế, Quảng Ngãi… lên xe anh, chị ơi!”.

Những chiếc xe khách đã xuất bến trước, nhưng do khách trên xe còn ít nên các nhà xe buộc phải cho xe luẩn quẩn trước cổng bến xe để cố vớt vát được khách nào hay khách đó. Phía trong bến, nhiều xe khác tiếp tục nhận lệnh rời bến. 9 giờ 20 phút sau đó, có thêm 2 xe mang biển số 74K…  và 75H… nhận lệnh xuất bến tiến ra cổng, nối đuôi với các xe vừa xuất bến lúc 9 giờ cùng ngày.
 
Kịch bản tiếp tục được lặp lại khi trên những hàng ghế của 2 xe này chỉ lèo tèo vài hành khách, tài xế lại cho xe dừng lại ngay sát bên đường Tôn Đức Thắng (khu vực trước Bến xe Trung tâm) để “đón lõng” thêm khách. Lúc này, các xe tụ tập tại khu vực trước bến xe trở nên đông đúc hơn, việc đậu đỗ và đón khách rất lộn xộn, khiến nhiều người tham gia giao thông phải hú vía khi đi ngang qua đây.

Dưới gầm cầu vượt Hòa Cầm xuất hiện nhiều “bến cóc, xe dù”.

Trong vai hành khách đón xe ra Huế, thấy tôi đang loay hoay với chiếc ba-lô trên đường Tôn Đức Thắng (trước cổng bến xe), ngay lập tức đã có không ít lơ xe nhào đến mời chào không ngớt miệng: “Ra Huế hả anh?”. “Lên xe đi, chuyến cuối cùng đó”. “5 phút nữa là xe chạy rồi”. Thế nhưng sau khi lên xe được 10 phút, 15 phút, 20 phút… xe vẫn không chuyển bánh, nhiều hành khách bức xúc đòi xuống đi xe khác, lúc này tài xế mới cho xe lăn bánh theo hướng Huế, được khoảng 1km, xe lại tiếp tục quay lại vị trí ban đầu để đón khách. “Mong hành khách thông cảm, do giá dầu tăng 2 lần trong 1 tháng qua, nếu khách ít, nhà xe sẽ lỗ chết!”, anh lơ xe than vãn.

Tình trạng “xe dù, bến cóc” xuất hiện ngay trước cổng Bến xe Trung tâm ai cũng biết, thế nhưng điều kỳ lạ là vấn nạn này đã tồn tại lâu nay và ngày càng bành trướng nhưng chưa được xử lý triệt để. Một nhân viên làm nhiệm vụ giữ trật tự tại bến xe cho biết, khi xe ra khỏi bến là nhiệm vụ của lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT), Thanh tra giao thông và chính quyền sở tại, chứ bến xe không có thẩm quyền xử lý.
 
Theo ghi nhận của phóng viên, trước cổng Bến xe Trung tâm được lắp 3 máy camera giám sát theo dõi vi phạm về an ninh trật tự (ANTT), an toàn giao thông (ATGT); ngoài ra còn có CSGT thường xuyên túc trực làm nhiệm vụ tại đây, nhưng phía bên ngoài đường Tôn Đức Thắng, một “bến cóc” khác cũng công khai hoạt động với đủ đầu xe chạy các tuyến Đà Nẵng - Huế, Đà Nẵng - Quy Nhơn, Đà Nẵng - Kon Tum...

Nếu cách đây 1 năm, lượng “xe dù” chạy tự do bên ngoài khoảng 20 xe thì nay đã tăng gần gấp đôi. Riêng tình trạng “bến cóc”, trên các đường Tôn Đức Thắng, Trường Chinh, Nguyễn Lương Bằng có cả chục bến hoạt động. Một điểm “nóng” về nạn “xe dù, bến cóc” không thể không nhắc tới, đó là khu vực cầu vượt Hòa Cầm, thuộc địa bàn quận Cẩm Lệ.
 
Ngay dưới gầm cầu vượt Hòa Cầm (khu vực gần Trạm CSGT Hòa Cầm), một “bến cóc” với đủ các loại “xe dù” đậu đỗ và bắt khách lộn xộn. Theo phản ánh của cánh xe ôm hành nghề tại đây, kể từ khi xuất hiện “bến cóc, xe dù”, nơi đây đã trở nên náo loạn về ANTT. Về vấn đề này, Trung tá Phùng Tấn Phước, Đội trưởng Đội CSGT Hòa Cầm thừa nhận:

Đúng vậy! Khi “bến cóc, xe dù” xuất hiện, tình trạng các “cò xe” tụ tập uống rượu, đánh bài… gây mất ANTT và ảnh hưởng đến ATGT nghiêm trọng tại khu vực này. Mặc dù lực lượng CSGT đã nhiều lần xử lý, nhưng vấn nạn này chỉ tạm lắng rồi sau đó lại tái diễn. “Để xử lý dứt điểm tình trạng trên, thiết nghĩ cần phải có sự phối hợp của lực lượng CSGT quận Cẩm Lệ và chính quyền sở tại”, Trung tá Phước nhấn mạnh.

Không chỉ vào những ngày cao điểm mà ngay cả những ngày thường, nạn “xe dù, bến cóc” trên địa bàn thành phố xuất hiện nhiều và kèm theo đó là sự gian dối hòng “móc túi” hành khách đi xe với nhiều thủ đoạn khác nhau để qua mặt các ngành chức năng. Và một vấn nạn khiến không ít nhà xe làm ăn chân chính phải bức xúc khi bị “xã hội đen” “làm luật” thu tiền một cách trắng trợn mỗi khi lái xe ra khỏi bến.
              
 

Bà TRƯƠNG THỊ HÀ, Phó Giám đốc Công ty CP Vận tải và quản lý bến xe Đà Nẵng cho biết:

Trung bình mỗi ngày tại  Bến xe Đà Nẵng có gần 500/1.000 xe xuất bến, nên nếu các xe chờ trong bến quá lâu thì sẽ không có chỗ cho xe khác vào. Mặt khác, vấn đề ý thức của người dân cũng là nguyên nhân gây nên tình trạng “xe dù, bến cóc”.

Nếu ai cũng ý thức vào bến mua vé thì liệu các nhà xe có bắt khách dọc đường nữa không? Nếu lực lượng CSGT xử lý nghiêm các nhà xe cố tình bắt khách dọc đường thì “xe dù, bến cóc” sẽ không có đất để lộng hành.
 

Bài và ảnh: TRỌNG HÙNG

;
.
.
.
.
.