Một cán bộ Sở Công thương Đà Nẵng nói: “Xác định việc phạm luật hay đúng luật của một số công ty bán hàng đa cấp thực sự rất mong manh, nên rất khó phát hiện vi phạm”. Thành thử, nhiều nơi vẫn lách luật để dụ nhiều người mua hàng giá cao và tham gia mạng lưới của mình, với những lời quảng cáo cực kỳ khó tin về sản phẩm và công việc.
Kỳ 1: Lập lờ đánh lận... người tiêu dùng
|
Sản phẩm chữa ung thư giai đoạn đầu, hoặc thay cho sữa, cá, thịt (?!)
Hầu hết những mặt hàng của các công ty BHĐC đều nhắm vào lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, sắc đẹp, và thường được các công ty này “dán” cho loại nhãn có sức công phá mạnh mẽ vào niềm tin của người tiêu dùng: có khả năng ngăn ngừa hoặc trị bệnh ung thư giai đoạn đầu (?!).
Tại công ty BHĐC TNMU, một chiếc áo ngực dành cho phụ nữ cũng vì “có chức năng đặc biệt” này nên được đẩy giá lên mức 1,75 triệu đồng (giá bán lẻ là 1,9 triệu đồng/chiếc). “Chất liệu làm nên áo ngực được tổng hợp từ những hạt trân châu mềm và sợi nanô. Khi cơ thể chuyển động sẽ tạo nên một lực tác động vào áo ngực, từ đó, áo ngực sẽ trả lại một lực tương tự giúp vùng ngực được vận động đều đặn, tránh hiện tượng những tế bào chết tích tụ lâu ngày thành khối gây ung thư, làm cho ngực giãn nở, đầy đặn”, một chuyên viên kỹ thuật của TNMU quảng cáo.
Cũng với tiêu chí “đặc trị” ung thư, chị D., người trong mạng lưới của công ty BHĐC Vi. giới thiệu với chúng tôi các lọ thực phẩm chức năng (30-60 viên/lọ), trong đó một lọ “chữa được ung thư giai đoạn đầu”, lọ khác “dùng cho trẻ em thay sữa và thậm chí thay cả... thịt, cá”.
“Uống các viên sản phẩm này, các cháu cả ngày không cần ăn gì nhiều, chỉ cần ăn chén cơm chan với canh rau là đủ”, chị D. giải thích thêm. Một người khác trước đây làm việc tại Vi. (người này đã nghỉ từ hơn một năm nay – PV) vẫn nhiệt tình hướng dẫn chúng tôi tham gia bán các sản phẩm trên, bởi: “Thuốc này dùng cho mấy nhà du hành vũ trụ uống đó” (?!), người này nói.
(Theo tìm hiểu của chúng tôi, về mặt giấy tờ, Vi. tại Đà Nẵng đã giải thể, nhưng trên thực tế, Vi. vẫn hoạt động thông qua các nhà phân phối như chị D. Các hoạt động phân phối được thực hiện tại nhà chị D. – PV).
Mù tăm xuất xứ cả hàng hóa lẫn... người
Xuất xứ hàng hóa được trình bày theo kiểu “mù mù tăm tăm”. Ai có thời gian thì đi so kè, kiểm chứng, còn không thì mỗi người sẽ được nghe tư vấn mỗi kiểu. Anh “chuyên viên kỹ thuật” của TNMU cho tôi biết, máy Ozon có hai loại: một nhập từ tập đoàn lớn của Bắc Kinh, một từ tập đoàn Lê Đoàn Phú của Đài Loan. Tên các sản phẩm khác được Đ.H.B, Trưởng phòng ruby (cách gọi của công ty này – PV) của TNMU giới thiệu là “Taiwan”. Tương tự, xuất xứ sản phẩm của Vi. được in trên lọ là Ailen, nhưng chị D. lại một mực: “Hàng của Pháp”.
Chưa hết, để tạo niềm tin cho những người tham gia hội thảo nghề nghiệp của mình, nhiều vị đại diện cho TNMU còn cố ý khai “nhầm” nghề nghiệp chính và nơi công tác. Cụ thể, một người phụ nữ tên N.T.A. giới thiệu: “Tôi hiện đang công tác tại Viện NCKHTL miền Trung - Tây Nguyên, phụ trách phòng tổ chức, là bệnh nhân của bác sĩ Đ.H.B. (Trưởng phòng ruby nói trên – PV), sau khi được bác sĩ Đ.H.B. chữa cho lành bệnh thì giới thiệu vào đây”. Đến phiên ông Đ.H.B. cũng nói rõ mình là bác sĩ Khoa phục hồi chức năng của Bệnh viện GTVT.
Tuy nhiên, theo xác minh của chúng tôi, bà N.T.A đã nghỉ hưu ở Viện trên từ tháng 5-2009; ông Đ.H.B không phải là bác sĩ, mà là một kỹ thuật viên phục hồi chức năng.
Bài và ảnh: HẰNG VANG - THU HOA
Kỳ tới: Muốn đứng vào mạng lưới BHĐC, người tham gia phải mua hàng hóa có giá cao, với tổng số tiền lên tới vài triệu. Và để “giúp” những người cả tin có đủ số tiền đó, các “chuyên gia” BHĐC bèn bày họ cách “xoay” tiền.