.

Chạy đua với lũ

.

Rút kinh nghiệm từ những năm trước, năm nay, các đơn vị thi công công trình giao thông trên địa bàn thành phố đã chủ động đẩy nhanh tiến độ để tránh thiệt hại khi mùa mưa bão đang đến gần.

Khẩn trương thi công trên công trình xây dựng cầu Đỏ.

Dự án nâng cấp mở rộng QL 1A đoạn Hòa Cầm-Hòa Phước đến thời điểm hiện nay cơ bản hoàn thành phần mặt đường, đang lát gạch phần vỉa hè. Riêng 2 hạng mục quan trọng nhất là cầu Đỏ và cầu Quá Giáng đang được Công ty CP Xây dựng công trình giao thông 545 cùng các nhà thầu phụ tập trung phương tiện, nhân lực để thi công, với mục tiêu phấn đấu hợp long trước mùa mưa lũ đến. Tại cầu Đỏ, sau khi hợp long một làn cầu, đơn vị đang tập trung phương tiện để hoàn thành phần còn lại.

Được biết, với việc hai đầu mố cầu phía Bắc và Nam đã hoàn thành, vật tư cũng đã tập kết đầy đủ, khoảng trung tuần tháng 8 này sẽ hợp long làn cầu còn lại. Trong khi đó tại cầu Quá Giáng, không khí lao động cũng hết sức khẩn trương. Trên 50 công nhân làm việc suốt cả ngày trong tuần, với hàng chục phương tiện. Theo tính toán của đơn vị thi công, 2 mố trụ ở 2 đầu cầu đã lao dầm xong, đường dẫn đang rải đá cấp phối, các dầm cầu đã đúc xong, nếu thời tiết tốt, khoảng trong tháng 8 này có thể hợp long.

Trên công trình cầu Hòa Xuân, đơn vị thi công đã hoàn thành 5/6 trụ cầu. Riêng trụ cầu T5 - trụ cuối cùng - đang khẩn trương để có thể hoàn thành đầu tháng 8 này. Đặc biệt tại cầu Biện - thuộc dự án Nâng cấp mở rộng tuyến đường Lê Văn Hiến (Đà Nẵng đi Hội An), thời gian đầu tiến độ chậm vì vướng giải phóng mặt bằng, nay tiến độ thi công đã được đẩy nhanh. Theo ông Lê Văn Trung, Trưởng Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông công chính thành phố cho biết: Để chạy lũ, đồng thời giảm tải cho cầu cũ, đơn vị thi công phấn đấu hoàn thành một chiều của chiếc cầu để đưa vào sử dụng trước mùa mưa năm nay.

Như vậy có thể tin rằng, các cầu đang xây dựng trên địa bàn thành phố hoàn toàn có thể tránh được lũ lụt, tạo điều kiện lưu thông thuận lợi. Trong khi đó, trên các công trình đường bộ, hầu hết được các đơn vị thi công tập trung nhân lực, vật lực, ưu tiên thi công trước những hạng mục dễ bị ảnh hưởng của lũ lụt nhất.
 
Tại công trình nâng cấp đường Lê Văn Hiến, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông công chính đã chỉ đạo cho hai nhà thầu chính ngay trong đầu tháng 8 này thảm nhựa đoạn từ đầu cầu Tuyên Sơn đến cầu Biện, đến giữa tháng 8 sẽ thảm nhựa tiếp một nửa phần đường phía đông, đoạn từ cầu Biện đến điểm giáp giới với tỉnh Quảng Nam. Điều đặc biệt của công đoạn thảm nhựa lần này là thảm song song hai lớp đủ tiêu chuẩn, để khi thảm xong cho phép xe tải nặng lưu thông ngay mà không cần phải thảm nhựa với hình thức thử tải như các công trình khác.
 
Tại công trình đường Bạch Đằng (nối dài), do có một mặt tiếp giáp với sông Hàn phải đúc bờ kè nên tiến độ thi công tránh lũ  được ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, theo ông Lê Văn Trung, vì thi công ở vị trí dễ bị sạt lở, nên ngay đầu mùa hè năm nay, việc thi công bờ kè đã được đẩy nhanh tiến độ. Đến nay, toàn bộ 1,2 km bờ kè đã hoàn thành việc đóng cọc giữ nền móng cho công trình, trên 1km đã hoàn thành việc đúc ta-luy phía trên để giữ đất.
 

Tập trung phương tiện cơ giới thi công để kịp thảm nhựa phía Tây của đường Lê Văn Hiến, đoạn từ cầu Tuyên Sơn đến cầu Biện

 

Với khoảng hơn 100 mét ta-luy còn lại, dự kiến trong tháng 8 này sẽ hoàn thành. Riêng công trình đường Nguyễn Văn Linh (nối dài), mặc dù một số vị trí còn vướng giải tỏa đền bù, nên chưa thể thi công trên toàn tuyến, nhưng theo tinh thần chỉ đạo của Sở Giao thông-Vận tải thành phố, hiện ở đâu có mặt bằng là đơn vị thi công tập trung đúc sẵn các loại cống, để khi có điều kiện là ưu tiên thi công trước phần cống thoát nước, nhằm tránh tình trạng ngập úng cho tuyến đường Nguyễn Văn Linh và vùng dân cư xung quanh.

Với sự chủ động trong thi công, có thể nói năm nay, chủ trương “chạy lũ” của ngành giao thông được thực hiện khá tốt. Điều này không những giảm thiệt hại cho các đơn vị thi công, mà còn bảo đảm chất lượng và tiến độ các công trình.

Bài và ảnh: Trần Luân Sơn

;
.
.
.
.
.