Trong khi các dòng sản phẩm điện thoại di động (ĐTDĐ) ở phân khúc dưới 1,5 triệu đồng của các hãng lớn đang thu hút người tiêu dùng, thì mặt hàng “no name” (không tên tuổi) với giá rẻ, hỗ trợ nhiều chức năng đang là thách thức không nhỏ của các “đại gia” di động.
Hàng “no name” chiếm lĩnh thị trường
Trước làn sóng điện thoại Trung Quốc, các hãng lớn liên tục cho các sản phẩm giá rẻ, hỗ trợ thẻ nhớ với nhiều chức năng hơn. |
Để dễ bán, các cửa hàng đều giới thiệu xuất xứ của các sản phẩm này là Hàn Quốc, Thái Lan, châu Âu... Nhưng theo một chuyên viên kinh doanh của một hãng điện thoại lớn (đề nghị không nêu tên), dân kinh doanh đều biết thừa đó là hàng “made in... Trung Quốc”, núp bóng dưới nhiều xuất xứ khác nhau nhằm đánh lạc hướng khách hàng.
Với ưu điểm rẻ, mẫu mã bắt mắt và hỗ trợ hầu hết các chức năng (nghe nhạc, xem phim, blue tooth, chụp ảnh...), hàng “no name” đang là thách thức lớn đối với các sản phẩm chính hãng. Tại cửa hàng D.M (đường Hoàng Diệu), nhiều “bản sao” của điện thoại Nokia, Samsung... đều có mặt. Chiếc N97 (giá 12,5 triệu đồng) của Nokia được sao chép rất tài tình với giá chỉ 1,7 triệu đồng. Nhân viên cửa hàng này giới thiệu: “N97 có gì, điện thoại này có cái đó”.
Bất chấp lo ngại của nhiều nhà phân phối hàng chính hãng trước làn sóng tấn công mạnh mẽ của hàng “no name”, thì ông Huỳnh Văn Hải, Trưởng phòng IT và marketing Siêu thị điện thoại Nam Á vẫn tin tưởng: “Loại hàng này đang xuống hạng và có thể không tồn tại lâu nữa khi sản phẩm theo thời gian “lộ” hết các nhược điểm như màu sắc không sắc nét, âm thanh không trong, phông chữ hay bị lỗi...”.
Ưu tiên cho điện thoại giá rẻ
Chị Trần Vũ Diễm Uyên, Trưởng phòng Trưng bày và bán sản phẩm Nokia – Chi nhánh Công ty phân phối FPT tại Đà Nẵng cho biết, trước sự lấn lướt của hàng Trung Quốc, nhà sản xuất cũng đưa ra nhiều sản phẩm mới có giá cả hợp lý và hỗ trợ thẻ nhớ cùng các chức năng khác. Theo chị Uyên, khi người dân thắt chặt chi tiêu, các dòng sản phẩm chính hãng bình dân (dưới 1,5 triệu đồng/chiếc) được ưa chuộng hơn cả:
“Trong tháng 7 và đầu tháng 8, nhiều sản phẩm “bình dân” không có hàng để bán. Ngoài việc tiết kiệm, nhiều người chọn hàng thường thường, giá chỉ trên 500 nghìn đồng/máy để dùng 2 máy 2 sim, trong đó một máy chỉ để gọi, nhắn tin”. Cũng cùng ý kiến đó, anh Hải nói năm nay, sức mua không thay đổi, thậm chí còn tăng, nhưng giá trị hàng lại thay đổi: “Số tiền mua hàng giảm mạnh, khách hàng cân nhắc rất kỹ trước khi quyết định mua”.
Theo đó, tại siêu thị này, lượng hàng dưới 1,5 triệu đồng bán ra chiếm tới 55% tổng lượng hàng. “Dòng giá rẻ đang chiếm ưu thế, nên các hãng đang cạnh tranh ở phân khúc này”, chị Mai Thị Trinh, chuyên viên Truyền thông – Công ty CP Thế giới di động đánh giá.
Trong khi đó, theo anh Hải, sự chuyển dịch thị phần giữa các hãng thể hiện khá rõ: chẳng hạn như LG đã lấn lướt Sony Ericsson, Motorola để giành vị trí thứ 3 trong bảng xếp hạng, chỉ sau Nokia, Samsung. Tại nhiều cửa hàng phân phối điện thoại di động, LG đã có sự tăng trưởng về doanh số ấn tượng với gần 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Lý do rớt hạng của hai hãng trên được anh Hải lý giải: “Trong thời gian gần đây, hai hãng này không có mẫu mới, giá thành tương đối cao so với sản phẩm của các hãng khác”.
Khi các dòng sản phẩm cao cấp (trên 10 triệu đồng) tương đối khó tiêu thụ tại thị trường miền Trung, thì N97 của Nokia vẫn được bán “đắt như tôm tươi”. Chị Uyên cho hay có lúc “cháy” hàng, nhiều nơi đẩy giá lên 13,5 triệu đồng vẫn không kịp bán, khách muốn mua phải đặt trước. Theo thống kê của nhiều nhà phân phối ĐTDĐ lớn ở Đà Nẵng, sản phẩm trên 10 triệu đồng chỉ chiếm chưa tới 5% tổng lượng hàng bán ra.
Bài và ảnh: HẰNG VANG