Trong một điều tra nhỏ gần đây, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam đưa ra con số đáng lo ngại: 77% người tiêu dùng trong nước chuộng hàng ngoại. Rất nhiều người dân đã trả lời rằng: Họ thích hàng ngoại, vì “tìm được hàng nội ưng ý để mua đâu có dễ”. Thực tế, tình hình đã có sự thay đổi khi thông tin từ các siêu thị, hệ thống bán lẻ cho thấy dòng hàng nội đang dần lấy lại vị thế.
Hàng “ta” nhiều
Thực tế, nhiều mặt hàng Việt Nam không thua kém hàng ngoại. |
Dần dà, sự phát triển của hệ thống siêu thị hiện đại đã đưa hàng hóa nước ngoài vào hệ thống này. Cách đây 5-7 năm, hàng nhập khẩu chiếm ưu thế trong hệ thống siêu thị và khi sản xuất hàng hóa trong nước bắt đầu đa dạng, hàng nội dần nhích lên từng bước về số lượng, chủng loại (trước đây chỉ từ 30%, 40%, 50% và đến trên 90% như hiện nay).
Là tập đoàn bán lẻ của Pháp, thế nhưng hàng Việt Nam trong hệ thống siêu thị BigC cả nước nói chung và Đà Nẵng nói riêng lại chiếm một con số ưu việt bất ngờ: có khoảng 95% là hàng Việt Nam chất lượng cao. Lý giải về điều này, bà Dương Thị Quỳnh Trang, Giám đốc Đối ngoại và Quan hệ công chúng BigC cho biết:
Ngay từ khi BigC có mặt tại Việt Nam năm 1998, mục tiêu của nhà đầu tư là khai thác nguồn hàng địa phương để kinh doanh. Vì vậy, tỷ lệ hàng nội luôn chiếm đa số trong các quầy hàng của BigC. Qua thời gian, tỷ lệ này vẫn không thay đổi gì nhiều. Để có thêm sự lựa chọn cho người Việt qua nhu cầu muốn và được so sánh với hàng ngoại, BigC đã đưa thêm 5% hàng ngoại vào siêu thị.
Hệ thống bán lẻ ở địa phương cũng như của cả nước đóng vai trò quan trọng trong việc kích cầu tiêu dùng hàng nội địa. Nhiều siêu thị đã cam kết thực hiện kinh doanh 80-90% hàng tiêu dùng thiết yếu là hàng nội địa. Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam và hệ thống các nhà bán lẻ tự do đã góp phần quan trọng đưa hàng sản xuất trong nước đến tận tay người tiêu dùng. Tuy nhiên…
…vẫn chưa có thế mạnh
Thu nhập bình quân đầu người của người dân nước ta đã vượt qua 1.000 USD/năm (khoảng 18 triệu đồng) đưa đến một sự cải thiện tương đối về vật chất và tinh thần. Người dân ngày càng có nhiều thông tin, khả năng lựa chọn hàng hóa, dịch vụ. Vì vậy, họ đòi hỏi khắt khe hơn về chất lượng sản phẩm, mẫu mã, tính an toàn…, trong khi đó, nhà sản xuất nội địa mong muốn bán ra thị trường nhiều sản phẩm, người tiêu dùng cũng muốn mua nhưng còn dè chừng hàng nội.
Vì sao vậy? Nếu nói hàng nội chưa phong phú, đa dạng thì bất hợp lý, bởi con số những nhà bán lẻ trong và ngoài nước đưa ra đã khẳng định sự vượt trội về định lượng hàng nội. Điều đó, chưa nói tới hầu hết các mặt hàng nói trên đều là hàng Việt Nam chất lượng cao.
Tỷ lệ hàng nội nhiều nhưng vẫn bộc lộ sự bất ổn như trong thời gian vừa qua. Một khách hàng nói rằng: “Khắp nơi đều nhan nhản hàng nước ngoài, đặc biệt là hàng Trung Quốc, Malaysia, giá rẻ. Thậm chí, người bán cũng tư vấn nếu mua quà tặng thì nên chọn hàng ngoại cho... oai. Hàng nội mình cũng có nhiều loại tốt lắm chứ, nhưng bị làm nhái nhiều quá nên không ai yên tâm cả”.
Một sự thực làm đau lòng những nhà sản xuất Việt Nam và đó cũng là bài toán nan giải của cơ quan chức năng, đó là hàng giả, hàng nhái và gian lận thương mại vẫn diễn biến phức tạp. Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2009, Chi cục QLTT thành phố Đà Nẵng đã “lôi” ra trước ánh sáng hàng trăm vụ vi phạm thương mại, trong đó chủ yếu là buôn bán, sản xuất hàng giả, hàng nhái…
Nhận định về hàng nội, đại diện Tập đoàn BigC phát biểu: “Chúng tôi tin tưởng vào tiềm năng và chất lượng của hàng hóa Việt Nam. Ngoài việc ưu tiên kinh doanh hàng Việt tại các đại siêu thị của mình, BigC còn tích cực tham gia vào việc quảng bá hàngViệt ra thế giới. Cụ thể, hằng năm BigC đã xuất gần 1.000 container hàng Việt sang những chuỗi siêu thị của Tập đoàn Casino (tập đoàn mẹ BigC) ở thị trường châu Âu, châu Mỹ La tinh và Ấn Độ dương”.
Ở một số siêu thị lớn như Metro, Intimex, hàng nội luôn chiếm từ 80 - 95% nguồn hàng lấy từ các công ty trong nước. Để người dân quan tâm đến hàng nội, các siêu thị này vẫn thường xuyên xây dựng các chương trình khuyến mãi có sự tham gia cùng chia sẻ của các nhà sản xuất trong nước như Vinamilk, Vissan, Việt Tiến, Wow…
Một nền kinh tế mạnh là nơi các ngành sản xuất phát triển và hàng hóa nội địa có thế mạnh trên thị trường, vừa phục vụ cho nội địa vừa xuất khẩu. Việc nâng cao vai trò của hàng nội là một chính sách rất đúng đắn và cần thiết mà Chính phủ đang phát động hiện nay. Bằng không, nếu để thả lỏng thị trường, sự cạnh tranh của hàng hóa nhập ngoại giá rẻ một ngày nào đó sẽ “nuốt chửng” hàng Việt Nam.
Bài và ảnh: DUYÊN ANH