Chị Huỳnh Thị Minh Châu, Phó Chủ tịch Hội Nông dân phường Hòa Phát cho biết, trong số những hộ nông dân ở phường vay vốn ưu đãi lãi suất của Chính phủ, có một hộ vay vốn mua máy cày, khai khẩn ruộng hoang làm lúa, đã gợi sự tò mò của chúng tôi. Ruộng đất ở Hòa Phát vốn cằn cỗi, khô hạn, sản xuất phụ thuộc nước trời. Nhiều năm qua, nông dân lần lượt bỏ đất, bỏ ruộng. Vậy mà nay lại có một người dám đầu tư 20 triệu đồng mua máy cày về làm lúa!
Anh Tâm (ngồi giữa) và các thợ gặt. |
Hôm sau chúng tôi tìm đến tận chân ruộng, nơi anh và nhóm thợ đang gặt vụ lúa theo anh là “lỡ cỡ”, không ra đông xuân mà cũng chẳng hè thu, bởi sau Tết Nguyên đán, anh mới bắt tay vào khai hoang. Nhìn con nước thấy được, anh tiếp tục xuống giống làm vụ đầu tiên. Anh cho biết: sản xuất trên ruộng ở Hòa Phát thường ít tuân theo lịch thời vụ vì phụ thuộc vào nguồn nước trời. Khu vực này nền ruộng thấp, xung quanh nhà cửa, công trình, dự án quây kín, nước không có lối thoát nên phải làm trễ hơn các nơi khác. Đây là vụ đầu tiên nên năng suất không cao, nhưng theo kinh nghiệm thì những lứa tiếp theo sẽ cho năng suất khá.
Theo anh Tâm, vào năm 2000, khi giá lúa còn thấp, bình quân 3.200 đồng/kg, nhiều hộ nông dân ở phường Hòa Phát bỏ ruộng, bỏ đất đi làm thợ nề và phục vụ các công trình xây dựng. Làm ruộng suốt mấy tháng mới kiếm được vài tạ gạo, trong khi đó làm thợ một ngày đã có thể mua được vài chục ký. Anh Tâm lại nghĩ khác với mọi người:
Làm thợ có nhiều tiền nhưng không ổn định, chỉ vừa đủ trang trải chi phí hằng ngày và rất khó dành dụm, tích lũy thành món tiền lớn. Trong khi đó, làm ruộng lâu có tiền, nhưng món tiền sau mỗi vụ gặt lại kha khá. Nghĩ vậy nên dù mọi người rủ nhau bỏ ruộng thì anh vừa chăm chỉ duy trì 4 sào ruộng của gia đình, vừa tranh thủ đi làm thợ nề trong những ngày nông nhàn.
Nhìn mọi người xung quanh bỏ ruộng hoang, cỏ lác mọc đầy, anh cảm thấy xót lòng. Sau khi cưới vợ, sinh con, ý nghĩ phải làm gì để tích lũy kinh tế càng thôi thúc anh. Vậy là anh bàn với người anh rể, năm 2008 hai anh em cùng bắt tay vào khai hoang. Đám ruộng 8.000m2 này mới được khai hoang vào năm 2009. Anh chỉ ra cánh đồng trơ gốc rạ, phía cuối đồng còn một thửa lúa chín vàng rộm trong nắng chiều, kể:
“Nhìn bây giờ nó ra vẻ ruộng, chứ cách đây mấy tháng chỉ là cánh đồng hoang, cỏ lác mọc cao quá đầu người. Khi bắt tay vào phát cỏ, tôi đã nghĩ giá mà mình có chiếc máy cày. Ao ước vậy thôi chứ làm gì có được tiền mua sắm. Vụ này, hai anh em phải đi vay nóng thuê người cày, vừa chi phí cao lại phải mất công chiều chuộng chủ máy. Bây giờ mua được máy cày rồi, vụ tới sẽ tiếp tục khai hoang nhiều hơn. Ít nhất hai anh em phải làm trên 3 mẫu ruộng”.
Anh cho biết, hai anh em đã thỏa thuận với chủ đất, có hợp đồng rõ ràng, làm sau 3 năm mới phải đong lúa trả công đất. Còn dự án Tây Trường Chinh thì chậm triển khai, có khi mình làm cả chục vụ mà vẫn chưa giải tỏa. Anh còn đang dự tính sẽ xin phép cơ quan chức năng cho sản xuất ở khu vực cầu Mười Hai bị úng ngập, nông dân bỏ hoang lâu nay. Anh dự tính sẽ đắp đập, ngăn bờ, làm hệ thống thoát nước để sản xuất.
Nhìn vẻ tự tin của người nông dân 33 tuổi đời, chúng tôi mừng cho anh. Mong rằng anh sẽ thành công với những dự định của mình.
Bài và ảnh: Nguyên Thu