.

ASEAN đẩy mạnh hợp tác thương mại, đầu tư với các nước đối tác

.

(ĐNĐT) - Trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN (AEM) lần thứ 42, Bộ trưởng Kinh tế các nước thành viên ASEAN đã tham vấn với các đối tác Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Úc, New Zealand, Nga, EU. ĐNĐT phỏng vấn Bộ trưởng Bộ Công thương Việt Nam Vũ Huy Hoàng xoay quanh kết quả của các buổi tham vấn này.  

bo truong vu huy hoang.jpg

Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng

* Xin Bộ trưởng cho biết việc thực hiện Hiệp định Khu vực tự do mậu dịch (FTA) giữa ASEAN với các nước đối tác mang lại những lợi ích gì cho sự phát triển kinh tế của các nước thành viên ASEAN?

Đến nay, ASEAN đã ký Hiệp định FTA với 6 đối tác lớn, bao gồm: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Úc, New Zealand. Qua đánh giá của các đối tác và các nước ASEAN thì tác động của các Hiệp định này đối với mỗi nước ASEAN ở mức độ khác nhau nhưng nhìn chung là tích cực, thương mại hai chiều giữa ASEAN và các nước đối tác đều tăng lên.

Ví dụ hiện nay, Trung Quốc đã vươn lên là đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN. Năm vừa qua, kim ngạch xuất nhập khẩu (XNK) giữa hai bên đã đạt hơn 170 tỷ USD, Nhật Bản là đối tác thương mại lớn thứ 3 với kim ngạch XNK hai chiều đạt khoảng 160 tỷ USD/năm, Hàn Quốc trở thành đối tác thương mại lớn thứ 4 của ASEAN, Ấn Độ - Úc - New Zealand cũng là những đối tác đứng trong nhóm 10 đối tác quan trọng nhất về thương mại của ASEAN.

Các Bộ trưởng đánh giá, FTA là một kênh duy trì thương mại và đầu tư trong ASEAN, một số Hiệp định FTA đã mang lại kết quả tốt hơn trong hoạt động thương mại của ASEAN như Hiệp định FTA với Hàn Quốc, Nhật Bản. Việt Nam là một trong những nước được hưởng lợi khá tốt từ việc ký kết Hiệp định FTA với các đối tác. Đối với Nhật Bản, 27,3% hàng xuất khẩu của Việt Nam được hưởng thuế suất ưu đãi theo Hiệp định FTA và khoảng 21% hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc cũng được hưởng thuế suất ưu đãi.

Để các Hiệp định FTA đã ký kết phát huy hiệu quả hơn nữa đối với các nước ASEAN thì điều quan trọng theo sự đánh giá của các Bộ trưởng ASEAN là cần có một chiến lược nhất quán, dài hạn nhằm bổ sung, hài hòa hơn các quy định, luật lệ giữa các Hiệp định FTA mà ASEAN đã ký với các đối tác, khắc phục sự khác biệt về nội dung từng Hiệp định. Các doanh nghiệp ASEAN là đối tượng được hưởng lợi, họ có thể khai thác những lợi ích từ Hiệp định FTA mà ASEAN đã ký kết với đối tác. Một vấn đề quan trọng là trong thời gian tới, ASEAN cần phải làm tốt hơn công tác thông tin, tuyên truyền về lợi ích của Hiệp định FTA cho cộng đồng, doanh nghiệp và người dân để họ khai thác những ưu đãi mà những Hiệp định này mang lại.

* Các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN đã thảo luận những nội dung gì trong phiên tham vấn với Liên bang Nga? 

- Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Do nhiều lý do khác nhau mà quan hệ thương mại giữa ASEAN với Nga vẫn còn khiêm tốn. Theo đánh giá của các Bộ trưởng, quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư với Nga chủ yếu là ở Việt Nam, các nước còn lại trong ASEAN thì rất hạn chế. Các Bộ trưởng đã nhận thức tầm quan trọng của việc xây dựng và thúc đẩy lên quy mô lớn hơn trong hợp tác kinh tế giữa Nga và ASEAN. Điều này phù hợp với mong muốn của lãnh đạo và cộng đồng doanh nghiệp hai bên nên với tư cách là nước chủ nhà của Hội nghị AEM 2010, Việt Nam đã đề xuất, khởi xướng phiên tham vấn, đối thoại giữa Bộ trưởng Kinh tế ASEAN và Bộ trưởng Phát triển kinh tế của Nga.

tham van an do.jpg

Phiên tham vấn AEM - Ấn Độ lần thứ 8. Ảnh: M.H

Sáng kiến này được các nước ASEAN ủng hộ, Nga nhất trí cao. Năm 2009, kim ngạch thương mại giữa Nga với ASEAN chỉ ở mức 6 tỷ USD, tương đương 0,4% tổng kim ngạch thương mại của ASEAN. Trong khi đó, tiềm năng hai bên rất lớn, chưa khai thác được. Vì vậy, các Bộ trưởng nhất trí cần có biện pháp mạnh và phù hợp để trong thời gian tới, nâng cao quy mô hợp tác thương mại, đầu tư giữa hai bên. Các Bộ trưởng thống nhất sẽ xây dựng một lộ trình về hợp tác kinh tế - thương mại toàn diện Nga - ASEAN. Theo dự kiến, lộ trình này sẽ trình lên Hội nghị Cấp cao ASEAN - Liên bang Nga tổ chức vào tháng 10-2010. 

* Tại buổi làm việc với Cao ủy Thương mại châu Âu Karel De Gucht, các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN đã đề cập đến những vấn đề gì? 

- Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Liên minh châu Âu (EU) là đối tác thương mại lớn thứ hai sau Trung Quốc. Lần này, các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN và Cao ủy EU thống nhất cần phải duy trì thường xuyên các cuộc đối thoại, gặp gỡ, trao đổi ở nhiều cấp độ khác nhau giữa ASEAN và EU, từ cấp chuyên viên tới cấp Bộ trưởng. EU đã đưa ra sáng kiến về Đối thoại thương mại ASEAN - EU. Sáng kiến này bao gồm việc đề xuất một số biện pháp cụ thể về tạo khuôn khổ pháp lý, về tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư, đề ra các hoạt động hợp tác kinh tế giữa những khu vực mà hai bên có sự quan tâm chung như tự do thương mại, việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ…

Hai bên thống nhất tổ chức Diễn đàn cấp cao về đối thoại doanh nghiệp nhằm tăng cường hợp tác giữa Phòng Thương mại và Công nghiệp EU với ASEAN, khuyến khích sự tham dự của doanh nghiệp vào quá trình hội nhập giữa hai bên. ASEAN và EU đang thực hiện biện pháp mở rộng và làm sâu sắc hơn quá trình hội nhập kinh tế của hai khu vực.

Đối thoại ASEAN - EU là dấu ấn quan trọng trong năm Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN 2010. Việt Nam là điều phối viên trong quan hệ thương mại giữa ASEAN và EU nên nếu ASEAN - EU thực hiện tốt sáng kiến trên thì sẽ góp phần thúc đẩy hơn nữa về quy mô và chất lượng, sự ổn định trong quan hệ hợp tác thương mại, đầu tư, kinh tế giữa hai khối.

* Xin cảm ơn Bộ trưởng!

Mỹ Hạnh (thực hiện)

;
.
.
.
.
.