* Phát hiệu 1 cơ sở sản xuất bột giặt, bột ngọt giả
(ĐNĐT) - Sáng 27-8, Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) thành phố Đà Nẵng tiến hành tiêu hủy 85 mặt hàng thuộc danh mục hàng kém chất lượng, hàng giả và hàng cấm.
Tiêu hủy hàng giả, kém chất lượng |
Những mặt hàng được tiêu hủy gồm có: mũ bảo hiểm, đèn pin, mỹ phẩm, thuốc nhuộm tóc, linh kiện điện thoại, thuốc tân dược, thực phẩm chức năng, sữa bột các loại, thuốc thú y, dụng cụ tránh thai, máy tính bỏ túi giả nhãn hiệu Casino…
Trong đó, nhiều mặt hàng có số lượng lớn như rượu ngoại (390 chai), đĩa nhạc (3.947 cái), kem xoa mặt (844 hộp), son môi (243 thỏi), pin điện thoại di động (447 viên), ke chống bão (1.490 cái), súng nhựa (5.000).
Ông Nguyễn Nho Hậu, Chi cục phó Chi cục QLTT thành phố, cho biết đây là toàn bộ số hàng do lực lượng QLTT phối hợp với một số ngành chức năng đã tịch thu khi chủ hàng vận chuyển, lưu thông trên đường và tại một số điểm kinh doanh trên các cửa hàng, chợ từ đầu cuối năm 2009 đến nay.
* Sau nhiều ngày theo dõi, ngày 27-8, Bộ đội Biên phòng thành phố Đà Nẵng phối hợp với Chi Cục Quản lý thị trường tiến hành khám xét và bắt quả tang cơ sở do bà Vũ Thị Minh Vân (51 đường Xuân Diệu, phường Thuận Phước (quận Hải Châu)) làm chủ, chuyên sản xuất, đóng gói bột giặt, mì chính giả với quy mô lớn nhất từ trước đến nay tại Đà Nẵng.
Tại đây, lực lượng chức năng phát hiện hơn 2.000 bao mì chính hiệu Aone giả đã đóng gói; gần 1.000 gói bột giặt mang nhãn hiệu Star, Vì Dân, Comfor giả... Ngoài ra, lực lượng chức năng còn phát hiện gần 10 tấn nguyên liệu bột giặt Omo và mì chính (bột ngọt) đang chờ đóng gói.
Được biết, vào khoảng 10 giờ cùng ngày, các lực lượng chức năng bắt quả tang một nhóm đối tượng đang tiêu thụ hàng giả tại ngã tư đường Trần Phú – Trần Quy Cáp (phường Hải Châu 1, quận Hải Châu), sau đó các đối tượng này khai ra số hàng được lấy từ cơ sở của bà Vân đưa đi tiêu thụ.
Ông Lê Văn Quang, nhân viên bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và công nghiệp khu vực miền Trung thuộc Công ty TNHH quốc tế Unilever Việt Nam, xác nhận toàn bộ số bột giặt được đóng trong bao bì mang nhãn hiệu OMO nói trên là hàng giả, bởi theo anh Quang, chỉ cần nhìn bằng mắt thường cũng thấy logo của nhãn hiệu bột giặt OMO cũng được in giả trên bao bì.
Chi Cục Quản lý thị trường đã tiến hành niêm phong và tịch thu toàn bộ số hàng nói trên để điều tra làm rõ.
D. Anh - T.Hùng-Đ.Mạnh