Với việc tăng cường hợp tác với các nước ASEAN, Nhật Bản vừa tổ chức thành công “Tuần lễ Sakai - ASEAN năm 2010” và xúc tiến các hoạt động quảng bá về hoạt động kỷ niệm 1.300 năm cố đô Nara vào cuối năm 2010. Tại thành phố Sakai, tỉnh Osaka, phóng viên Báo Đà Nẵng đã có cuộc phỏng vấn với ông Lê Đức Lưu - Tổng Lãnh sự Việt Nam tại thành phố Sakai - Nhật Bản về triển vọng hợp tác phát triển giữa hai nước Việt Nam - Nhật Bản, trong đó có thành phố Đà Nẵng với Nhật Bản.
Tổng Lãnh sự Việt Nam Lê Đức Lưu (bên phải) chúc mừng Thị trưởng thành phố Sakai đã tổ chức thành công “Tuần lễ Sakai-ASEAN năm 2010”. |
* P.V: Thưa ông, vừa tròn một năm Lãnh sự quán Việt Nam có mặt tại vùng văn hóa, kinh tế trọng yếu của Nhật Bản, vậy quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản đã có những kết quả gì?
- Ông Lê Đức Lưu: Trong một năm qua, mối quan hệ hữu nghị, hợp tác đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Nhật Bản phát triển hết sức tốt đẹp cả về chiều rộng và chiều sâu. Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Gia Khiêm đã sang thăm và tham gia kỳ họp lần thứ III Ủy ban Hợp tác Việt Nam - Nhật Bản tháng 1-2010; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Võ Hồng Phúc kết thúc tốt đẹp chuyến thăm Nhật Bản tháng 4-2010; các chuyến thăm Việt Nam của Thống đốc tỉnh Osaka - ngài Hashimoto Toru tháng 1-2010, của Thị trưởng thành phố Sakai-ngài Takeyama Osamu tới Đà Nẵng tháng 4-2010... đã đạt được nhiều thỏa thuận quan trọng, thúc đẩy phát triển mạnh hơn nữa quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa hai nước và giữa Việt Nam với Osaka, giữa Việt Nam với vùng Kansai.
Về kim ngạch thương mại giữa hai nước thời gian qua tăng nhanh, năm 2008 đạt khoảng 17 tỷ USD. Năm 2009, mặc dù gặp nhiều khó khăn do tác động của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, nhưng thương mại giữa 2 nước vẫn tiếp tục phát triển khá tốt, đạt 12,5 tỷ USD. Hiện nay, Nhật Bản đã có trên 1.000 dự án đầu tư trực tiếp đang hoạt động tại Việt Nam với tổng số vốn 18 tỷ USD. Nhật Bản xếp thứ 3 trong số 90 quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư vào Việt Nam. Tôi cũng rất mừng là trong thời gian qua, với quyết tâm của lãnh đạo hai nước, Nhật Bản sẽ giúp thực hiện một số dự án lớn ở Việt Nam, trong đó có đường cao tốc Bắc Nam, khu công nghệ cao Hòa Lạc, đường tàu điện ngầm tại thành phố Hồ Chí Minh và Dự án của thành phố Osaka xây dựng hệ thống nước sạch tại thành phố Hồ Chí Minh... sẽ đem lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước.
Tuy nhiên, tôi cũng nhận thấy rằng kết quả này vẫn còn chưa tương xứng với mối quan hệ chính trị tốt đẹp, với tiềm năng sẵn có cũng như mong muốn của Chính phủ và nhân dân hai nước.
* P.V: Triển vọng về hợp tác phát triển kinh tế trong thời gian tới cụ thể hơn là gì và vai trò của thành phố Đà Nẵng ra sao, thưa ông?
- Ông Lê Đức Lưu: Để hướng tới phát triển trong tương lai, tôi xin nhấn mạnh một số nội dung nhằm thúc đẩy đầu tư và thương mại hai nước, đó là tiềm năng hợp tác giữa hai nước Việt Nam và Nhật Bản còn rất lớn và việc hợp tác về đầu tư, thương mại cũng đang có nhiều thuận lợi. Trước hết là lãnh đạo và nhân dân hai nước đều mong muốn phát triển toàn diện quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước và hiện nay quan hệ chính trị, ngoại giao giữa hai nước là rất tốt đẹp.
Các cấp lãnh đạo thường xuyên thăm viếng nhau, lãnh đạo và nhân dân hai nước có sự hiểu biết và tin cậy nhau, phối hợp tốt trên các diễn đàn hợp tác khu vực và đa phương, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực phát triển. Hai là, trong những năm qua, hai nước đã ký kết nhiều văn bản pháp lý về hợp tác song phương trong hầu hết các lĩnh vực, đồng thời thiết lập những cơ chế phối hợp cần thiết, phù hợp, tạo khuôn khổ pháp lý và điều kiện thuận lợi để thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước ngày càng phát triển. Ba là, hai nước có nhiều tiềm năng, lợi thế có thể bổ trợ cho nhau, hợp tác cùng phát triển. Nhật Bản có tiềm năng và nhu cầu hợp tác về khoa học công nghệ tiên tiến, tài chính, ngân hàng, viễn thông, thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản, dầu khí, sản xuất phân bón, năng lượng sạch, xây dựng kết cấu hạ tầng và du lịch...
Các doanh nghiệp Việt Nam đang hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng và có hiệu quả. Việt Nam đã là thành viên của WTO, có quan hệ thương mại với trên 220 quốc gia và vùng lãnh thổ. Kim ngạch thương mại của Việt Nam năm 2008 với các nước đạt khoảng 150 tỷ USD, tăng bình quân gần 20%/năm trong suốt 20 năm qua. Năm 2009, mặc dù có nhiều khó khăn do tác động của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế nhưng thương mại của Việt Nam với các nước vẫn đạt khoảng 130 tỷ USD. Việt Nam cũng có 457 dự án đầu tư đang thực hiện ở 50 nước và vùng lãnh thổ, với số vốn khoảng 7,2 tỷ USD; phần lớn các dự án đang được triển khai thành công. Đây là tiềm năng to lớn của các doanh nghiệp Việt Nam mà chúng ta cần khai thác để đẩy mạnh hợp tác đầu tư, thương mại giữa hai nước.
Đà Nẵng và nhiều địa phương của Việt Nam có nhiều nét tương đồng về văn hóa, lịch sử với các tỉnh, thành của Nhật Bản. Tôi biết rất nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đang quan tâm đến sự phát triển hợp tác khu vực, mà cụ thể đây là những hợp tác tiểu vùng Mê Kông - một thị trường rộng lớn, đang kết nối về nhiều mặt, nhất là hạ tầng giao thông, trong đó có các Hành lang ven biển phía Nam, Hành lang Kinh tế Đông Tây, đường Xuyên Á... tạo thuận lợi cho việc phát triển thương mại và đầu tư giữa hai nước và với các nước khác trong khu vực.
Trong bối cảnh kinh tế khu vực và thế giới đang có nhiều khó khăn, việc củng cố và tăng cường quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước Việt Nam - Nhật Bản, giữa thành phố Đà Nẵng và thành phố Sakai lại càng có ý nghĩa sâu sắc. Vừa qua, Lãnh sự quán đã làm việc với Phòng Thương mại và Công nghiệp thành phố Sakai, tôi được biết bạn đang chuẩn bị tổ chức một đoàn doanh nghiệp sang thăm và tìm hiểu các đối tác tại Đà Nẵng. Với sự quan tâm của cả hai bên, sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp hai thành phố, tôi tin tưởng rằng trong thời gian tới, các doanh nghiệp hai thành phố sẽ tiếp tục có nhiều hợp đồng thương mại được ký kết, nhiều dự án đầu tư được cấp phép và thực hiện thành công, góp phần thiết thực đưa quan hệ hai nước phát triển lên tầm cao mới.
Thành phố Sakai từ lâu đã nổi tiếng là một trong những cửa ngõ quốc tế quan trọng của Nhật Bản. Vào thế kỷ 16, nhiều thương nhân người Sakai đã được cấp Châu ấn thuyền (giấy phép) sang giao thương bằng thuyền với Đà Nẵng của Việt Nam và đặt nền móng cho mối quan hệ hai thành phố sau này. Giờ đây, bằng phương tiện máy bay hiện đại, giao thương giữa hai thành phố sẽ nhanh chóng và thuận lợi hơn. Tôi rất hy vọng trong thời gian tới, đường bay Kansai - Đà Nẵng sẽ được mở để mở đầu một thời kỳ mới trong quan hệ giao lưu giữa thành phố Sakai, giữa tỉnh Osaka và vùng Kansai với Đà Nẵng. Đà Nẵng sẽ là một cầu nối giao thương quan trọng giữa Việt Nam - Nhật Bản.
* P.V: Xin trân trọng cảm ơn ông!
TRIỆU TÙNG (Thực hiện tại Sakai- Osaka)