Ngay từ tờ mờ sáng, khoảng 30 người quần ống thấp ống cao cầm vở, bút đến lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi, có những người còn khá trẻ, có những người tuổi đã cao. Họ - những nông dân thứ thiệt - hăng hái đi học... làm nông, bởi “đi học có nhiều cái hay lắm, những kỹ thuật mới mà lâu nay mình có biết đâu” -anh Phan Lợi (54 tuổi) hồ hởi nói.
Kinh nghiệm thôi: Chưa đủ!
Chị Trần Thị Bạch (trái) đang chăm sóc nấm theo kỹ thuật đã được học. |
Lấy nhau từ năm 1989, sau khi nghỉ việc ở cửa hàng lương thực, với 2 bàn tay trắng, không việc làm, vợ chồng anh Phan Lợi và chị Trần Thị Bạch (ở tổ 58 phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu) phải chạy ăn từng bữa. Làm ruộng lúc được lúc không, chăn nuôi nếu may mắn không dịch bệnh thì còn dư tý xíu, nếu gặp dịch coi như trắng tay, lại còn mang thêm gông “nợ” vào cổ. Giữa lúc nghèo đói bủa vây, anh được Hội Nông dân quận giới thiệu và tham gia lớp học trồng nấm trong 3 tháng do Hội tổ chức. “Nếu chủ yếu dựa vào những kinh nghiệm truyền thống thì chưa đủ, bởi vậy, Hội Nông dân quận tổ chức buổi tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật hay lớp nghề trồng nấm sò nào là tôi tham gia liền” - vừa chăm sóc nấm trong trại rộng hơn 2.000m2, anh Hùng vừa nói.
Được biết, ngày trước anh Hùng trồng nấm thì... trồng đến đâu hư đến đó do chưa thành thạo kỹ thuật, còn nay mỗi tháng cơ sở của anh sản xuất 20.000 bịch phôi nấm giống, tạo việc làm thường xuyên cho gần chục lao động. Chỉ tính riêng thu nhập từ nấm cũng hơn chục triệu đồng. Thừa thắng xông lên, sau khi theo học các lớp chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật về nuôi trồng thủy sản, anh Hùng tiếp tục triển khai nuôi ếch giống và ếch thương phẩm. Hiện nay, mỗi năm anh cung cấp cho thị trường 1,5 tấn ếch thương phẩm và trên 10.000 con ếch giống, trừ chi phí, thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi năm.
Cũng là một trong những học viên hăng hái tham gia các lớp học… làm nông như anh Lợi, bác Trần Văn Châu (Đa Phước, phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu) hiện trồng khoảng gần 200m2 nấm. Vừa tất tả đi mua phôi nấm giống của anh Lợi về cấy trồng, bác Châu vừa bảo: “Thầy giáo trẻ mà giỏi lắm. Bây giờ trồng cây gì tôi cũng yên tâm vì mình đã biết chăm sóc nó đúng cách, không sợ thất bại nữa. Cảm ơn các cấp Hội Nông dân”. Nhờ biết áp dụng các kiến thức đã được học vào sản xuất, gia đình bác Châu đã thoát nghèo với thu nhập khoảng 4-5 triệu đồng/tháng, cho con cái ăn học đàng hoàng.
Những con số biết nói
Chỉ tính riêng trong năm 2010, được sự hỗ trợ của Trung tâm Thông tin khoa học và công nghệ thành phố Đà Nẵng, Hội Nông dân quận Liên Chiểu đã tổ chức hàng loạt lớp tập huấn về: Kỹ thuật trồng nấm sò với 30 lượt người tham dự; kỹ thuật về nuôi dế, nhông với 40 lượt người dự; kỹ năng ứng dụng công nghệ sinh học trong trồng hoa, cây cảnh với 25 lượt người dự; kỹ thuật nuôi trồng thủy sản với 105 lượt người dự; tập huấn sản xuất rau sạch với 40 người tham dự… Ông Trương Ngọc Ánh, Chủ tịch Hội Nông dân quận cho biết: “Không chỉ đẩy mạnh việc mở các lớp tập huấn, chúng tôi còn tín chấp giúp đỡ cho hơn 2.000 hộ vay với số tiền trên 3 tỷ đồng để làm ăn, phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo”. Sau nhiều hoạt động có hiệu quả, chỉ riêng trong năm 2010 đã có 7 hộ thoát nghèo nhờ sử dụng nguồn vốn vay phát triển sản xuất. Làm ăn khá, nhiều hội viên nông dân trong quận còn đóng góp 20 triệu đồng để xây dựng 1 nhà tình thương cho nông dân nghèo.
Tuy nhiên, điều ông Ánh băn khoăn là vẫn có khá nhiều nông dân chưa ý thức hết tác dụng của việc tham gia các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, bởi tư tưởng “làm nông cần gì phải học, chỉ cần kinh nghiệm là đủ”. “Công việc nhà nông hiện nay không chỉ là lao động chân tay nữa mà cần cả kiến thức, kỹ năng áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến nhằm đạt hiệu quả cao. Những nông dân đi học làm nông sẽ dễ đến thành công hơn các bác chỉ biết có ruộng đồng”, ông Ánh khẳng định chắc nịch.
Bài và ảnh: Phương Trà