.

Trồng nấm - nghề mới ở Mân Thái

.

Phường Mân Thái, quận Sơn Trà là địa bàn không còn đất sản xuất nông nghiệp. Vì vậy, hầu hết những người nông dân, đặc biệt là nông dân lớn tuổi đều rất khó khăn trong việc tìm công việc ổn định. Để giải quyết vấn đề bức xúc này, Hội Nông dân (HND) thành phố đã mở lớp dạy nghề trồng nấm cho nông dân phường. Với cách dạy thiết thực là “cầm tay chỉ việc”, lớp học nghề đã đem lại hiệu quả cao.

Mô tả ảnh.
Vợ chồng ông Thọ vui mừng vì Trại nấm Linh chi phát triển tốt.

“Mấy năm không có nghề nghiệp, nay được đi học lớp nghề trồng nấm, tôi cảm thấy vui lắm!”. Đó là lời tâm sự của ông Võ Văn Tám (56 tuổi), trú tổ 1, phường Mân Thái với chúng tôi. Ông Tám cho biết, trước đây làm ngư nghiệp, nhưng do sức khỏe, ông đã bỏ nghề từ mấy năm nay. Đất đai không còn để sản xuất, ông Tám phải ở nhà. Trong khi đó, con cái ông đang tuổi ăn tuổi học nên cuộc sống càng túng thiếu hơn. Ngồi không trong cảnh túng thiếu cũng nản, ông mong muốn có được một cái nghề nhẹ nhàng, phù hợp với sức già để làm. Ước ao đó thành hiện thực khi HND thành phố có chủ trương mở lớp dạy nghề trồng nấm cho nông dân phường.

Không cần ai vận động, ông lên HND phường đăng ký để đi học. Lớp học được khai giảng từ đầu tháng 7, ông là 1 trong 36 học viên đầu tiên của phường được tham gia lớp học nghề trồng nấm. Vốn là ngư dân, cộng thêm tuổi tác đã cao nên việc tiếp thu của ông khá chậm. Nhưng được sự tận tình chỉ vẽ của giáo viên trong việc học lý thuyết, cầm tay chỉ việc trong thực hành, nên dần dần ông và những học viên khác đã làm được và làm rất tốt. Ngày bế giảng lớp học cũng là lúc sản phẩm của lớp nấm thực hành đã đến kỳ thu hoạch, năng suất đạt cao, nên ai cũng hớn hở, yên tâm để đầu tư sản xuất.

Vừa tạo nghề, HND vừa hỗ trợ vốn vay từ quỹ hỗ trợ nông dân cho học viên đầu tư sản xuất. Nhờ vậy mà ông Tám đã mạnh dạn đầu tư trồng 2.000 bịch nấm gồm nấm bào ngư, linh chi. Nhìn giàn nấm lên đều, ông Tám hồ hởi nói: Nghĩ lại mình cũng liều, chưa thử nghiệm mà đã đầu tư trồng nhiều nên ban đầu thấy lo. Nhưng khi thấy nấm lên thế này cũng mừng thầm. Hy vọng đây sẽ là cơ hội cho gia đình có nghề nghiệp để làm ăn, con cái có điều kiện học hành hơn.

 Cũng như ông Tám, ông Nguyễn Trường Thọ (45 tuổi), trú tổ 32A, phường Mân Thái dẫn chúng tôi đến giàn nấm linh chi đang trong thời kỳ lớn, khoe: Đây là thành quả mấy tháng học tập của chúng tôi. Ông cũng vừa học vừa đầu tư trại nấm của mình với 2.000 bịch. Dù chưa thu hoạch đợt nào, nhưng nhìn thấy những meo nấm ăn đều trong mỗi bịch rồi bắt đầu lên, ông tin tưởng sẽ có một mùa bội thu. Điều đáng nói, trại nấm của ông đã tạo việc làm cho 2 lao động thường xuyên của phường…

Trao đổi với chúng tôi, ông Phan Văn Cư, Phó Chủ tịch HND phường Mân Thái cho rằng: Trước thực trạng người nông dân không có công ăn việc làm do không còn đất sản xuất, HND thành phố đã kịp thời mở lớp dạy nghề, qua đó tạo cơ hội nghề nghiệp cho một bộ phận nông dân của địa phương. Theo ông Cư, sau khi lớp trồng nấm bế giảng, đến nay đã có 6 cơ sở trồng nấm hình thành. Các học viên khác cũng đang trong thời gian đầu tư để trồng. Đây chính là tín hiệu vui cho nông dân phường Mân Thái nói riêng, nông dân quận Sơn Trà nói chung.

Tuy nhiên, theo ông Phan Văn Cư, hiện toàn phường có 421 hội viên nông dân. Ngoài một số người còn sức khỏe để chuyển sang các nghề như mộc, cơ khí, thợ nề… vẫn còn một bộ phận chưa có việc làm. Vì vậy, các cấp chính quyền cần tạo nhiều điều kiện, nhất là mở thêm nhiều lớp dạy nghề cho nông dân, để những người chưa có công ăn việc làm có cơ hội học nghề. Ngành ngân hàng cần tạo điều kiện cho nông dân vay vốn để đầu tư sản xuất. Mong muốn của ông Cư cũng là mong muốn chung của hàng trăm nông dân trên địa bàn phường hiện nay.

Bài và ảnh: TR. SƠN

;
.
.
.
.
.