(ĐNĐT) - Trước hiện tượng một số cơ sở kinh doanh xăng dầu ngừng bán xăng dầu ra thị trường với lý do khan hiếm nguồn ngoại tệ để nhập khẩu xăng dầu, Bộ Công thương lẫn Petrolimex đều khẳng định nguồn cung xăng dầu đảm bảo đầy đủ.
Cả Bộ Công thương lẫn Petrolimex đều khẳng định không thiếu xăng dầu |
Công văn của Bộ Công thương vừa ban hành khẳng định, mặc dù hiện nay việc kinh doanh xăng dầu đang gặp khó khăn nhưng các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu cam kết nhập khẩu theo đúng tiến độ đã đăng ký với Bộ Công thương, cung cấp đủ xăng dầu cho nhu cầu sản xuất và tiêu dùng trong nước. Do vậy, nguồn cung xăng dầu cho thị trường nội địa đã, đang và sẽ tiếp tục được bảo đảm cung ứng đầy đủ.
Bộ Công thương đã có chỉ đạo các Sở Công thương kiểm soát cửa hàng bán lẻ xăng dầu, phải mở cửa bán hàng đủ thời gian. Các Chi cục quản lý thị trường cần kiên quyết xử lý các vi phạm nếu phát hiện, nhất là các hành vi đầu cơ, găm hàng, buôn lậu, đóng cửa hàng, giảm thời gian bán hàng, tiết giảm lượng hàng bán, rút Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu, truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu chịu trách nhiệm kiểm tra, rà soát, giám sát hệ thống phân phối của mình, phát hiện, xác định cửa hàng đóng cửa, bán cầm chừng, tự động nâng giá và báo cáo chi tiết về Bộ Công thương.
Cũng trong ngày 20-2, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) Vương Thái Dũng, khẳng định với báo chí rằng, các cửa hàng của Petrolimex được cung cấp hàng đầy đủ, bán hàng bình thường và phục vụ đủ nhu cầu sản xuất, kinh doanh.
Ông Dũng cho hay, trong tổng số khoảng 14.000 cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên cả nước thì Petrolimex có trên 6.000 cửa hàng, đại lý. Trong đó có hai kênh phân phối: Loại thứ nhất 100% vốn sở hữu của Petrolimex với gần 2.100 cửa hàng. Hệ thống này được cung cấp hàng đầy đủ, bán bình thường, cung cấp đủ nhu cầu nhân dân với giờ mở, đóng cửa được niêm yết công khai và có đăng kí với cơ quan quản lý địa phương.
Kênh thứ hai là các cửa hàng bán lẻ của các đại lý, tổng đại lý mua hàng của Petrolimex (khoảng 4000 cửa hàng). “Với hệ thống tổng đại lý này, Petrolimex cung cấp đủ theo đúng hợp đồng đã ký. Tuy nhiên, giờ giấc bán hàng do cửa hàng chủ động cũng như họ có đăng ký với cơ quan quản lý địa phương hay không thì chúng tôi không kiểm soát được”, ông Dũng thừa nhận.
Mặc dù khẳng định không có một cửa hàng nào của Petrolimex đóng cửa vì thiếu hàng, tuy nhiên ông Dũng cũng cho biết : “Có trường hợp đang nhập hàng vào thì phải nghỉ theo quy trình. Hay như cửa hàng trong nội đô, khi nhu cầu tăng cao có thể hết hàng vào ban ngày, nhưng do đặc điểm giao thông nên phải chờ đến tối mới được cung cấp hàng. Song chúng tôi cũng không loại trừ khả năng găm hàng nhưng trách nhiệm xử lý là của cơ quan quản lý nhà nước”, ông Dũng giải thích.
Cũng theo vị này, có thể có trường hợp các đại lý, cửa hàng lợi dụng uy tín, thương hiệu của Petrolimex để treo logo của Petrolimex mà người dân không phân biệt được.
Ngoài ra, một lý do khác được ông Dũng cắt nghĩa cho tình trạng một số cửa hàng đóng cửa, khan hàng là: có đại lý một lúc làm đại diện cho nhiều đầu mối, ví dụ mỗi tháng họ chỉ mua của Petrolimex 10 khối, còn lại mua của các đầu mối khác, nhưng có thể vì hiện giờ tình hình nguồn cung khó khăn nên họ đòi mua của Petrolimex nhiều hơn, 40-50 khối chẳng hạn. Nhưng chúng tôi chỉ bán đúng theo hợp đồng đã ký.
ĐNĐT tổng hợp