.
Xoay xở với mặt bằng giá mới

Bài 3: Ngư dân lao đao với giá dầu

.
(ĐNĐT) - Giá dầu tăng khiến cho nhiều chủ tàu đánh bắt xa bờ của thành phố Đà Nẵng đứng ngồi không yên. Họ lo sẽ bị lỗ sau mỗi chuyến ra khơi, nhưng nếu không ra khơi thì họ nhớ biển!
  
 
“Mấy ngày ni, ngày mô chúng tôi cũng coi tin tức trên tivi về tình hình giá cả xăng, dầu. Nghe tin dầu tăng giá, ai cũng mất ăn mất ngủ. Xăng, dầu tăng thì ngư dân chúng tôi gặp khó khăn dữ lắm”, ngư dân Nguyễn Văn Đầm (Tổ 35 phường Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê, Đà Nẵng) cho biết.
 
Mô tả ảnh.
Tàu đánh cá của ngư dân Đà Nẵng neo đậu tại Âu thuyền Thọ Quang

“Chúng tôi không nghĩ nó lại tăng cao như rứa, mà giờ thấy thì cứ lo ngay ngáy bởi dầu tăng, chi phí tăng mà thu nhập thì chưa chắc đã huề vốn, trong khi nhà nào làm nghề lưới cũng phải vay ngân hàng cả vài trăm triệu đồng”.

Đó cũng chính là lo lắng không chỉ riêng của bất cứ ngư dân nào khi được chúng tôi hỏi về ảnh hưởng khi giá xăng, dầu tăng từ ngày 24-2.
 
Anh Đầm cho hay, các tàu lớn có công suất từ 40CV trở lên tnhư gia đình anh thì mỗi lần đi biển sẽ phải bơm từ 7-8 tấn dầu. Với số lao động trên tàu ít nhất từ 8-10 người, nên trước mức tăng cao của giá dầu như hiện nay, các chủ tàu đều tỏ ra hết sức ngao ngán bởi mọi chi phí sẽ đội lên cao nhiều lần.

“Với giá cũ mỗi chuyến đi thì may lắm thu được từ 20-30 triệu đồng/chuyến, giờ giá dầu lên trong khi sản lượng đánh bắt đưa về không tăng mà giá vẫn giữ nguyên nên chia ra bình quân mỗi lao động chỉ được vài chục nghìn/ngày”, ngư dân Lê Văn Dõng (phường Thanh Khê Đông) chia sẻ.

Ngư dân Bùi Văn Bẩy (Tổ 35, phường Thanh Khê Đông) vừa lắc đầu, vừa nói: “Do giá dầu tăng, mà đi biển thì may rủi khó lường, khiến các anh em cũng ngao ngán và cũng bỏ việc nhiều. Một số anh em chuyển qua làm công nhân, phụ hồ bởi lương tính ra một ngày còn cao hơn nhiều so với đi biển. Cứ đà tăng giá này chắc nhiều tàu cũng phải tới mức ... nằm bờ thôi chú ơi”.

Theo ngư dân Lê Văn Đầy (Tổ 6 phường Thọ Quang, quận Sơn Trà), trước kia giá dầu chưa tăng nhưng cũng khó kiếm lời, giờ tăng lên nữa thì ngay cả làm cho hòa vốn cũng khó chứ chưa nói là có lãi với giá dầu hiện nay. “Mỗi lần đi tốn khoảng 40-45 triệu đồng, giờ chi phí phải lên tới 55 triệu đồng, trong khi bữa nay câu mực ít người trúng, nên việc lo làm sao đủ chi phí là may, chứ còn lỗ là điều dễ thấy rồi”, anh Đầy nói.

Một ngư dân khác nhẫm tính: Tàu cá của anh có công suất 40 CV, mỗi đợt ra khơi 10 ngày phải đổ 1.500 lít dầu. Nếu theo giá mới, mỗi lần ra khơi phải chi thêm gần 30 triệu đồng tiền nhiên liệu. Mỗi lần ra khơi chi tổng cộng hơn 60 triệu đồng/chuyến, với giá dầu như hiện nay, chi phí đội lên thêm gần 30 triệu nữa.

Ông Cao Văn Minh, Tổ trưởng Tổ khai thác tương hỗ số 4 (phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, Đà Nẵng) cho hay, bình quân mỗi tàu trong tổ chi phí cho nhiên liệu mất 22 – 25 triệu đồng cho 1.500 lít dầu diezel tính theo giá cũ. Nếu tính theo giá mới như hiện nay thì mỗi chuyến ông phải chi thêm hơn 5,5 triệu đồng tiền dầu, chưa kể các khoản khác cũng sẽ tăng theo như lương thực, lương thuyền viên…
 
Mô tả ảnh.
Theo ông Cao Văn Minh, việc giá xăng dầu tăng khiến chi phí ra khơi tăng lên, song ra khơi không chỉ vì miếng cơm,  manh áo... mà nó còn góp phần để khẳng định chủ quyền lãnh thổ của đất nước.
Việc bạn tàu giảm số lượng ra khơi, theo ông Minh, không chỉ gây khó khăn mỗi khi cần giúp đỡ nhau, còn khiến tâm lý anh em còn lại không thoải mái, công việc bị sao lãng, thu nhập thì ắt hẳn kém đi.
  
"Không ra khơi thì nhớ biển, vì ra khơi không chỉ vì miếng cơm manh áo. Ra khơi cũng là nhằm góp phần để khẳng định chủ quyền lãnh thổ vùng biển của đất nước nữa”, ông Minh nói.

Đắc Mạnh

;
.
.
.
.
.