.

Bát nháo thị trường mũ bảo hiểm

.
Hiện nay rất nhiều người, nhất là giới trẻ, thường đội mũ bảo hiểm (MBH) không hợp quy, kém chất lượng khi đi mô-tô, xe máy. Nguy hiểm thấy rõ, nhưng việc người sử dụng vẫn dùng, người buôn bán vẫn bán nên thị trường MBH “rởm” vẫn tiếp diễn.

Tràn lan MBH “thời trang”

Mô tả ảnh.
Mũ bảo hiểm “rởm” được nhiều người thích dùng vì có kiểu dáng đẹp, giá rẻ.
Rảo khắp các tuyến đường chính từ ngoại ô đến nội thị Đà Nẵng, rất dễ bắt gặp nhiều sạp hàng di động bày la liệt các loại MBH nhiều kiểu cách với giá cực sốc từ vài trăm ngàn đến… 15 ngàn, có nơi còn giảm giá đến… 70%. Ghé lại một sạp hàng bày bán MBH ngay sát vỉa hè trên đường Tôn Đức Thắng, chúng tôi được chào đón bằng lời mời hết sức hấp dẫn về giá cả: “Anh chị mua mũ đi, vừa đẹp, phong cách mới lại rẻ, bảo đảm chất lượng”, anh chủ sạp nói giọng Bắc quảng cáo. Tuy nhiên, khi hỏi về nguồn gốc xuất xứ từ đâu thì người này hơi lúng túng: “Bọn em nhập hàng từ miền Nam theo một đầu mối thân quen, anh chị cứ yên tâm, có tem CR đây, nếu thích em dán lên ngay”.
 
Thực tế cho thấy hầu hết những người kinh doanh này chẳng có chút kiến thức về tiêu chuẩn hợp quy, những quy định pháp luật về việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng, thậm chí cũng chẳng biết loại mũ nào dành cho đối tượng nào, nguồn gốc xuất xứ cũng mù tịt… Qua thăm dò, nhiều bạn trẻ không ngần ngại trả lời, dù biết không bảo đảm chất lượng nhưng vẫn thích dùng các loại MBH “thời trang” vì nó đẹp, nhẹ nhàng, giá cả lại rẻ, có mất cũng chẳng tiếc và ra đường là có thể mua ngay được mũ ưng ý.

Theo thống kê của Ban An toàn giao thông quốc gia, mỗi ngày trên toàn quốc có không dưới 30 người chết vì tai nạn giao thông (năm 2010 cả nước có trên 11 nghìn người chết). Nguyên nhân cơ bản cũng bởi ý thức người tham gia giao thông, trong đó có việc coi thường chiếc MBH. Qua công tác kiểm tra chất lượng MBH trên địa bàn Đà Nẵng của Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, lỗi vi phạm là chất lượng sản phẩm không đáp ứng yêu cầu về chỉ tiêu độ bền đâm xuyên và va đập, hấp thụ xung động.

Cơ quan chức năng “bó tay”

Theo quy định của pháp luật hiện hành, mặt hàng MBH cho người đi mô-tô, xe máy là loại sản phẩm, hàng hóa thuộc nhóm 2 - nhóm sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn (cùng nhóm với đồ chơi trẻ em). Do đó, đối với các đối tượng kinh doanh mặt hàng, sản phẩm này phải nghiêm túc thực hiện các quy chuẩn kỹ thuật tương ứng trong quá trình lưu thông hàng hóa hoặc tự áp dụng các biện pháp kiểm soát chất lượng nhằm duy trì chất lượng của hàng hóa do mình bán.
 
Thế nhưng trên thực tế, rất nhiều điểm kinh doanh theo dạng sạp hàng di động trên vỉa hè các trục đường chính không hề có giấy phép đăng ký kinh doanh. Mặt hàng MBH bày bán ở đây hầu hết không bảo đảm về chất lượng và nhãn mác theo quy định. Chính vì thế rất khó cho cơ quan chức năng trong công tác quản lý Nhà nước về chất lượng hàng hóa, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi người tiêu dùng. Trao đổi với chúng tôi, Chi cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thành phố - ông Nguyễn Viết Nguyên cho rằng, để sử dụng mũ an toàn, khi mua MBH, người tiêu dùng cần phải chú ý đọc kỹ thông tin ghi trên nhãn hàng hóa để tránh hàng giả, hàng nhái.

Thực trạng MBH “rởm” tràn lan, trôi nổi trên thị trường như hiện nay đã đến mức báo động. Không chỉ các cơ quan chức năng cùng phối hợp ra tay dẹp bỏ, mà cần phải có sự chung tay của toàn xã hội tuyên truyền, nâng cao ý thức đến người tiêu dùng. Bản thân người sử dụng MBH trước hết phải bảo vệ tính mạng của mình bằng việc chọn mua loại mũ thích hợp, bảo đảm chất lượng và có nguồn gốc xuất xứ, nhãn mác rõ ràng.

Bài và ảnh: Trọng Huy
;
.
.
.
.
.