.

Chương trình 5 triệu ha rừng: Được và chưa được

.
Sáng ngày 30-3, Ban Chỉ huy các vấn đề cấp bách trong bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng (BVR-PCCCR) thành phố phối hợp với Sở NN-PTNT tổ chức hội nghị tổng kết Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng. Qua đó cho thấy một số vấn đề cần quan tâm trong quá trình triển khai chương trình này.

Mô tả ảnh.
Ươm giống cây bản địa phục vụ trồng rừng dự án 661 ở BQL Rừng phòng hộ Đà Nẵng.
 
Được…

Ngày 29-7-1998, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 661/QĐ-TTg về mục tiêu, nhiệm vụ, chính sách và tổ chức thực hiện Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng (sau đây gọi là dự án 661). Ngày 9-2-1999, UBND thành phố Đà Nẵng ban hành Quyết định số 21/1999/QĐ-UB thành lập Ban Quản lý dự án trồng mới 5 triệu ha rừng thành phố Đà Nẵng. Tiếp theo đó, các Ban quản lý dự án trồng mới rừng phòng hộ Lâm trường Sông Nam (nay là Ban Quản lý rừng phòng hộ Đà Nẵng), rừng phòng hộ huyện Hòa Vang, rừng đặc dụng của thành phố cũng được thành lập.

Dự án triển khai trên 3 lĩnh vực: Quản lý bảo vệ rừng, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng và trồng mới rừng tập trung. Từ năm 1999 đến 2010, với tổng nguồn vốn đầu tư 30,65 tỷ đồng (ngân sách Trung ương 30,41 tỷ đồng, ngân sách địa phương 1,86 tỷ đồng), dự án đã triển khai quản lý bảo vệ 203.010 lượt ha rừng (diện tích được bảo vệ 20 nghìn ha), trong đó rừng đặc dụng 113.818 lượt ha, rừng phòng hộ 89.192 lượt ha; khoanh nuôi xúc tiến tái sinh 3.164ha và trồng mới 3.567,9ha/3.700ha kế hoạch.

Thông qua khoán bảo vệ đến từng cá nhân, tổ chức, các khu vực rừng trọng điểm cơ bản được bảo vệ an toàn, các loài cây quý hiếm tại các khu vực rừng đặc dụng được bảo tồn và không ngừng phát triển, giá trị phòng hộ đầu nguồn được xác lập, góp phần rất lớn về bảo vệ tài nguyên động thực vật và môi trường sinh thái, nguồn nước. Hàng nghìn ha rừng được khoanh nuôi xúc tiến tái sinh đã phục hồi tài nguyên. Đặc biệt, 3.567,9ha được trồng mới trong hơn 10 năm qua đã nâng độ che phủ rừng và tạo nguồn tài nguyên lâm sản quý cho thế hệ mai sau. Đến nay, hàng chục vạn cây bản địa có giá trị kinh tế cao như chò, ươi, chua, sao đen đang vươn cao tại các khu rừng đặc dụng, rừng phòng hộ. Độ che phủ rừng tăng từ 41,1% (1998) lên 42,4% (2002), nhưng sau đó bị giảm do sự tàn phá của bão. Đến năm 2010, độ che phủ rừng của Đà Nẵng chỉ còn 38,8%, tăng 5,7% so với năm 2009. Dự án đã tạo công ăn việc làm cho 5.181 hộ dân ở các xã miền núi. Sau hơn 10 năm triển khai, thu nhập từ bảo vệ và trồng rừng đã giúp cho hơn 2.000 hộ trong vùng dự án thoát nghèo.

...và chưa được

uy đã triển khai quản lý bảo vệ song tình trạng xâm hại tài nguyên rừng trong khu vực dự án vẫn diễn ra, tài nguyên rừng vẫn bị xâm hại. Hơn 10 năm qua, đã có 3.862 vụ vi phạm Luật Quản lý bảo vệ rừng trong khu vực thực hiện dự án. Các cơ quan chức năng đã xử lý 3.833 vụ, tịch thu 188m3 gỗ khai thác trái phép và 6.684m3 vận chuyển, tàng trữ, mua bán trái phép. Đã xảy ra 91 vụ cháy gây thiệt hại 312,6ha rừng. Nhiều diện tích rừng trồng nay đã bị xóa sổ do thiên tai và do lấn chiếm. Một số khu vực rừng trồng đã trở lại nguyên trạng rừng tự nhiên vốn có mà nguyên nhân do khâu chăm sóc không đến nơi đến chốn. Đặc biệt, kiểu trồng hỗn giao giữa cây kinh tế với cây bản địa đã không phát huy hiệu quả của rừng trồng. Hầu hết cây bản địa bị hư hại sau khi thu hoạch cây kinh tế. Như vậy, diện tích rừng trồng khá lớn, nhưng đến nay diện tích thành rừng có tài nguyên lâm sản không nhiều. Duy chỉ có khu vực rừng do Lâm trường Sông Nam trồng thời kỳ đầu của dự án khẳng định được hiệu quả khi hàng vạn cây chò, ươi đã có đường kính gốc 20-30cm.

Dự án 661 đã kết thúc nhưng việc quản lý bảo vệ rừng không thể xao nhãng. Và như vậy, vấn đề cần phải triển khai tiếp theo là cơ quan chức năng và chính quyền địa phương có rừng tiếp tục đẩy mạnh hoạt động bảo vệ và phòng cháy chữa, cháy rừng, trong đó cần ưu tiên đầu tư kinh phí để chăm sóc diện tích rừng trồng trong 2 năm 2009 và 2010.

Nguyễn Cầu
;
.
.
.
.
.