.

Tháo gỡ nghịch lý giá cước vận tải hàng hóa

.
Một nghịch lý tồn tại khá lâu nay trong hoạt động vận tải hàng hóa là cùng một chủng loại hàng hóa, cùng số kilômét vận chuyển, thế nhưng giá cước các doanh nghiệp (DN) tại Đà Nẵng nói riêng và khu vực miền Trung nói chung luôn thấp hơn so với hai đầu đất nước. Điều này khiến cho DN gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh giá xăng dầu và các chi phí khác đã tăng.

Chênh lệch giá cước

Mô tả ảnh.
Lượng hàng hóa container thông qua Cảng Đà Nẵng từ năm 2006 đến 2010 tăng trưởng trung bình 28% /năm.
Trước đây, giá vận chuyển một container loại 20 feet từ Đà Nẵng đi thành phố Hồ Chí Minh dao động từ 7 - 8 triệu đồng. Thế nhưng cùng một loại container 20 feet như vậy, vận chuyển từ thành phố Hồ Chí Minh ra Đà Nẵng lại có giá từ 10-12 triệu đồng. Và đến thời điểm hiện nay, khi giá xăng dầu tăng 24% thì giá cước của các DN Đà Nẵng cũng chỉ “dám” điều chỉnh tăng từ 15 - 18%, trong khi ở hai đầu có một số DN đã tăng trên 20%. Về tồn tại này, theo những người có thâm niên trong nghề vận tải hàng hóa cho rằng, do đặc điểm hàng hóa khu vực nằm trên tuyến quốc lộ 1A, vì vậy có nhiều lựa chọn nhà vận chuyển nên họ ép giá.

Ngược lại, về phía những nhà sản xuất hàng hóa lại phân tích: Hàng hóa sản xuất trên địa bàn khu vực miền Trung và Tây Nguyên nếu xuất khẩu qua các cảng trong khu vực sẽ thuận tiện hơn, nhờ cung đường vận chuyển ngắn hơn so với việc đưa hàng vào thành phố Hồ Chí Minh hoặc ra Hải Phòng. Tuy nhiên hàng hóa qua các cảng ở khu vực miền Trung lại đắt hơn hai đầu đất nước. Ví dụ, vận chuyển một container loại 40 feet đi các nước châu Âu, nếu xuất phát từ Cảng Sài Gòn sẽ rẻ hơn các cảng ở miền Trung từ 300 - 400 USD. Vì vậy, chỉ giảm chi phí vận chuyển đường bộ mới có thể xuất khẩu hàng hóa qua các cảng trong khu vực miền Trung. Do vậy, ngành vận tải đường bộ buộc phải chia sẻ sự chênh lệch giá của vận tải đường biển, như thế mới có hàng để chở.

Tháo gỡ khó khăn

Một điều rất đáng hoan nghênh là thời gian gần đây, Cảng Đà Nẵng đã có nhiều cố gắng để cùng đối tác của mình “hóa giải” nghịch lý về giá cước vận tải, đồng thời qua đó thu hút hàng hóa đến với cảng. Thông qua việc thương lượng giá cước với hãng vỏ tàu rất nổi tiếng là Wan Hai, giá cước vận tải hàng hóa từ Đà Nẵng đi Nhật, Mỹ và một số nước châu Âu đã giảm đến 40%, còn với hãng IAL giá cước cũng giảm khoảng 10% so với trước đây. Đặc biệt, việc Cảng quyết định mở chuyến vận chuyển hàng container tuyến nội địa vào đầu năm 2010, đã biến Cảng Tiên Sa trở thành điểm trung chuyển hàng hóa nội địa quan trọng. Hiện nay, chỉ riêng Công ty vận tải biển Container Vinalines mỗi tháng đã có 4 tàu container cập Cảng Đà Nẵng. Bên cạnh đó, cùng hàng loạt chính sách ưu đãi khác dành cho khách hàng như rút ngắn thời gian giải phóng hàng, tăng thời gian hàng lưu kho tại cảng đã tạo nên lực hút đáng kể nguồn hàng hóa trong khu vực tập trung về đây, thay vì vận chuyển về hai đầu đất nước như trước đây.

Lãnh đạo Tổng Công ty CP Dệt-may Hòa Thọ cho biết, trước đây  lượng hàng hóa của đơn vị xuất sang thị trường Nhật và Mỹ phải vận chuyển vào thành phố Hồ Chí Minh, thì hiện nay đã có hơn 70% xuất qua Cảng Tiên Sa. Điều này giúp công ty giảm rất nhiều chi phí từ công tác vận chuyển, nên có thể giảm giá thành sản phẩm để tăng tính cạnh tranh trên thị trường. Còn đại diện Công ty Tân Hưng Thịnh cho biết, trước đây chỉ riêng một khách hàng của họ đã vận chuyển mỗi tháng 40 container vào Cảng Sài Gòn, nay tất cả hàng hóa trên đã vận chuyển thẳng đến Cảng Tiên Sa. Nhờ rút ngắn đến 1/5 đoạn đường, chi phí vận chuyển giảm nên khách hàng cũng sẵn sàng điều chỉnh lại giá cước vận tải phù hợp với công ty, theo hướng tăng khoảng 5 - 8%. Đây cũng là ý kiến chung của các DN vận tải trên địa bàn thành phố, bởi theo họ, thời gian gần đây, tuy lượng hàng hóa vận chuyển vào thành phố Hồ Chí Minh giảm, nhưng ngược lại việc vận chuyển hàng hóa đi cung đường ngắn lại trở nên sôi động hơn. Đặc biệt, giá cước cũng được điều chỉnh hợp lý hơn so với trước đây, tạo điều kiện cho các DN hoạt động.

Rõ ràng, với việc Cảng Đà Nẵng tạo nên sức hút với các nhà xuất nhập khẩu trong khu vực đã tạo cho đôi bên cùng có lợi. Và đây cũng chính là cơ sở để các DN vận tải hàng hóa trên địa bàn thành phố cùng khách hàng xây dựng lại khung giá cước phù hợp hơn với tình hình giá xăng dầu, cũng như các chi phí đầu vào ngày càng tăng như hiện nay.

Bài và ảnh: Thanh Vân
;
.
.
.
.
.