Từ ngày vay được 50 triệu đồng từ Chi nhánh Ngân hàng NN&PTNT Hòa Vang, cơ sở sản xuất chổi đót của ông Hoàng Thanh Hà, ở thôn Sơn Phước, xã Hòa Ninh (Hòa Vang) khởi sắc hẳn lên. Có tiền, ông mua nguyên liệu chất đầy nhà, nhờ vậy quanh năm người lao động không rỗi việc. Với 3-4 nhân công, mỗi năm cơ sở đưa ra thị trường hàng chục nghìn chổi chất lượng cao.
Nói về hoạt động kinh tế gia đình, ông Hà cho biết: Yếu tố quan trọng nhất trong sản xuất chổi đót là chủ động được nguyên liệu. Mùa đót chỉ diễn ra vài ba tháng dịp đầu năm. Thời điểm đó, thiếu vốn đồng nghĩa với tình trạng không có đót để sản xuất. Hồi chưa vay vốn ở ngân hàng, mùa đót ông chỉ mua được dăm bảy tấn là nhiều, vừa đủ cho lao động gia đình sản xuất khoảng nửa năm. Từ ngày ngân hàng cho vay đến nay, năm nào ông cũng mua gần 20 tấn đót, chổi làm ra tăng 3-4 lần so với trước. Nguyên liệu đầy đủ, sản phẩm dễ tiêu thụ, thu nhập tăng, đời sống cải thiện.
Hộ bà Nguyễn Thị Nga ở thôn Hưởng Phước, xã Hòa Liên (Hòa Vang) nhờ vốn vay từ Phòng giao dịch Hòa Sơn Chi nhánh Ngân hàng NN&PTNT Hòa Vang phát triển chăn nuôi quy mô đàn. Trước đây gia đình bà đã nuôi heo sinh sản, nhưng thiếu vốn nên chỉ nuôi vài ba con/lứa. Năm 2008, bà vay 30 triệu đồng mở rộng quy mô chuồng trại, tăng đàn, mỗi năm xuất chuồng hàng trăm con heo giống và vài chục tấn heo hơi. Năm 2010, trả hết nợ cũ, bà Nga vay tiếp 100 triệu đồng, nâng tổng đàn heo lên 120 con/lứa và nuôi gà ta thả vườn. Đến nay, gia đình bà là điển hình phát triển kinh tế hộ ở Hòa Liên.
Tương tự, gia đình chị Nguyễn Thị Phương cũng đã bỏ lại sau lưng sự nghèo đói nhờ vốn vay. Cách đây 3 năm, vợ chồng chị quyết định chia tay với nghề nấu rượu nuôi heo, chuyển sang sản xuất đá chẻ sau khi vay 120 triệu đồng từ ngân hàng. Sự mạnh dạn này đã giúp gia đình chị từ chỗ thuộc diện nghèo vươn lên có cuộc sống khá giả. Hiện tại, cơ sở sản xuất đá chẻ của chị mỗi năm làm ra hàng chục nghìn mét vuông sản phẩm, tạo việc làm ổn định cho gần 10 lao động. Làm ăn hiệu quả, có tích lũy, gia đình chị vừa mua ô-tô tải để vận chuyển nguyên liệu và sản phẩm cho khách hàng.
Phải nói rằng, có vốn, người nông dân thay đổi cách nghĩ, cách làm, năng động, hăng say hơn với hoạt động kinh tế. Hàng chục năm nay, đồng hành với nông dân là Ngân hàng NN&PTNT. Ông Lê Thông, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng NN&PTNT huyện Hòa Vang, cho biết: Đến nay, hơn 20 nghìn hộ nông dân ở Hòa Vang đã vay vốn tại chi nhánh với tổng dư nợ của tất cả các kênh hơn 170 tỷ đồng, trong đó giải ngân theo Nghị định 41 của Chính phủ 51 tỷ đồng cho 1.081 hộ, chủ trang trại. Tuy rằng, sản xuất của nhà nông lợi nhuận thấp, rủi ro cao, song vì sự nghiệp xóa nghèo, làm giàu ở nông thôn, ngân hàng đã làm hết khả năng có thể đáp ứng nhu cầu về vốn cho các chủ hộ, chủ trang trại phát triển kinh tế.
Bài và ảnh: Nguyễn Cầu