.

Phan Quang Liền - kỹ sư nhiều sáng tạo

.

Sinh ra tại vùng quê xã Điện Thọ, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, không may mắn như những người cùng trang lứa, anh phải lấy tấm bằng kỹ sư cơ khí chế tạo Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng bằng con đường vừa học vừa làm. Nhưng với tinh thần cầu thị và niềm đam mê sáng tạo, kỹ sư Phan Quang Liền, Trưởng ban Kỹ thuật thiết bị may thuộc Công ty CP Dệt may 29-3, đã có rất nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật nâng cao năng suất, chuyển đổi công năng để phát huy hiệu quả của nhiều thiết bị, đáp ứng được nhu cầu đa dạng của sản xuất, làm lợi cho công ty hàng trăm triệu đồng.

Kỹ sư Phan Quang Liền đang kiểm tra kết quả làm thử tại xưởng may.
Kỹ sư Phan Quang Liền đang kiểm tra kết quả làm thử tại xưởng may.

Những sáng kiến, cải tiến của kỹ sư Phan Quang Liền rất đa dạng và hiệu quả. Một số sáng kiến tiêu biểu của anh như cải tiến máy đánh bọ KE 430D-2 để may tạo mẫu theo chương trình điện tử, thiết kế chế tạo máy xén viền, thiết kế cơ cấu ru-lô côn để may lưng cong quần Jean, cải tạo máy ép nhãn bằng tay thành bằng hơi nén… làm lợi cho công ty hàng trăm triệu đồng. Mỗi sáng kiến là một quá trình học tập, nghiên cứu và lao động không mệt mỏi. Đề tài “Cải tiến máy đánh bọ KE 430D-2 để may tạo mẫu theo chương trình điện tử” được đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng bằng Lao động sáng tạo.

Do chưa có điều kiện mua máy mới, nên công đoạn may băng dính và bách tay trên máy 1 kim theo phương pháp cũ và phải qua bước chuẩn bị chấm dấu. Thời gian thực hiện công đoạn trên máy 1 kim rất lâu bởi tính chất khó của chi tiết sản phẩm, chất lượng sản phẩm thiếu tính ổn định và đòi hỏi công nhân phải có tay nghề cao mới thực hiện được. Những vấn đề trên làm ảnh hưởng lớn đến việc tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, nhiệt thải ra môi trường lớn do thời gian vận hành và số lượng máy phải sử dụng nhiều, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe công nhân. Để đáp ứng công đoạn may này, công ty phải mua máy mới, mất khoảng 2 tháng. Trong khi đó, thời gian giao hàng cho khách khá cận kề, bắt buộc phải may công đoạn này trên các máy may 1 kim. Đứng trước yêu cầu đó, sau khi tìm hiểu kỹ yêu cầu kỹ thuật may và chất lượng sản phẩm công đoạn may băng dính và bách tay trên sản phẩm, kỹ sư Phan Quang Liền đã đưa ra giải pháp may công đoạn này trên máy bọ KE 430D và tiến hành nghiên cứu cải tiến bộ đẩy vải máy bọ KE 430D-2 may băng dính và bách tay thay thế cho máy may 1 kim. Anh đã sưu tầm tài liệu, tham gia nhiều hội chợ về máy may và học hỏi được rất nhiều từ các chuyên gia trong và ngoài nước để cải tiến, thiết kế những chi tiết, đổi mới công nghệ, để có được chương trình sản xuất như ý trên các máy cũ.

Được sự khích lệ của lãnh đạo công ty, sự hỗ trợ tích cực của các phòng chuyên môn, các đồng nghiệp, anh đã nghiên cứu, chế tạo thành công bộ đẩy vải gắn trên máy bọ KE 430D. Kết quả may thử nghiệm và  kiểm tra chất lượng sản phẩm thu được kết quả tốt. Từ kết quả trên, Ban Kỹ thuật thiết bị may đã đề nghị lãnh đạo công ty triển khai cho các xí nghiệp may thực hiện trên các mã hàng có chi tiết may tương tự và duy trì thường xuyên cho đến nay. Với cải tiến này, công ty đã nhận được các đơn hàng may ngày càng phong phú với nhiều yêu cầu khác nhau của khách hàng.

Trao đổi với chúng tôi, anh cho biết: “Tôi luôn nhận thức tầm quan trọng của việc phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật của người lao động nói chung, anh em kỹ thuật trong Ban nói riêng. Vì sau kết quả lao động sáng tạo sẽ đem lại cho công ty các hợp đồng sản xuất, công nhân có việc làm, đời sống được cải thiện. Tôi luôn giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi, động viên anh em trong Ban chịu khó nghiên cứu, học hỏi, tìm tòi đưa ra những giải pháp mới, giải quyết yêu cầu sản xuất của công ty. Hầu như năm nào Ban cũng có giải pháp cải tiến kỹ thuật làm lợi cho công ty và giảm nhẹ công sức lao động của công nhân”.

Bài và ảnh: ĐỨC THỊNH
 

;
.
.
.
.
.