Trong tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay, nhiều doanh nghiệp (DN) không tiếp cận được nguồn vốn vay ngân hàng (NH) do thiếu các điều kiện đi vay. Trong khi đó, nhiều DN được NH bật đèn “xanh” mời gọi nhưng lại không dám vay... vì đầu ra, hàng tồn kho còn nhiều. Vì vậy để giải quyết vấn đề này, lãi suất chỉ là phần phụ, còn phần chính nằm ở các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh.
Nhiều doanh nghiệp gặp khó do hàng tồn kho lớn (ảnh mang tính minh họa). |
Theo Giám đốc Công ty Thương mại dịch vụ và chuyển giao công nghệ K&H Nguyễn Trọng Khải, vấn đề quan trọng nhất hiện nay không còn nằm ở lãi suất cho vay nữa, mà DN cần một môi trường đầu tư khởi sắc hơn, nói chính xác là DN cần giải quyết được hàng tồn kho, cần tìm đầu ra cho sản phẩm của mình. Trong những tháng đầu năm 2013, theo thống kê nhiều ngành có chỉ số tồn kho cao như sản xuất sắt, thép, gang tăng trên 23%; sản xuất giày, dép tăng trên 30%; sản xuất xe trên 40%... Hệ lụy này sẽ kéo theo nhiều ngành nghề khác, nhiều DN gặp khó khăn theo. Bởi một khi hàng tồn kho chưa thể giải quyết xong, thì DN không dám mạo hiểm đầu tư cho sản xuất tiếp. Đây cũng là nguyên nhân khiến nhiều NH dư thừa tín dụng.
Trong khi đó, báo cáo của NH Nhà nước, Chi nhánh thành phố cho thấy: Đến cuối quý 1-2013, hoạt động cho vay vẫn chưa thật sự khởi sắc, so với đầu năm chỉ tăng nhẹ không đáng kể. Nguyên nhân tín dụng tăng trưởng thấp là do các yếu tố: sức mua của nền kinh tế thấp dẫn đến hàng tồn kho của DN lớn đã hạn chế khả năng hấp thụ vốn của DN; khả năng trả nợ của khách hàng suy giảm do khó khăn về đầu ra; khả năng xây dựng dự án vay vốn khả thi của DN có hạn chế; thị trường bất động sản giảm sút và khó giao dịch trong khi phần lớn tài sản thế chấp NH là bất động sản, do vậy các tổ chức tín dụng (TCTD) có xu hướng thận trọng hơn khi cho vay để hạn chế rủi ro trong hoạt động tín dụng. Vì vậy, mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12% trong năm nay đang là thách thức lớn với các NH.
Đáng chú ý, trong khi nhiều DN kêu khó tiếp cận nguồn tiền vì thiếu các điều kiện vay thì các NH cho rằng nhiều DN chưa sẵn sàng đi vay. Theo ông Lê Văn Minh, Giám đốc NH Đông Nam Á, Chi nhánh Đà Nẵng: Hiện tại, nhiều DN đang rất khó khăn về đầu ra. Ngay như chúng tôi trực tiếp gửi thư mời chào đến không ít DN nhưng cả tháng nay cũng chỉ có 2 DN quan tâm đến tìm hiểu thủ tục để vay vốn... Vấn đề bây giờ là nằm ở đầu ra của sản phẩm chứ không phải là đầu vào của các DN.
Đồng quan điểm đó, lãnh đạo Công ty TNHH Thương mại tổng hợp Phước Tiến cho biết, xuất khẩu thủy sản của công ty sang thị trường Nhật, Mỹ đang gặp rất nhiều khó khăn. Giá nguyên liệu đang đứng ở mức cao và không có hàng để nhập dẫn đến chi phí đầu vào tăng mạnh. Việc đánh bắt xa bờ của ngư dân gặp nhiều khó khăn buộc công ty phải nhập nguyên liệu từ nước ngoài về, song giá thành nhập khẩu thường cao hơn trong nước.
Theo khảo sát của chúng tôi, hiện có rất nhiều DN hoạt động trong lĩnh vực sắt thép, vật liệu xây dựng, xi-măng... đang đối mặt với khủng hoảng. Trước những khó khăn như vậy nhiều DN đề nghị cần có một chính sách kích cầu tiêu dùng thông qua việc miễn, giảm, gia hạn thuế cho DN. Bởi, theo lãnh đạo của nhiều DN thì bây giờ DN không còn lo về vốn mà chỉ lo về thị trường tiêu thụ, nếu tình hình như thế này mãi, trong thời gian ngắn nữa sẽ có nhiều DN phải cắt giảm sản xuất, hoặc thậm chí dừng hoạt động. Bởi, bên cạnh hàng tồn kho lớn, không ít DN phải đối mặt với hàng nhập khẩu không chính ngạch từ các nước trong khu vực. Trong khi đó, các DN cứ rơi vào vòng luẩn quẩn, hàng làm ra không bán được dẫn đến tồn kho lớn, mà tồn kho đồng nghĩa với việc tiền sẽ không thu về được, do đó nợ vay NH sẽ tăng lên... Từ đây, việc đáp ứng các điều kiện cho vay của NH cũng sẽ giảm dần.
Bài và ảnh: PHƯƠNG UYÊN