.
Bất cập đào tạo nghề lao động nông thôn:

Nhu cầu cao, chất lượng thấp

.

Tuyển sinh khó, việc giải ngân không hợp lý, kinh phí hạn chế, ý thức người lao động (NLĐ) chưa cao... là những bất cập trong quá trình thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) đến năm 2020” theo Quyết định số 1956 của Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt là Đề án 1956) tại Đà Nẵng.

Trồng hoa ở xã Hòa Liên (huyện Hòa Vang).
Trồng hoa ở xã Hòa Liên (huyện Hòa Vang).

Qua khảo sát đối tượng LĐNT từ khi triển khai Đề án 1956 cho thấy số lượng NLĐ có nhu cầu học nghề rất lớn. Tuy nhiên, sau 3 năm thực hiện, chỉ gần 7% số lao động được đào tạo so với nhu cầu. Ngoài vấn đề giải quyết việc làm sau đào tạo còn hạn chế, hiệu quả của đề án vẫn là điều đáng quan tâm.

Sở LĐ-TB&XH cho biết, năm 2010, với 51.900 hộ LĐNT trên toàn thành phố, có 138.620 người ở độ tuổi lao động, có khả năng lao động, trong đó số người có nhu cầu học nghề là 48.687 người với 87 nghề đăng ký. Khảo sát dự báo nhu cầu học nghề, chưa đến 50% số người trong độ tuổi lao động, có khả năng lao động có nhu cầu học nghề. Qua 3 năm thực hiện, toàn thành phố đào tạo được 3.329 lao động (3.265 người tốt nghiệp) với kinh phí thực hiện hơn 4 tỷ đồng, cùng với tập huấn, hướng dẫn nghề cho 15.101 LĐNT ở trình độ sơ cấp. Như vậy, số lao động qua đào tạo “chính quy” (Sở LĐ-TB&XH ký hợp đồng với các cơ sở dạy nghề đủ điều kiện để dạy nghề cho LĐNT, trong đó hợp đồng cụ thể số lớp, số học viên, ngành nghề và kinh phí đào tạo) quá thấp so với nhu cầu học nghề.

Tại huyện Hòa Vang, tỷ lệ LĐNT cao. Năm 2010, toàn huyện có trên 70.000 lao động với hơn 58.000 người có việc làm (82% số lao động có việc làm); lao động có việc làm chưa qua đào tạo hơn 39.000 người, chiếm 68,3%. Số lao động chưa qua đào tạo này phần lớn là nông dân, vốn quen sản xuất nông nghiệp thuần túy. Sau 3 năm thực hiện Đề án 1956, toàn huyện tổ chức dạy nghề cho 4.154 lao động ở trình độ sơ cấp, trong khi có đến hơn 20.000 lao động có nhu cầu học nghề và hơn 10.000 lao động chưa có việc làm.

Ông Trần Văn Liên, Phó Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Hòa Vang, cho biết tỷ lệ LĐNT chưa qua đào tạo trên địa bàn huyện rất lớn, chiếm gần 40% trong tổng số lao động. Song, theo ông Liên, do không chủ động nguồn vốn, sự phối hợp giữa các đơn vị liên quan còn thiếu tính chặt chẽ, công tác tuyên truyền về đào tạo nghề chưa đi vào chiều sâu dẫn đến ý thức, nhận thức của NLĐ còn hạn chế.

Một khó khăn nữa không chỉ tồn tại ở Hòa Vang mà hầu khắp các địa phương khác, đó là bị động nguồn vốn. Các phòng LĐ-TB&XH ở quận, huyện không được phân bổ vốn để trực tiếp phối kết hợp với các cơ sở dạy nghề mở lớp theo nhu cầu thực tế của địa phương. Lý giải điều này, ông Phan Thành Nhân, cán bộ Phòng LĐ-TB&XH quận Thanh Khê, cho biết: “Để mở lớp đào tạo nghề cho LĐNT cần có đủ số lượng. Nhu cầu của NLĐ thực tế không tập trung, mà kéo dài nhiều giai đoạn. Đến khi gom đủ số lượng thì nguồn vốn đã không còn được triển khai nên không có kinh phí mở lớp. Chưa kể kinh phí hỗ trợ đào tạo nghề chưa đáp ứng nhu cầu học nghề của LĐNT”.

Ông Nguyễn Văn An, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, thừa nhận hiện nay, công tác tuyển sinh không dễ, NLĐ không chịu tham gia các lớp đào tạo (theo đề án). Bên cạnh đó, nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, các đơn vị sản xuất, doanh nghiệp trên địa bàn ít tuyển dụng, các lớp đào tạo nghề sau khi học viên tốt nghiệp rất khó xin việc. Mặt khác, tư tưởng “làm thầy” vẫn ăn sâu trong ý thức của một bộ phận lao động thanh niên sau khi tốt nghiệp THPT. Còn kinh phí hỗ trợ đào tạo nghề miễn phí chưa đáp ứng nhu cầu đào tạo của LĐNT, chưa quan tâm hỗ trợ LĐNT đủ điều kiện học nghề ở trình độ trung cấp nghề và cao đẳng nghề.

Người lao động tự tạo việc làm

Mục tiêu đề ra giai đoạn 2011-2015 là 80% LĐNT học nghề được giới thiệu và giải quyết việc làm. Trong số 3.329 lao động được đào tạo từ 2010-2012, mặc dù tỷ lệ có việc làm đạt 92,4%, nhưng trong số này đáng chú ý có tới 75,3% tự tạo việc làm, chỉ có 17,1% được doanh nghiệp tiếp nhận, còn lại 7,6% người chưa có việc làm. Quá trình đào tạo là một chuyện, giải quyết việc làm cho NLĐ sau đào tạo lại là vấn đề không hề đơn giản. Chính ông Phan Thành Nhân cũng thừa nhận rằng, 759 NLĐ được đào tạo ở quận Thanh Khê sau 3 năm thực hiện đề án thì “đa số lao động qua đào tạo tự tìm việc làm”.

Đến nay, chưa thể nói tạo việc làm cho NLĐ sau đào tạo nghề theo Đề án 1956 là khả quan. Ở huyện Hòa Vang, vào tháng 8-2013 tổ chức phiên chợ việc làm, có 41 đơn vị tuyển dụng với 4.095 lượt người tham gia phiên chợ (đa phần là lao động phổ thông). Kết quả có 296 lao động được sơ tuyển, trong đó huyện Hòa Vang có 203 người. Nhìn vào kết quả trên, so với hơn 4.000 lượt lao động tham gia, trong khi chỉ tuyển được khoảng 20%, thì rõ ràng chưa thỏa mãn. Sau phiên chợ việc làm này, Sở LĐ-TB&XH cho biết đang có ý tưởng khảo sát và mở phiên tại quận Ngũ Hành Sơn trong thời gian tới.

Hiện nay, Đề án 1956 đang hướng đào tạo gắn liền với mô hình kinh tế tại chỗ. Với người nông dân đã có mô hình sẵn (như nuôi cá diêu hồng cho 38 hộ dân ở Hòa Phong; trồng hoa ở Hòa Liên; nghề mây tre đan ở Hòa Bắc; may ở Hòa Quý), từ nhu cầu của các địa phương, Sở LĐ-TB&XH kết hợp với các trung tâm, cơ sở dạy nghề tuyển sinh và mở lớp để đào tạo kiến thức căn bản và cần thiết cho người dân nắm bắt. Các nghề đào tạo cũng đang chuyển dịch từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp. Đây là hướng đi thích hợp trong xu thế thành phố Đà Nẵng chuyển dịch cơ cấu kinh tế hướng tăng cường phát triển các ngành dịch vụ và du lịch.

Bài và ảnh: TRỌNG HUY


Bài cuối:  Đừng để mô hình kinh tế chết yểu

;
.
.
.
.
.