(ĐNĐT) - Sau 3 năm triển khai thực hiện, Nghị định 41/2010/NĐ-CP (NĐ 41) của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn đã phát huy tác dụng tích cực, góp phần khơi thông dòng chảy tín dụng về khu vực nông nghiệp, nông thôn; kinh tế nông nghiệp, nông thôn có bước phát triển rõ nét; đẩy nhanh quá trình xây dựng nông thôn mới; đời sống của người dân được nâng cao...
Chiều ngày 25-10, tại huyện Hòa Vang, Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Chi nhánh thành phố phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức sơ kết 3 năm thực hiện NĐ 41. Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố - Võ Duy Khương đến dự và phát biểu chỉ đạo.
Sau 3 năm triển khai thực hiện, nguồn vốn tín dụng nông nghiệp, nông thôn đã phát huy được hiệu quả tích cực trong việc cải thiện nguồn thu của nông dân. |
Ưu tiên đưa vốn đến nông dân
Trong 3 năm, doanh số cho vay nông nghiệp, nông thôn đều tăng cao; tốc độ tăng trưởng tín dụng đối với nông nghiệp, nông thôn các năm qua luôn cao hơn tốc độ tăng trưởng tổng dư nợ.
Trên địa bàn thành phố, đối tượng chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo NĐ 41 chủ yếu tập trung ở huyện Hòa Vang. Địa phương này có 11 xã với diện tích tự nhiên gần 73.500 ha, dân số khoảng 12 vạn người. Trong đó, đất nông, lâm nghiệp chiếm 77,47%, đất phi nông nghiệp: 9,89%...
Nghị định 41 đã mở ra một cơ chế thông thoáng hơn, thuận lợi hơn cho cả ngân hàng và khách hàng, giúp hàng nghìn hộ nông dân trên địa bàn tiếp cận được nguồn vốn tín dụng đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Từ đó, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, tăng cường cơ sở hạ tầng nông thôn và nhất là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn, giảm tỷ lệ hộ nghèo.
Nhận thức được vai trò chủ lực trong việc thực hiện NĐ 41, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) Đà Nẵng, trực tiếp là Agribank Hòa Vang đã xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể, thông qua việc ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn quy trình nghiệp vụ, biện pháp thực hiện…
Để phục vụ tốt người vay, Agribank Hòa Vang đã tổ chức, sắp xếp lại mạng lưới các điểm giao dịch, con người… nhằm thuận tiện cho việc giao dịch của người dân từ các xã vùng sâu, vùng xa đến những địa bàn thành thị. Đồng thời, Agribank Hòa Vang chủ động kết hợp với các đoàn thể xã hội, tăng cường tuyên truyền bằng hình thức in phát các tờ rơi đến tận khu dân cư. Bên cạnh đó, chú trọng nâng cao trách nhiệm cán bộ trong công tác cho vay, hỗ trợ người dân phát triển kinh tế ở khu vực nông nghiệp, nông thôn, giao dịch trực tiếp với khách hàng nhằm giải quyết nhanh chóng, đảm bảo thời gian, đúng quy trình, kịp thời, chính xác, đưa đồng vốn ưu tiên đến nông dân… Doanh số cho vay theo NĐ 41 trong 3 năm qua ở Đà Nẵng đạt 642 tỷ đồng. Dư nợ cho vay đến cuối tháng 9-2013 đạt 250 tỷ đồng.
Số khách hàng còn dư nợ là 2.271 khách hàng, bình quân 1 khách hàng còn dư nợ trên 109 triệu đồng. Trong đó, cho vay chi phí sản xuất nông, lâm ngư nghiệp 51 tỷ đồng, chiếm 20,3%; cho vay sản xuất công nghiệp, thương mại và dịch vụ phi nông nghiệp trên địa bàn nông thôn 179 tỷ đồng, chiếm 71,75%; cho vay phát triển ngành nghề nông thôn 6 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 2,53%. Dư nợ cho vay khác như cho vay đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, chế biến, tiêu thụ nông, lâm, thủy sản và muối, kinh doanh sản phẩm, dịch vụ phục vụ nông lâm, diêm nghiệp và thủy sản, cho vay tiêu dùng trên địa bàn nông thôn… đạt 14 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 5,42%.
Sử dụng vốn vay hiệu quả
Từ nguồn vốn ưu đãi theo NĐ 41, trên địa bàn Đà Nẵng đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế nông nghiệp, nông thôn hiệu quả, chuyển đổi cây trồng vật nuôi... Trong đó, đầu tư cho nông dân mua máy cày, máy đập liên hợp, phục vụ kịp thời việc chuyển đổi cơ giới hóa trên đồng ruộng, góp phần nâng cao năng suất lao động; cho vay cải tạo vườn tạp ở 8 xã cánh tây bắc Hòa Vang, nuôi trồng thủy sản ở các xã Hòa Liên, Hòa Khương; chăn nuôi gia súc, gia cầm vừa và nhỏ ở Hòa Châu, Hòa Tiến, phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ…
Ngoài ra, Agribank Hòa Vang còn đầu tư cho lò gạch Vinh Thanh Châu với tổng số tiền 12 tỷ đồng, tạo công ăn việc làm ổn định cho 120 lao động, đầu tư trang trại chăn nuôi gà công nghiệp Đồng Nghệ 1,2 tỷ đồng với số lượng đàn gà lên đến 40.000 con, từ trang trại chăn nuôi nhỏ lẻ, phát triển thành trang trại chăn nuôi có quy mô lớn, tạo công ăn việc làm cho hàng chục lao động.
Phía ngân hàng đã hỗ trợ Hợp tác xã Dịch vụ Hòa Phong vay 350 triệu đồng mua máy gặt đập liên hợp phục vụ sản xuất; đầu tư cho vay vùng quy hoạch nuôi trồng thủy sản của huyện như các hộ dân nuôi tôm nước lợ thôn Trường Định (xã Hòa Liên) có dư nợ gần 6 tỷ đồng với 26 hộ vay, hộ Trần Đức Quốc (Hòa Ninh) nuôi heo rừng, dư nợ vay 450 triệu đồng và tạo công ăn việc làm ổn định cho khoảng 10 lao động…
Trên địa bàn, kinh tế nông nghiệp nông thôn đã có bước phát triển rõ nét, đồng vốn ngân hàng chuyển tải đến hộ đã phát triển nhiều ngành nghề như chuyển đổi cây trồng, con vật nuôi, cho vay mua 15 máy cày và máy đập liên hợp, phục vụ kịp thời việc chuyển đổi cơ giới hóa trên đồng ruộng, góp phần nâng cao năng suất lao động cho nông dân; cho vay cải tạo vườn tạp ở 8 xã cánh tây bắc, nuôi trồng thủy sản ở Hòa Liên, Hòa Khương…; chăn nuôi gia súc, gia cầm vừa và nhỏ ở Hòa Châu, Hòa Tiến; phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ…, xây dựng nông thôn mới 6 xã trên địa bàn huyện Hòa Vang.
Tuy nhiên trong thực tế, việc triển khai thực hiện NĐ 41 ở Đà Nẵng vẫn gặp không ít khó khăn. Quy mô đầu tư tín dụng chưa thực sự tương xứng với tiềm năng hiện có, vẫn còn tình trạng nhiều hộ sản xuất và doanh nghiệp chưa đủ điều kiện tiếp cận vốn ngân hàng. Công tác phối hợp giữa Agribank với tổ chức hội, đoàn thể thông qua việc thành lập các tổ vay vốn chưa đạt hiệu quả cao. Nhiều tổ vay vốn để phát sinh nợ dây dưa, thậm chí có hiện tượng tổ trưởng chiếm dụng tiền vay trái quy định… Hiệu quả đầu tư một số lĩnh vực chưa cao, phát sinh nhiều rủi ro, nhất là trong lĩnh vực chăn nuôi gia súc, gia cầm, khai thác nuôi trồng thủy hải sản…
Việc cho vay trên 100 triệu đồng phải chuyển khoản cũng rất khó khăn đối với các hộ vay trên địa bàn nông thôn. Bên cạnh đó, sản xuất nông nghiệp của thành phố Đà Nẵng nói chung và của huyện Hòa Vang nói riêng vẫn chịu nhiều tác động từ thiên nhiên; dịch bệnh thường xuyên tái phát làm cho ngành chăn nuôi nhiều lúc khó khăn. Quy hoạch tổng thể trên địa bàn Hòa Vang đang thực hiện theo xu hướng đô thị hóa nên việc xác định đầu tư mang tính chất lâu dài còn hạn chế do rất nhiều vùng nằm trong các khu quy hoạch.
Theo ông Đoàn Phúc, Phó Giám đốc Agribank Đà Nẵng, hiện nay có nhiều trường hợp nông dân ở thị trấn, phường sản xuất nông nghiệp lại không thuộc đối tượng vay theo NĐ 41 là không phù hợp với thực tế. Do vậy, cần thống nhất chung cho các đối tượng vay vốn thuộc lĩnh vực kinh tế nông nghiệp - nông thôn, không phân biệt địa bàn huyện, xã, thị trấn… Có như vậy mới phù hợp với đặc thù đô thị hóa ngày càng nhanh của TP. Đà Nẵng. Bên cạnh đó, cần linh hoạt để nông dân được mua sắm máy móc, thiết bị phù hợp với nhu cầu sản xuất, không cứng nhắc phải đảm bảo tỷ lệ nội địa hóa 60% như hiện nay…
Phó Chủ tịch Thường trực UBND - Võ Duy Khương, đã ghi nhận và đánh giá cao những cố gắng, nỗ lực của ngành Ngân hàng, đặc biệt là Agribank trong triển khai thực hiện NĐ 41 trên địa bàn. Đồng thời, yêu cầu tiếp tục đổi mới phương thức cho vay theo hướng đơn giản hóa các thủ tục hành chính, phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng, đảm bảo an toàn trong hoạt động đầu tư vốn. Agribank phải chủ động tháo gỡ những vướng mắc trong công tác cho vay, nhất là thủ tục thế chấp, tín chấp, xử lý nghiêm đối tượng vay vốn sử dụng không đúng mục đích, chậm trả nợ, nhân rộng điển hình tiên tiến trong sử dụng vốn vay hiệu quả…
Bài và ảnh: Thành Lân