Việc điều hành giá xăng dầu trong nước vừa qua được thực hiện bám sát diễn biến giá xăng dầu thế giới và phù hợp với tình hình kinh tế, xã hội trong nước.
Ảnh minh họa. |
Trước ý kiến cho rằng, việc điều hành giá xăng dầu trong nước tại một số thời điểm trong thời gian qua chưa sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, Cục trưởng Cục Quản lý giá ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết, giá xăng dầu hiện nay đang được điều hành theo quy định tại Nghị định số 84 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu với nguyên tắc cơ bản là giá bán xăng dầu được thực hiện theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Theo đó, thương nhân kinh doanh xăng dầu đầu mối được quy định giá bán xăng dầu trong biên độ giới hạn nhất định, theo quy trình và nguyên tắc quy định. Nhà nước thực hiện giám sát, kiểm soát và điều tiết giá xăng dầu thông qua việc quy định công thức tính giá cơ sở, thời gian tối thiểu giữa hai lần điều chỉnh giá để các doanh nghiệp có căn cứ tính toán và đăng ký mức giá với cơ quan Nhà nước.
Theo Cục trưởng Cục Quản lý giá, giá cơ sở được xác định là mức giá mang tính trung bình để điều hành, xem xét mức độ chênh lệch giữa giá cơ sở và giá bán hiện hành, từ đó tiến hành xử lý mức giá cụ thể và áp dụng các biện pháp bình ổn giá. Mức giá cơ sở được tính bình quân 30 ngày (phù hợp số ngày dự trữ lưu thông) có thể trùng, có thể cao hơn và cũng có thể thấp hơn giá vốn thực tế tại từng thời điểm của doanh nghiệp. Liên Bộ Tài chính-Công thương không quyết định giá bán cụ thể của từng doanh nghiệp, mà chỉ tính toán và đưa ra mức tăng giá tối đa (đối với trường hợp tăng giá) và mức giảm tối thiểu (đối với trường hợp giảm giá).
Việc điều hành giá xăng dầu trong nước phải căn cứ vào giá cơ sở (công thức tính, chu kỳ tính giá, tần suất điều chỉnh giá), do vậy vừa qua, mặc dù giá xăng dầu thế giới diễn biến phức tạp trong nhiều thời điểm xu hướng tăng là chủ yếu và dao động ở mức cao, nhưng giá bán xăng dầu trong nước đã không phải điều chỉnh tăng hoặc tăng ở mức độ kiềm chế thay vào đó Nhà nước bình ổn giá thông qua các công cụ tài chính (sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu, việc điều hành thuế, điều chỉnh lợi nhuận định mức trong cơ cấu giá cơ sở) nhằm giữ ổn định, không tăng giá hoặc không để giá tăng quá cao, gây tác động bất lợi đến phát triển kinh tế xã hội, đến mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội.
Chẳng hạn như đợt điều hành ngày 26-2-2013, nếu tính đúng, tính đủ theo quy định tại Nghị định số 84 của Chính phủ thì giá xăng dầu trong nước đã phải điều chỉnh tăng để bù đắp phần chênh lệch khi giá cơ sở cao hơn giá bán hiện hành ở mức tương ứng khá cao: xăng tăng 2.300 đồng/lít; dầu điêzen tăng 1.150 đồng/lít; dầu hỏa tăng 1.500 đồng/lít; dầu madut tăng 1.000 đồng/kg. Tuy nhiên, tại thời điểm đó, để thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát sau dịp Tết nguyên đán, liên Bộ Tài chính-Công thương đã yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối không tăng giá xăng dầu trong nước thay vào đó là sử dụng Quỹ bình ổn giá (BOG) ở mức xăng: 2.000 đồng/lít; dầu điêzen: 800 đồng/lít; dầu hỏa: 1.150 đồng/lít; dầu madut: 650 đồng/kg và các doanh nghiệp phải chia sẻ bằng việc cắt giảm lợi nhuận định mức trong cơ cấu giá cơ sở (300 đồng/lít,kg).
Hay như tại thời điểm cuối tháng 3/2013, trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới tiếp tục tăng cao, số dư Quỹ BOG không còn, bên cạnh đó tình trạng buôn lậu xăng dầu qua biên giới tăng cao do giá xăng dầu trong nước chênh lệch lớn với giá xăng dầu các nước có chung đường biên giới, liên bộ đã yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối ngừng sử dụng Quỹ BOG, rà soát phương án giá và điều chỉnh giá bán xăng dầu trong nước phù hợp.
Rồi từ tháng 4 đến tháng 10 và đầu tháng 11-2013, việc điều hành giá xăng dầu có tăng, có giảm theo giá xăng dầu thế giới, nhưng để thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô liên bộ đã cho phép các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối sử dụng Quỹ BOG và điều chỉnh tăng giá bán xăng dầu ở mức độ hợp lý, còn khi có yếu tố giảm tức là giá cơ sở thấp hơn giá bán lẻ là liên bộ yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện giảm ngay.
Việc công khai trong điều hành giá xăng dầu, các kết quả thanh tra, kiểm tra, kiểm soát thường xuyên được thực hiện thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, thông cáo báo chí, các cuộc hội thảo đối thoại chính sách…; từng yếu tố cấu thành giá trong giá cơ sở, các biện pháp bình ổn giá (thuế, phí, quỹ), việc niêm yết giá, các quyết định giá đều được thể hiện một cách minh bạch.
“Vì thế, việc điều hành giá xăng dầu trong nước vừa qua được thực hiện bám sát diễn biến giá xăng dầu thế giới và phù hợp với tình hình kinh tế, xã hội trong nước, đảm bảo hài hòa lợi ích của người tiêu dùng, doanh nghiệp và góp phần cân đối ngân sách nhà nước”.- Người đứng đầu Cục Quản lý giá khẳng định.
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, thời gian tới, Liên Bộ Tài chính-Công thương tiếp tục kiên trì thực hiện điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường có quản lý của Nhà nước: Kiên trì thực hiện nhất quán chủ trương điều hành kinh doanh xăng dầu theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo đúng các nguyên tắc, quy định của Nghị định số 84 và các văn bản của Chính phủ sửa đổi bổ sung (nếu có).
Ông cho biết, việc điều hành giá có tăng có giảm tùy theo diễn biến của tình hình thị trường thế giới nhưng để bình ổn giá xăng dầu trong nước rất cần chủ động, linh hoạt điều hành đồng bộ các biện pháp về giá, Quỹ BOG, trong một số trường hợp có thể điều chỉnh lợi nhuận định mức của doanh nghiệp trong cơ cấu giá cơ sở nhằm góp phần thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; bình ổn giá cả thị trường; đảm bảo hài hòa lợi ích người tiêu dùng, doanh nghiệp.
HNMO