(ĐNĐT) - Không chỉ những doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) đang gặp rất nhiều khó khăn khi muốn đưa hàng vào siêu thị, nhiều DN đã được chấp nhận cho đưa hàng vào bày bán tại đây cũng đang chấp nhận "chịu thiệt" để tính lợi ích lâu dài, còn trước mắt họ buộc phải thực hiện theo những quy định mà siêu thị áp đặt đối với DN.
“Cửa hẹp” đưa hàng vào siêu thị
Tại Đà Nẵng, không ít cơ sở, DN sản xuất hàng hóa có chất lượng tốt nhưng sản phẩm của họ chỉ được bày bán ở các chợ trên địa bàn, phục vụ giới bình dân. Trong khi đó, nhiều sản phẩm của các DN ngoài tỉnh với chất lượng “chưa chắc đã bằng” hàng hóa do DN Đà Nẵng sản xuất lại được bán rất chạy ở các siêu thị ở Đà Nẵng. Đơn cử như nước mắm Nam Ô, dù nức tiếng một vùng, chất lượng, kiểu dáng chai, nhãn mác được đăng ký hẳn hoi, song đến nay vẫn loay hoay tìm đầu ra.
Nhiều sản phẩm của DN Đà Nẵng được người tiêu dùng đánh giá tốt nhưng hiện vẫn chưa có mặt ở hệ thống siêu thị trên địa bàn. Trong ảnh: Khách hàng đến mua sắm tại siêu thị BigC Đà Nẵng |
Đại diện một DN sản xuất nước mắm ở phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu cho biết, mặc dù sản phẩm nước mắm Nam Ô do đơn vị sản xuất đã được cấp bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp, với chất lượng đã được kiểm định theo tiêu chuẩn Việt Nam, thế nhưng đến thời điểm này vẫn chưa thể “lọt” vào được hệ thống các siêu thị. “Chúng tôi cũng tự tìm hiểu rất nhiều kênh bán hàng, trong đó có các hệ thống siêu thị, tuy nhiên do quy mô sản xuất còn nhỏ, lượng hàng cung cấp có giới hạn nên hàng chưa vào được siêu thị. Trong khi những nơi này thường đòi hỏi số lượng hàng hóa lớn và phải cung cấp một cách ổn định. Cũng vì không đủ tiềm lực làm tiếp thị một cách chuyên nghiệp và đầu tư hệ thống đại lý, nên cuối cùng sản phẩm của chúng tôi chủ yếu là bán cho các nhà hàng, khách du lịch và ký gửi tại các chợ là chính”, giám đốc DN này cho hay.
Cùng quan điểm, bà Nguyễn Thị Mùi - HTX Sản xuất giống và nuôi trồng nấm An Hải Đông cũng cho rằng: “Mặc dù chất lượng bảo đảm, nhu cầu thị trường cao nhưng những cơ sở sản xuất nấm như chúng tôi vẫn không thể tiếp cận được kênh bán hàng của hệ thống các siêu thị, sản phẩm chủ yếu được bán cho các thương lái; thậm chí các xã viên còn phải đến trực tiếp các chợ trên địa bàn làm khâu tiếp thị”.
Chịu thiệt trước mắt, lợi lâu dài
Thị trường ngày một cạnh tranh khốc liệt, nhiều siêu thị tăng khuyến mãi, cam kết bình ổn giá để đảm bảo về mặt doanh thu. Theo đó, nhiều DN nhỏ có nguy cơ bị đánh bật khỏi kệ hàng siêu thị vì gánh nặng vừa bị sụt giảm doanh số bán hàng, vừa phải tăng thêm nhiều khoản chi có tên và không tên của siêu thị.
Giám đốc một DN may mặc chia sẻ: “Để sản phẩm của DN được bày bán trong siêu thị, chúng tôi đã phải chấp nhận hàng loạt yêu cầu mà siêu thị quy định. Chẳng hạn, DN phải chịu thêm nhiều loại phí như: hỗ trợ quảng cáo, sinh nhật... Trước đây, siêu thị chỉ vận động DN tham gia một số chương trình khuyến mãi lớn vào các dịp lễ, Tết; nay, số lần khuyến mãi và mức chi phí DN phải tham gia cùng siêu thị cũng tăng lên rất nhiều”.
Để giữ được vị trí trên kệ hàng siêu thị, ngoài các quy định mà siêu thị áp đặt, DN phải đáp ứng hàng loạt các yêu cầu về giá cả cạnh tranh, năng lực phát triển sản phẩm, đảm bảo về doanh số. Và để đạt được những yêu cầu này, DN phải có kinh phí thuê vị trí trưng bày đẹp, đẩy mạnh khuyến mãi thu hút khách… Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến DN vừa và nhỏ đang rất vất vả khi tham gia vào kênh bán hàng hiện đại này.
Ông Nguyễn Xuân Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Hương Quế cho rằng: "Đối với DNNVV, để đưa được hàng hóa vào siêu thị đã khó nhưng giữ được chỗ đứng lâu dài trong siêu còn khó hơn. Vấn đề quan trọng là hàng hóa của DN khi vào siêu thị có được người tiêu dùng đón nhận hay không? Còn chuyện giảm giá, khuyến mãi… theo yêu cầu của siêu thị là chuyện bình thường. Một khi hàng hóa của DN đã được người tiêu dùng đón nhận thì chính siêu thị phải tìm đến chúng ta ký hợp đồng đưa hàng vào siêu thị. Hiện các sản phẩm lót giày Hương Quế đã có mặt ở hầu hết siêu thị trên cả nước và nhiều khi chúng tôi cũng nhận được đề nghị của phía siêu thị về các chương trình giảm giá, khuyến mãi... nhằm kích cầu thị trường. Nhưng chuyện chấp nhận hay không lại phụ thuộc vào DN chứ không phải siêu thị áp đặt".
Đối với một số DN, có chỗ đứng trong siêu thị dù chịu thiệt trước mắt nhưng lại lợi lâu dài. Ông Trần Văn Hoàng, HTX Sản xuất rau an toàn La Hường (Cẩm Lệ), cho biết hàng vào siêu thị bán được giá cao hơn ngoài chợ khoảng 40% nhưng đều bù vào chi phí bao bì, chiết khấu... Ngược lại, thương hiệu của DN sẽ được người tiêu dùng biết đến nhiều hơn vì siêu thị là kênh quảng bá hiệu quả cho uy tín sản phẩm. Chẳng hạn trước đây, khi chưa có thương hiệu, La Hường chỉ bán được khoảng 300kg rau/ngày, nay thì thương lái, các đơn vị phân phối đã tìm đến tận nơi để thu mua, mỗi ngày cung ứng cho thị trường khoảng 1 tấn rau, giá thu mua cũng cao hơn trước khá nhiều.
Ông Đỗ Thanh Năm, Giám đốc Công ty Tư vấn và Hỗ trợ chiến lược Win-Win cho rằng: Đặc điểm chung của những cơ sở và DN sản xuất hàng hóa nhỏ là vốn giới hạn, thiếu kinh nghiệm về các hoạt động tiếp thị, bán hàng, do đó không ít đơn vị phải tự “mày mò” ở khâu bán hàng. Vì vậy, nhiều DN, cơ sở tư nhân, HTX... sản xuất hàng có chất lượng tốt, song phải mày mò tìm những lối đi hẹp đến thị trường. Và cứ thế, hàng hóa của các đơn vị này chỉ “quanh quẩn” ở địa phương. Nếu các cơ sở nhỏ có hàng hóa chất lượng biết cách tiếp cận hệ thống phân phối như siêu thị, trung tâm thương mại… và hướng tới là xuất khẩu sang các nước, có lẽ hàng hóa của họ sẽ được người tiêu dùng đón nhận.
Bài và ảnh: Trọng Hùng