.

Ngành dệt may chuẩn bị gia nhập TPP

.

Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (viết tắt TPP) sẽ được ký kết trong thời gian tới. Ngành dệt may được hưởng lợi nhiều từ TPP, nhất là với thuế suất bằng không (0) sẽ là cơ hội để các đơn vị trong ngành vươn lên mạnh mẽ.

Công ty CP Dệt may 29-3 có nhiều đơn hàng sản xuất veston vào thị trường Mỹ trong năm 2013.
Công ty CP Dệt may 29-3 có nhiều đơn hàng sản xuất veston vào thị trường Mỹ trong năm 2013.

Các doanh nghiệp (DN) dệt may trên địa bàn thành phố Đà Nẵng tuy chiếm khoảng 7% sản lượng của toàn ngành nhưng lại là khu vực có tiềm năng phát triển nhất. Do vậy, để chuẩn bị cho việc hiệp định được ký kết, các đơn vị đã có sự chuẩn bị khá kỹ về mọi mặt, từ đầu tư công nghệ, đào tạo công nhân đến xúc tiến thương mại… để tự tin hòa nhập. Công tác chuẩn bị như vậy đã đem lại cho các đơn vị nhiều thành quả trong năm 2013 (kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may thành phố gần 200 triệu USD), tạo đà để vươn lên trong năm 2014 (dự kiến năm 2014, ngành dệt may sẽ đạt kim ngạch xuất khẩu 250 triệu USD).

Công nghệ mới, mặt hàng mới

Các đơn vị lớn như Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ, Công ty CP Dệt may 29-3… đã có sự chuẩn bị từ lâu. Điểm chung nhất của 2 đơn vị đầu tàu này là trong những năm qua đã đầu tư hàng tỷ đồng để đổi mới công nghệ, mở rộng sản xuất. Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ đã đưa vào vận hành thêm 2 vạn cọc sợi mới, đồng thời nâng cấp nhà máy sản xuất veston, dự kiến năm 2014 sẽ sản xuất khoảng 1 triệu bộ, thể hiện sự đón đầu khi TPP được ký kết. Công ty vừa đầu tư công nghệ mới vừa đào tạo nghề cho hàng trăm công nhân đáp ứng yêu cầu sản xuất các mặt hàng mới.

Để chuẩn bị gia nhập TPP, Công ty CP Dệt may 29-3 đầu tư mới và đưa vào sản xuất cơ sở may veston bằng công nghệ mới của Cộng hòa Liên bang Đức. Bà Phạm Thị Xuân Nguyệt, Tổng Giám đốc công ty cho biết: Nhằm bảo đảm người lao động có thu nhập ổn định, công ty đã tổ chức sản xuất khoa học, cải tiến quy trình, bảo đảm vệ sinh môi trường, tăng năng suất lao động. Nhờ những giải pháp lao động và tiền lương phù hợp, công ty không những giữ được lao động mà còn tuyển dụng và đào tạo tại chỗ thêm gần 500 lao động, nâng tổng số lao động toàn công ty lên 2.400 người (vào cuối năm 2013), dự kiến trong năm 2014 sẽ thu hút thêm khoảng 500 lao động mới. Công ty chú trọng công tác cải tiến thiết bị, tập trung các giải pháp tiết kiệm năng lượng, do vậy sản phẩm của công ty luôn đáp ứng yêu cầu cạnh tranh của khách hàng.  

Cần những chính sách phù hợp

Do yêu cầu của TPP, để được hưởng lãi suất ưu đãi, DN phải khép kín quá trình sản xuất sản phẩm nào đó. Trong khi đó, các DN trong ngành dệt may của thành phố có rất ít những sản phẩm như vậy. Chẳng hạn như sản phẩm màn tuyn của Công ty CP Dệt Hòa Khánh, các loại quần áo may sẵn của Công ty CP Dệt may 29-3… có thể đáp ứng được nhu cầu của TPP, nhưng do khả năng tài chính có hạn nên việc mở rộng sản xuất gặp nhiều khó khăn. Từ đó, đại diện các DN đã kiến nghị với chính quyền và ngành chức năng về các chính sách hỗ trợ. Ông Nguyễn Chánh, Giám đốc Công ty CP Dệt Hòa Khánh cho rằng: “Nhất thiết cần có sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước trong chính sách miễn, giảm, giãn thuế thu nhập doanh nghiệp, lãi suất vay thấp, chính sách cho người lao động, tạo điều kiện để DN ổn định, bảo đảm sản xuất, tái đầu tư đổi mới công nghệ”.  

Thành phố Đà Nẵng chọn năm 2014 là “Năm Doanh nghiệp”, đây là động lực rất quan trọng để các DN đầu tư phát triển, nhất là DN thuộc ngành dệt may. Nguyện vọng chung của các DN dệt may là thành phố nên xây dựng thêm nhiều khu chung cư có thu nhập thấp và mở rộng đối tượng được thuê để công nhân của các DN trong ngành dệt may thuê, góp phần giải quyết nhà ở cho công nhân, bảo đảm ổn định lao động, vì hiện có trên 60% lao động trong các DN dệt may là người ở các địa phương khác.

Ngoài ra, các DN rất cần các chính sách ưu đãi về tài chính, tạo thuận lợi cho các DN tiếp cận với các nguồn vốn từ thành phố và các chương trình hỗ trợ xúc tiến thương mại như miễn chi phí thuê gian hàng hội chợ nhằm chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp.

Bài và ảnh: ĐỨC THỊNH
 

;
.
.
.
.
.