Ngày nay, không ít bạn trẻ đam mê kinh doanh và trở thành ông chủ, bà chủ từ khi còn ngồi ở giảng đường đại học. Con đường kinh doanh đầy chông gai nhưng họ không bao giờ nản lòng và luôn tin vào quyết định của mình.
Leevins Study Coffee mang lại không gian học tập và làm việc thú vị. |
Khởi nghiệp
Lê Quốc Hùng (SN 1991), sinh viên năm cuối ngành Quản trị kinh doanh quốc tế - khoa Thương mại, Trường ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng) đã tập tành kinh doanh ngay từ khi là sinh viên năm 3. Đầu năm 2011, nhận thấy mô hình cà-phê sách ở Đà Nẵng chưa thịnh hành, Hùng cùng 6 người bạn mày mò tìm đến mô hình kinh doanh này thông qua số tiền vay mượn từ bạn bè, người thân. Cà-phê sách Velo đầu tiên ra đời trên tuyến đường Lê Đình Dương. Một năm sau đó, cà-phê sách Velo thứ hai ra đời trên đường Quang Trung, và gần đây nhất là Leevins Study Coffee tại 134 Phan Châu Trinh.
Hùng rất hạnh phúc khi tự làm chủ cơ sở của mình nhưng cũng không ngại nhận mình có “máu liều” khi chỉ có trong tay 90 triệu đồng sau 2 năm kinh doanh tại quán cũ. Tổng kinh phí xây dựng Leevins Study Coffee lên tới 1 tỷ đồng. Hiện tại, Hùng vẫn đang nợ 450 triệu đồng tiền công thợ và các chi phí khác.
Cũng khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng như Hùng, nhưng Đặng Bích Trâm (SN 1989) lại chọn cho mình con đường chẳng ăn nhập với ngành đã học. Tốt nghiệp loại khá ngành Kinh tế xây dựng và quản trị dự án, Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng), Bích Trâm quyết định chọn kinh doanh quần áo. “Mình ra trường trong thời điểm kinh tế khó khăn, ngành xây dựng đang “đứng”. Lúc đó, bố mình lâm trọng bệnh. Là chị cả trong gia đình, nên việc trước mắt của mình là phải kiếm thật nhiều tiền để giúp bố chữa bệnh”, Bích Trâm cho biết. Thế là Trâm tự mình qua Thái Lan, Trung Quốc lấy hàng để “lựa được những hàng có chất lượng tốt hơn, với mức giá vừa phải để mọi người ai cũng có thể mặc đẹp”.
Nỗ lực làm giàu
Trong giới học sinh, sinh viên Đà thành, nói đến shop quần áo Bồ Công Anh, hầu như ai cũng biết bởi mức giá khá “mềm”, quần áo lại hợp “gu” với cả tuổi teen lẫn công sở. Bích Trâm kể: “Có những hôm shop bán được đến 1.500 áo sơ-mi. Hàng về chưa kịp cho mẫu chụp ảnh thì đã hết veo, đi lấy hàng không kịp”.
Một mình làm không xuể, Trâm nhờ sự trợ giúp của người thân mới có thể xoay xở kịp. Từ chỗ chỉ là tiệm nhỏ trong con hẻm có bề ngang chưa đầy 1,5 mét gần nhà, giờ đây chị em Trâm có thể thoải mái phục vụ các “thượng đế” tại hai cơ sở khá khang trang trên đường Phan Thanh. Sau gần 2 năm kinh doanh, không những phụ giúp mẹ chuyện gia đình, Trâm còn mua được nhà, ô-tô. Với Trâm, những điều đó chưa hẳn là sự thành công trong sự nghiệp kinh doanh nhưng trên hết những cố gắng, nỗ lực của chị đã được đền đáp phần nào.
Với không gian làm việc và học tập hiện đại, sau một tháng Leevins Study Coffee đi vào hoạt động đã nhận được những tín hiệu tích cực từ khách hàng. Mục đích duy nhất của quán là tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho khách hàng thoải mái làm việc.
Bước vào con đường kinh doanh, trong suy nghĩ của Quốc Hùng không phải là khát khao kiếm được thật nhiều tiền. “Mình chỉ đơn giản là thích kinh doanh và muốn làm được những điều bản thân cảm thấy thích thú. Gia đình không phải thuộc loại khá giả, mẹ hiện tại vẫn phải buôn bán. Trong những tháng tới, mong muốn lớn nhất của mình là có thể giúp đỡ mẹ chi phí sinh hoạt để mẹ đỡ vất vả”, Hùng tâm sự.
Ông Lê Văn Hiểu, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ thành phố, nhìn nhận so với giai đoạn khoảng mươi năm trước thì hiện nay, lứa tuổi bước ra kinh doanh ngày càng trẻ hóa, có rất nhiều bạn trẻ lập nghiệp từ hai bàn tay trắng. Ông Hiểu cho hay: “Những thành công bước đầu mà các bạn đạt được có thể nói chưa là quả ngọt, nhưng để có được điều đó các bạn cũng trầy trật, cố gắng rất nhiều. Hội Doanh nhân trẻ thành phố cũng đã thường xuyên tổ chức các buổi tọa đàm, hội thảo, tạo cơ hội trao đổi kinh nghiệm, phương hướng kinh doanh với những người trẻ, giúp họ ngày càng có được những kinh nghiệm từ những người đi trước để hoàn thiện hơn hướng kinh doanh của mình”.
Bài và ảnh: BÌNH AN