ĐNĐT - Đây là ý kiến của Tiến sĩ Phạm Thị Thu Hằng, Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại Hội nghị Phân tích kết quả PCI 2013 do UBND TP. Đà Nẵng tổ chức hôm 11-4.
Theo Tiến sĩ Hằng, Đà Nẵng cần nỗ lực hơn nữa để tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận dễ dàng với các văn bản tài liệu liên quan tới hoạt động đầu tư kinh doanh. Trong ảnh: KCN Hòa Cầm của Đà Nẵng hiện thu hút được khá nhiều các DN nước ngoài. |
Năm 2013, Đà Nẵng đã vươn trở lại vị trí quán quân của bảng xếp hàng về chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (CPI), với số điểm 66,45. Kết quả này là sự ghi nhận và biểu dương của cộng đồng doanh nghiệp (DN) Đà Nẵng trước những nỗ lực cải cách và điều hành của chính quyền thành phố trong thời gian qua.
* Vậy điểm mạnh nào đã đưa Đà Nẵng trở lại vị trí dẫn đầu trong bảng xếp hạng PCI?
Bà Phạm Thị Thu Hằng: Lĩnh vực đạt thành tích và nổi bật nhất trong năm 2013 của TP. Đà Nẵng bao gồm: DN dễ dàng tiếp cận đất đai, chi phí thời gian để thực hiện các quy định của Nhà nước, chi phí không chính thức, thiết chế pháp lý và tính năng động của lãnh đạo thành phố.
Cũng như ý kiến của đồng chí Trần Thọ - Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho rằng: “Việc trở lại vị trí dẫn đầu bảng xếp hạng PCI đã rất khó, nhưng để giữ được vị trí này trong những năm tới còn khó gấp bội lần”. Vì vậy, theo tôi, nếu Đà Nẵng không muốn “rớt” hạng, các sở, ngành cũng như chính quyền thành phố và cộng động DN Đà Nẵng cần phải xác định rằng: PCI là cuộc đua không có điểm dừng, nhất là khi trong năm 2013, phương pháp luận PCI có nhiều sự thay đổi, đòi hỏi chương trình hành động của thành phố cần có sự điều chỉnh tương ứng.
TS Phạm Thị Thu Hằng |
* Vậy theo bà, đâu là điểm yếu mà Đà Nẵng cần phải cải thiện?
Bà Phạm Thị Thu Hằng: Mặc dù Đà Nẵng đứng đầu bảng xếp hạng PCI, song một số chỉ tiêu vẫn còn thấp so với mong đợi của các nhà đầu tư nước ngoài. Cụ thể, mới chỉ có 40% DN FDI mất dưới 1 tháng để hoàn tất thủ tục và giấy phép để chính thức đi vào hoạt động, thấp hơn nhiều so với Hải Phòng là 71% hay Bình Dương là 75%. Một điểm nữa cũng hết sức quan trọng, Đà Nẵng cũng là nơi có chi phí đào tạo lao động cao nhất so với các tỉnh còn lại, chiếm 2% trên tổng chi phí, trong khi đó, con số này ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh là 1,5%, ở Hải Phòng là 0,5%.
Như vậy, trong kết quả chi tiết 10 chỉ số thành phần PCI như: xếp hạng, điểm số, trọng số… thì các lĩnh vực trọng yếu của PCI như tính minh bạch, đào tạo lao động và dịch vụ hỗ trợ DN, Đà Nẵng vẫn chưa đạt được kết quả thực sự vững mạnh. Chẳng hạn như, điểm số Tính minh bạch, Đào tạo lao động chỉ đạt khoảng 6,5/10 điểm; Dịch vụ hỗ trợ DN ở mức 5,36 điểm… Điều này cho thấy không gian cải cách trong thời gian tới của các sở, ngành liên quan của TP. Đà Nẵng vẫn còn rất nhiều việc phải làm.
Đối với chỉ số cạnh tranh bình đẳng, dù là chỉ số thành phần mới trong PCI năm 2013, tuy nhiên mức điểm mà Đà Nẵng đạt được 5,82 điểm, vẫn xếp thứ 26/63 tỉnh, thành. Và điều này cũng cho thấy, Đà Nẵng cần nỗ lực nhiều hơn nữa để tạo lập một môi trường kinh doanh bình đẳng cho mọi thành phần kinh tế.
* Được biết, VCCI đã có cuộc khảo sát về các DN FDI đầu tư vào Việt Nam. Vậy theo bà, các DN FDI đầu tư vào Đà Nẵng mong muốn và kỳ vọng gì từ chính quyền TP. Đà Nẵng?
Bà Phạm Thị Thu Hằng: Cũng xin được nhắc lại, cải thiện cạnh tranh cấp tỉnh được coi là một trong những biện pháp góp phần cải thiện vị thế cạnh tranh của Việt Nam so với các nước khác trên thế giới. Vì vậy, để nâng cao năng lực cạnh tranh của Đà Nẵng, bên cạnh tiếng nói của nhóm doanh nghiệp dân doanh (từ điều tra PCI), thì cảm nhận và đánh giá của cộng đồng các nhà đầu tư và các DN FDI đang hoạt động tại TP. Đà Nẵng cũng là những chỉ báo rất tốt cho công tác cải cách điều hành của chính quyền địa phương.
Qua khảo sát, điều tra FDI - PCI có 1.609 DN tại 13 tỉnh, thành phố tham gia, trong đó ở Đà Nẵng số lượng DN FDI tham gia là 53 DN. Qua con mắt của các nhà đầu tư nước ngoài tại Đà Nẵng, môi trường đầu tư ở Đà Nẵng cần được cải thiện hơn nữa. Cũng qua khảo sát cho thấy, trong tổng số 13 tỉnh, thành tập trung nhiều DN FDI nhất, thì kết quả Đà Nẵng chỉ đứng thứ 12/13 tỉnh thành. Trong đó, chỉ có 46,6% DN FDI tại Đà Nẵng cho biết ở đây họ ít gặp tham nhũng hơn; 44% ít gặp hạn chế về quy định pháp luật hơn; đặc biệt chỉ 24% cho biết thành phố có mức thuế thấp hơn các nơi khác. Đáng chú ý, độ ổn định của thành phố về chính sách cũng bị đánh giá thấp nhất so với các tỉnh, thành khác, tỷ lệ đồng ý là 47%.
Cuối cùng, ở một số chỉ tiêu về Tính minh bạch, kết quả điều tra các DN FDI của Đà Nẵng cho thấy so với các tỉnh, thành phố khác, Đà Nẵng cũng cần nỗ lực hơn nữa để tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận dễ dàng với các văn bản tài liệu liên quan tới hoạt động đầu tư kinh doanh
* Vậy theo bà, Đà Nẵng cần phải làm gì để tiếp tục duy trì vị trí quán quân trong bảng xếp hạng PCI trong những năm tới?
Bà Phạm Thị Thu Hằng: PCI chỉ có thể phát huy được trong những năm tới nếu có sự tham gia đối thoại tích cực của các DN với chính quyền địa phương. Vì vậy, ngay từ bây giờ, các DN, các Hiệp hội DN của TP. Đà Nẵng hãy đồng hành cùng với chính quyền địa phương trong việc tham vấn chính sách, hợp tác và tuân thủ những quy định của Nhà nước của địa phương.
Ngoài sự nỗ lực từ chính quyền thành phố, các DN cũng cần chủ động đề xuất với lãnh đạo thành phố những sáng kiến hay, mới, mang lại hiệu quả… Và tôi tin rằng, chính quyền địa phương sẽ tạo mọi điều kiện và sẵn sàng hỗ trợ để những sáng kiến phát triển của DN cùng sáng kiến xây dựng của Đà Nẵng phát huy tác dụng.
Xin cảm ơn bà về cuộc trao đổi này!
Trọng Hùng (thực hiện)