.

Chính sách vào cuộc sống

.

Năm 2013, lần đầu tiên thành phố đạt giá trị kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trên 1 tỷ USD, trong đó có sự đóng góp quan trọng của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Nguyên nhân chính của thành công này là do thành phố có nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) phát triển.

Một công đoạn trong dây chuyền sản xuất cần câu cá của Công ty TNHH Daiwa Việt Nam.
Một công đoạn trong dây chuyền sản xuất cần câu cá của Công ty TNHH Daiwa Việt Nam.

Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính

Đối với các DN nước ngoài, trở ngại lớn nhất là thủ tục hành chính. Theo quy định hiện hành, việc cấp giấy phép đầu tư và giấy phép hành nghề trong thời gian 30 ngày (đối với dự án phải thẩm định) và 15 ngày đối với dự án không phải thẩm định. Nhưng đối với Đà Nẵng, nhằm thu hút đầu tư nước ngoài, thành phố đã đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xuống còn 7 ngày trở lại đối với dự án không phải thẩm định và 15 ngày đối với dự án phải thẩm định. Ông Thái Bá Cảnh, Trưởng Ban quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Đà Nẵng cho biết: Có dự án không phải thẩm định, thời gian cấp giấy phép chỉ từ 2 ngày đến 3 ngày. Việc làm này đã được DN và các nhà đầu tư đặc biệt hoan nghênh.

Ngoài ra, việc minh bạch các chính sách hỗ trợ về thuế, tiền thuê đất hoặc giải quyết các vướng mắc của DN cũng được các ngành chức năng triển khai đồng bộ. Đặc biệt, năm 2014 thành phố chọn “Năm Doanh nghiệp Đà Nẵng 2014” với nhiều ưu đãi đối với DN, kể cả DN có vốn đầu tư nước ngoài. Quyết định số 1136/QĐ-UBND ngày 24-2-2014 của UBND thành phố về Chương trình hoạt động Năm Doanh nghiệp 2014, đã được thông báo rộng rãi đến các DN. Ông Hideo Hosoya, Giám đốc Công ty Mabuchi Motor Đà Nẵng phấn khởi cho biết: Chương trình Năm Doanh nghiệp 2014 của thành phố là một động lực quan trong để công ty tiếp tục mở rộng sản xuất trong những năm tới. Hiện công ty tích cực nghiên cứu nhằm khai thác hiệu quả các chính sách của thành phố, nhất là các chính sách về đất đai, nhà ở để cải thiện đời sống cho người lao động. Có thể nói, các chính sách của thành phố đã và đang hỗ trợ tích cực cho các DN FDI đầu tư, phát triển sản xuất.

Công bằng hơn đối với các DN trong nước

Cần có sự đối xử công bằng hơn giữa DN FDI và DN trong nước, đó là ý kiến chung của hầu hết các DN trên địa bàn thành phố tại nhiều diễn đàn do thành phố, các sở, ban, ngành và các hội nghề nghiệp tổ chức. Thực tế cho thấy, các chính sách, chủ trương của thành phố để thu hút đầu tư (đối với các DN FDI) được thực hiện một cách chu toàn và hiệu quả hơn là các chính sách đối với các DN trong nước, chẳng hạn như những ưu đãi về đất đai, thuế… Để khắc phục tồn tại này, gần đây thành phố thành lập Quỹ Đầu tư phát triển và Quỹ Bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa, các chính sách về đất đai… nhằm giúp các DN có điều kiện phát triển sản xuất, kinh doanh. Trước đó, ngày 5-12-2012, UBND thành phố ban hành Quyết định số 55/QĐ-UBND quy định về chính sách hỗ trợ các DN tham gia chương trình sản xuất hàng lưu niệm du lịch.

Thực hiện quyết định này, Sở Công thương đã tổ chức và chọn 10 DN (được UBND thành phố công nhận) tham gia chương trình và được hưởng khoản kinh phí hỗ trợ. Tuy nhiên, việc giải ngân chương trình này vẫn còn nhỏ giọt, mỗi DN khoảng trên dưới 25 triệu đồng. Điều này gián tiếp làm cho chương trình này tiến triển rất chậm chạp, gây ra chán nản đối với các DN và khó khăn cho Sở Công thương trong việc vận động các DN tham gia. Hoặc như việc cấp đất, cấp kinh phí để xây dựng “Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân” do Liên đoàn Lao động thành phố tổ chức tại Khu công nghiệp Hòa Khánh chưa biết bao giờ mới triển khai.

Có thể nói, thành phố đã ban hành rất nhiều chính sách nhằm hỗ trợ DN phát triển sản xuất, nhất là trong “Năm Doanh nghiệp Đà Nẵng 2014”, song để các chính sách này đi vào cuộc sống, sớm mang lại lợi ích cho các DN cần sự quan tâm hơn nữa của lãnh đạo thành phố, đặc biệt là việc triển khai các chính sách này đến với DN của các sở, ban, ngành một cách nhanh nhất.

Bài và ảnh: ĐỨC THỊNH

;
.
.
.
.
.