.
Đăng ký kinh doanh qua mạng điện tử

Doanh nghiệp chưa mặn mà

.

Qua hơn một năm triển khai thực hiện chương trình đăng ký kinh doanh (ĐKKD) qua mạng điện tử cấp 4 lần đầu tiên tại Đà Nẵng, dù được hỗ trợ tối đa về mặt thủ tục nhưng đến nay số doanh nghiệp (DN) tham gia vẫn chưa nhiều.

Cán bộ bộ phận “một cửa” hướng dẫn tận tình cho doanh nghiệp đăng ký kinh doanh.
Cán bộ bộ phận “một cửa” hướng dẫn tận tình cho doanh nghiệp đăng ký kinh doanh.

Chỉ cần “nhấp chuột” với các thao tác trên máy, thời gian giải quyết việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử tại Cổng thông tin đăng ký kinh doanh quốc gia ở địa chỉ http://dangkykinhdoanh.gov.vn là 2 ngày làm việc; trong đó việc cấp mã số doanh nghiệp tại Cục Thuế thành phố Đà Nẵng và cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp tại Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) thành phố mỗi nơi một ngày. Tuy nhiên, thực tế số hồ sơ đăng ký theo hình thức mới vẫn còn khá khiêm tốn.

Số liệu từ Phòng ĐKKD, Sở KH-ĐT thành phố cho thấy, 3 tháng đầu năm 2014, trong số 700 hồ sơ mới đăng ký doanh nghiệp trên tổng số hơn 1.500 hồ sơ (bao gồm hồ sơ có đăng ký thay đổi), chỉ có khoảng 100 hồ sơ thực hiện trực tuyến. Bà Trần Thị Ái Thu, Phó phòng ĐKKD, Sở KH-ĐT thành phố nhìn nhận: “Thời gian qua, nhiều DN chưa quan tâm lắm đến hình thức đăng ký trực tuyến cho nên mỗi khi đại diện DN đến làm thủ tục, các nhân viên phụ trách đều hướng dẫn tư vấn rất tận tình. Cái này cũng phải khuấy động lên để quảng bá cho nhiều DN biết, chứ cứ để yên thì một tháng chỉ có vài bộ hồ sơ qua mạng…”.

Qua trao đổi, nhiều DN vẫn chưa mặn mà với hình thức này bởi nhiều nguyên nhân. Đa số đều thừa nhận so với một số địa phương khác, thủ tục hành chính qua các “cửa” ở Đà Nẵng khá thuận lợi, không quá yêu sách. Việc ĐKKD bây giờ khá đơn giản, chỉ cần mang hồ sơ thẳng đến sở có khi còn nhanh hơn qua mạng điện tử. Chị Lâm Thị Ánh H. (chủ doanh nghiệp tư nhân trên đường Trần Cao Vân) cho hay: “Tôi từ buôn bán nhỏ đi lên nên ít giao dịch trên máy tính, có việc gì cần gấp trong công việc làm ăn thì nhờ con cháu trong gia đình làm giúp. Khi thành lập doanh nghiệp cũng tìm hiểu thông tin khá kỹ và được biết có nhiều hình thức nhưng tôi chọn đi làm trực tiếp. Nếu có sai sót gì thì nhờ người ta điều chỉnh luôn chứ ở trên mạng làm sai thì mệt lắm. Có khi thông tin qua về còn nhiều ngày hơn đến thẳng cơ quan chức năng”.

Cũng như chị H., không ít chủ DN trên địa bàn cũng làm biếng lên mạng vì nghĩ thủ tục rườm rà, tốn thời gian. Ngoài ra, phương tiện, thiết bị phục vụ kê khai thông tin của bản thân các cá nhân, tập thể còn thiếu là trở ngại của không ít DN. Theo nguyên tắc, muốn làm thủ tục qua mạng, người thực hiện phải chụp lại hồ sơ qua máy (kèm chữ ký số) để gửi và có thẻ thanh toán điện tử. Chính tâm lý ngại thay đổi theo phương thức mới hoặc cho là làm trên mạng nếu sai trả lui trả tới sẽ còn mất công hơn cũng khiến người kê khai e ngại.

“Chúng tôi thường xuyên tuyên truyền trực tiếp và gián tiếp trên các phương tiện thông tin nhưng người dân vẫn thích đến đây hơn. Mở ra việc đăng ký hồ sơ qua mạng điện tử là nhằm tạo điều kiện cho DN có nhiều sự lựa chọn, chứ còn thực hiện đến đâu là chuyện lâu dài. Chúng tôi cũng không hy vọng hoàn toàn vào công cụ trực tuyến vì hiện tại có qua mạng đôi khi cũng phải mở rộng khâu hỗ trợ thêm cho DN”, bà Nguyễn Thị Ái Thu cho biết.

ĐKKD qua mạng điện tử được ví như “văn phòng không giấy” sẽ mang lại nhiều lợi ích đối với các chủ DN lẫn cơ quan quản lý Nhà nước. Tìm hiểu thực tế, tỷ lệ người thực hiện qua mạng chủ yếu là những người có độ tuổi trẻ, thích sử dụng công nghệ thông tin. Vì vậy, cán bộ, nhân viên bộ phận “một cửa” ĐKKD của Sở KH-ĐT vừa tiếp nhận hồ sơ qua mạng trực tuyến, nhưng đồng thời vừa tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho khách hàng tại bàn làm việc. “Chúng tôi cũng muốn qua đây, những DN nào có vướng mắc trong việc triển khai ĐKKD qua mạng điện tử có thể phản ánh để bộ phận chuyên môn tiếp thu và chuyển cho Cục Quản lý ĐKKD vì phần mềm này liên tục được hoàn thiện”, một cán bộ Sở KH-ĐT thành phố nói.

Bài và ảnh: DUYÊN ANH

;
.
.
.
.
.