.

Khi chính quyền đến với doanh nghiệp

.

Lãnh đạo thành phố Đà Nẵng quyết định tổ chức tiếp xúc và đối thoại với doanh nghiệp định kỳ vào ngày thứ sáu của tuần thứ hai và thứ tư hằng tháng.

Thứ sáu ngày 30-5 là buổi tiếp xúc, đối thoại lần thứ nhất của lãnh đạo thành phố với 14 doanh nghiệp dưới sự chủ trì của Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Trần Thọ và Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Võ Duy Khương. Đã có 15 kiến nghị của các doanh nghiệp liên quan đến các ngành Thuế, Hải quan, Công thương, Xây dựng, Tài nguyên - Môi trường được các đơn vị gửi đến lãnh đạo UBND thành phố.

Trước đó, chính quyền thành phố đã công bố số điện thoại nóng 0511.3881888 và địa chỉ thư điện tử namdoanhnghiep@danang.gov.vn để tiếp nhận thông tin phản ánh của doanh nghiệp. Sau gần hai tháng vận hành, đã có trên 60 ý kiến phản ánh của doanh nghiệp gọi đến điện thoại đường dây nóng và gửi về hộp thư điện tử. Các ý kiến phản ánh của doanh nghiệp đã  được UBND thành phố chỉ đạo các ngành kiểm tra, xử lý, trả lời cho doanh nghiệp và báo cáo về UBND thành phố.

Có thể nói đây là một trong những chủ trương cụ thể, thể hiện những nội dung mang tính hiện thực của “Năm  Doanh nghiệp Đà Nẵng 2014”.

Hai trường hợp điển hình sau đây được xem như bước khởi động hiệu quả: Nhân dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Võ Duy Khương đến làm việc tại Nhà máy Sữa Đà Nẵng (Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam). Đơn vị đã kiến nghị với lãnh đạo thành phố về việc cấp giấy phép khai thác nước ngầm  mà Sở Tài nguyên và Môi trường đang phải tạm dừng không tiếp nhận hồ sơ do chưa có hướng dẫn của Trung ương về thi hành Luật Tài nguyên nước số 17/2012/QH13.

Ngay sau đó, UBND thành phố chỉ đạo ngành Tài nguyên - Môi trường kiểm tra, đề xuất và thành phố đã đồng ý chủ trương cho phép Chi nhánh Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam tại Đà Nẵng lập thủ tục xin cấp giấy phép khai thác nước ngầm để phục vụ sản xuất trong khuôn viên của công ty và tái sử dụng nước thải sau xử lý đạt quy chuẩn vào mục đích tưới cây, cỏ tại nhà máy với lưu lượng khoảng 86,2 m3/ngày/đêm. Đồng thời giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Ban quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Đà Nẵng, UBND quận Liên Chiểu và các cơ quan đơn vị liên quan hướng dẫn doanh nghiệp này lập các thủ tục thực hiện theo đúng quy định.

Tại Công ty TNHH Mabuchi Motor, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài 100% vốn của Nhật, là doanh nghiệp chế xuất với 100% sản phẩm là xuất khẩu và có nhiều đóng góp cho sự phát triển kinh tế xã hội thành phố, góp phần tăng kim ngạch xuất khẩu của thành phố (kim ngạch xuất khẩu hàng năm khoảng 100 triệu USD).

Tuy nhiên, việc xuất khẩu hàng trực tiếp giữa doanh nghiệp chế xuất với doanh nghiệp chế xuất tại Việt Nam gặp trở ngại rất lớn, đó là khi muốn bán hàng cho doanh nghiệp chế xuất khác thì Công ty TNHH Mabuchi Motor Đà Nẵng phải xuất khẩu hàng hóa sang phòng bán hàng của Công ty tại Singapore, sau đó mới tái xuất về Việt Nam (bán cho Công ty Canon Việt Nam, cũng là doanh nghiệp chế xuất) làm cho giá thành tăng cao do tăng thêm chi phí vận chuyển lẫn lãng phí về thời gian.

Trong khi đó các quy định của Luật Đầu tư, Nghị định số 108/2006/NĐ-CP, Thông tư số 196/2012/TT-BTC ngày 15-11-2012 của Bộ Tài chính về làm thủ tục Hải quan điện tử và Thông tư số 128/2013/TT-BTC ngày 10-9-2013 của Bộ Tài chính về thủ tục Hải quan truyền thống cho phép các doanh nghiệp chế xuất không cùng khu công nghiệp được bán hàng trực tiếp với nhau, về mặt thanh khoản nguyên vật liệu thực hiện như đối với hàng hóa của doanh nghiệp chế xuất sản xuất xuất khẩu ra nước ngoài.

Trước tình hình đó, Công ty TNHH Mabuchi đã gửi văn bản đến các ngành để phản ánh, đề nghị các đơn vị hướng dẫn thực hiện nhưng kết quả giải thích, hướng dẫn của các ngành vẫn chưa sát, không rõ ràng khiến doanh nghiệp tiếp tục bán hàng theo đường vòng. Để giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp, đích thân Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Võ Duy Khương chủ trì cuộc họp giữa ngành Hải quan, Cục Thuế, Ban quản lý các khu công nghiệp và chế xuất để giải quyết vướng mắc của về việc xuất khẩu hàng trực tiếp giữa doanh nghiệp chế xuất với doanh nghiệp chế xuất tại Việt Nam. Cho đến lúc đó, vướng mắc của doanh nghiệp mới được giải quyết ổn thỏa.

Với các cách thức tiếp cận doanh nghiệp khác nhau, chính quyền thành phố đã ghi điểm trong mắt cộng đồng doanh nghiệp khi chủ động tìm đến doanh nghiệp để lắng nghe trực tiếp những ý kiến phản ánh, các khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh hiện doanh nghiệp đang đối diện.

Đợt này, 14 doanh nghiệp với 15 kiến nghị đang chờ các sở, ban, ngành xem xét, giải đáp vướng mắc. Hy vọng rằng, các kiến nghị của doanh nghiệp sẽ được các ngành chủ động nghiên cứu, xem xét giải quyết nhanh chóng và dứt điểm, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hơn là chờ đợi đến sự ra tay của chính quyền như hai trường hợp trên. Có như vậy hoạt động của “Năm  Doanh nghiệp Đà Nẵng 2014” mới thực sự có ý nghĩa, góp phần nâng cao uy tín về môi trường đầu tư của Đà Nẵng.

 TRƯƠNG HỘI AN

;
.
.
.
.
.