Hoạt động trong cơ chế thị trường, không ít hợp tác xã (HTX) ở Đà Nẵng lâm vào cảnh yếu kém bởi nhiều lý do. Không còn cách nào khác, các HTX phải tự mình vực dậy bên cạnh sự hỗ trợ của chính quyền thành phố.
Hợp tác xã cần đủ mạnh để làm “bà đỡ” trong thu mua sản phẩm cho nông dân. |
Khó mọi mặt
Tính đến nay, toàn thành phố có trên 100 HTX thuộc các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp - xây dựng, thương mại - dịch vụ (trong đó 67 HTX đã giải thể và thành lập mới 63 HTX); 180 tổ hợp tác với 10 tổ sản xuất tiểu thủ công nghiệp, 83 tổ sản xuất, chi hội nghề nghiệp, câu lạc bộ nông nghiệp và 87 tổ khai thác hải sản trên biển. Theo Liên minh các HTX Đà Nẵng, kinh tế tập thể của thành phố phát triển thiếu ổn định, tốc độ tăng trưởng qua các năm thấp, chỉ vào khoảng 2%.
Số lượng các HTX giảm nhiều là do hoạt động yếu kém phải giải thể, trong khi đó việc phát triển các HTX mới trong lĩnh vực phi nông nghiệp gặp nhiều khó khăn vì thiếu các chính sách hỗ trợ. Cụ thể như thiếu mặt bằng sản xuất nhưng chưa được giải quyết, phải chờ quy hoạch cụm công nghiệp cho các đơn vị sản xuất quy mô nhỏ và vừa.
Ông Trần Bá Tượng, Chủ nhiệm HTX mây tre An Khê cho biết, thời gian qua các HTX bị tác động rất lớn bởi thiên tai, bão lụt làm hư hỏng nhà xưởng, thiết bị. Cùng với việc biến động tăng giá các loại nguyên nhiên liệu, vật tư, lãi vay ngân hàng cao, trong lúc giá đầu ra của sản phẩm ít tăng, thị trường bị cạnh tranh gay gắt… đã làm khó nhiều HTX. Những HTX lâu năm nhưng nằm ở vùng quy hoạch buộc phải di dời, ít nhiều cũng xáo trộn đến tình hình sản xuất và kinh doanh.
Đối với các HTX thương mại - dịch vụ, trước áp lực thực hiện lộ trình hoàn tất việc mở cửa cho các doanh nghiệp phân phối của nước ngoài vào Việt Nam, các doanh nghiệp trong nước nói chung và kinh tế tập thể nói riêng đang chịu sức ép trước sự chuyển biến nhanh chóng của thị trường.
Bà Nguyễn Thị Bích Sa, Phó Chủ nhiệm HTX SX-TM-DV An Hải Đông cũng bày tỏ: “Hai yếu tố quyết định quy mô và tốc độ phát triển của HTX là vốn và nguồn nhân lực, nhưng suốt thời gian qua chúng tôi hầu như không vay được vốn của các tổ chức tín dụng, các nguồn vốn ưu đãi nên việc đầu tư phát triển rất hạn chế, chủ yếu từ 28% lợi nhuận sau thuế hằng năm. Chẳng hạn, từ năm 2002-2013 tổng vốn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh của HTX bằng nguồn vốn chủ cơ sở sở hữu chỉ có 450 triệu đồng, như vậy bình quân chỉ 41 triệu đồng/năm”.
Chuyển hướng đi lên
Với con số phân loại có tới 47,6% HTX hoạt động trung bình và 7,6% HTX được xếp vào loại yếu kém, ông Nguyễn Công, Trưởng Văn phòng Liên minh HTX Việt Nam tại miền Trung - Tây Nguyên cho rằng: “Chúng ta cũng cần thẳng thắn nhìn nhận số HTX trung bình và yếu kém vẫn còn nhiều mà tính cạnh tranh của các HTX trong nền kinh tế thị trường còn thấp. Vai trò của HTX không thể thay thế nhưng ở nhiều nơi, trong nhiều lĩnh vực chưa được thể hiện rõ nét sẽ dẫn đến nguy cơ tụt hậu so với các thành phần kinh tế khác là rất lớn. Kinh tế tập thể tuy đặt ở vị trí quan trọng cùng với kinh tế Nhà nước, nhưng hiện tại đội ngũ cán bộ của HTX trên 60% chưa được đào tạo bài bản qua các trường lớp. Riêng thành phố Đà Nẵng, cán bộ có trình độ đại học, cao đẳng có cao hơn so với mặt bằng chung đạt trên 20%, trung cấp 40%. Song so với các DN thì vẫn còn rất thấp, người lao động hầu hết là nghèo khó, cơ sở vật chất, thiết bị lạc hậu, vì vậy khó khăn là điều không tránh khỏi”.
Khắc phục những tồn tại của mô hình HTX từ cơ chế bao cấp sang cơ chế thị trường, các HTX đã tự thân vận động để phát triển. HTX DV-SX-KD Tổng hợp Hòa Tiến 1 là một ví dụ. Để đi lên bền vững, Ban chủ nhiệm HTX đã tổ chức nhiều khâu dịch vụ phục vụ xã viên trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, liên kết với các đơn vị khuyến nông, viện khoa học nông nghiệp học tập những mô hình ứng dụng công nghệ mới.
Nhờ vậy, đã có nhiều mô hình kinh tế tập thể cho thu nhập 100 triệu đồng/ha, trồng rau an toàn, cây cảnh đạt 200 triệu đồng/ha. Không chỉ đa dạng các loại hình sản xuất, kinh doanh, HTX còn liên kết với các HTX, doanh nghiệp khác mở thêm ngành nghề như mây tre đan, gia công đan lưới nuôi ngọc trai, cơ khí sửa chữa, lắp đặt lò sấy lúa… Doanh thu nhờ đó tăng bình quân 30%/năm, đời sống xã viên ngày càng được cải thiện, tệ nạn xã hội bị đẩy lùi…
Thông qua những chính sách hỗ trợ của thành phố như đất đai, đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực, tài chính - tín dụng, khoa học - công nghệ, thông tin thị trường, kết cấu hạ tầng…, nhiều HTX của Đà Nẵng được xem là điển hình của sự vượt khó như HTX An Hải Đông, HTX DV hỗ trợ vận tải và xe du lịch, HTX Mây tre An Khê, HTX DV-SX-KD tổng hợp Hòa Cường.
Sự đi lên của các HTX đã trở thành động lực phát triển mới trong bối cảnh khu vực kinh tế tư nhân vốn ít nhiều bị “xem nhẹ”. Đến nay, sau những thăng trầm, HTX SX-TM-DV An Hải Đông tiếp tục củng cố các cửa hàng bán lẻ, đồng thời chuẩn bị kế hoạch mở rộng mạng lưới bán hàng, tăng sức cạnh tranh. Theo kế hoạch, đến năm 2015, HTX sẽ hoàn tất quy trình đầu tư khai thác chuỗi cửa hàng tiện lợi theo mô hình chợ thu nhỏ, phấn đấu là HTX có thương hiệu được người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn.
Theo đánh giá của các chuyên gia trong ngành, Đà Nẵng là địa phương có môi trường và điều kiện thuận lợi nhất định sẽ kéo sự phát triển của các HTX, tổ hợp tác ngày càng mở rộng về quy mô, có thể cạnh tranh tốt trong cơ chế thị trường như hiện nay.
Bài và ảnh: DUYÊN ANH