Đó là cách thức Nhà nước hỗ trợ một phần lãi suất cho chủ đầu tư vay vốn của các tổ chức tín dụng để đầu tư dự án, sau khi dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng và trả được nợ vay. Tuy nhiên, tại Đà Nẵng, hình thức này chưa được nhiều doanh nghiệp (DN), nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) có cơ hội tiếp cận.
Doanh nghiệp nhỏ và vừa Đà Nẵng tìm kiếm cơ hội đầu tư từ những đối tác nước ngoài. |
Áp lực vốn đè nặng
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố, tính đến đầu năm 2014, Đà Nẵng có trên 12.500 DNNVV (chiếm 98% tổng số DN đang hoạt động). Ngoài việc đóng góp vào phát triển GDP của thành phố, DNNVV tích cực góp phần giải quyết việc làm mới hằng năm hơn 90%. Điều này khẳng định đối tượng DN này đóng một vai trò quan trọng đối với sự tăng trưởng và phát triển bền vững của thành phố. Song thực trạng DNNVV năm 2014 vẫn đang đối mặt với trở ngại: không tiếp cận được vốn vay của ngân hàng, không còn tài sản để thế chấp, bảo đảm…
Trong khi điều kiện cho vay lại chặt chẽ, nhiều thủ tục, kể cả nghiệp vụ tín dụng của ngân hàng hiện nay cũng không chấp nhận các khoản vay thuộc loại tín dụng thương mại. Ông Lý Đình Quân, Tổng Giám đốc Công ty CP SQ Việt Nam nhìn nhận: “Do ảnh hưởng lớn từ dòng tiền dẫn đến việc thanh toán của DN với ngân hàng mang tính dây chuyền. Cam kết trả nợ của DN với ngân hàng không đúng thời hạn. Hầu hết các ngân hàng hạn chế phát triển cho vay tín chấp đối với DNNVV mà chỉ ưu tiên cho vay tín chấp đối với các DN có quy mô lớn, có thị trường và dòng tiền ổn định. Vì thế khả năng tiếp cận vốn của DNNVV hết sức khó khăn…”.
Qua đánh giá của Hiệp hội DNNVV, một số nhóm ngành công nghiệp - du lịch - dịch vụ có lợi nhuận tương đối, nhưng nhóm xây dựng - bất động sản - chế biến thủy sản, vận tải và một phần công nghiệp có lợi nhuận thấp hơn lãi suất, khiến cho tài sản của DN hao hụt, mất mát.
Điểm tựa cho DNNVV
Việc hỗ trợ lãi suất sau đầu tư đã được ban hành văn bản và triển khai cho các chủ đầu tư là DNNVV ở nhiều địa phương trong cả nước như Hà Nội, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Đồng Nai, Bạc Liêu... trong những năm gần đây. Tại Đà Nẵng, Quỹ Đầu tư và phát triển của thành phố chưa sử dụng hình thức hỗ trợ này và chỉ mới được sử dụng để hỗ trợ DN tại Ngân hàng Phát triển. Do đó, số DNNVV hưởng được sự hỗ trợ này còn quá ít. Chỉ ra những ưu điểm trên các bình diện hỗ trợ lãi suất sau đầu tư, ông Nguyễn Diễn, Phó Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Chi nhánh Đà Nẵng cho biết: Về phía DNNVV, một mặt sẽ giảm bớt được gánh nặng lãi suất tín dụng, mặt khác phát huy được tính sáng tạo, chủ động của DN trong tìm kiếm nguồn vốn; đồng thời gắn việc vay vốn với trách nhiệm sử dụng hiệu quả và trả nợ đúng hạn.
Về phía Nhà nước không đòi hỏi nguồn vốn lớn mà vẫn hỗ trợ được nhiều DNNVV; bên cạnh đó, không gặp rủi ro về tín dụng, không đòi hỏi thu hồi vốn, góp phần giảm bao cấp đầu tư. Còn về phía ngân hàng sẽ giúp tăng khách hàng và dư nợ tín dụng, tăng huy động vốn. Tuy nhiên, hạn chế trong hỗ trợ lãi suất sau đầu tư là do ngân hàng thực hiện nên chính quyền địa phương hầu như ít can thiệp được. Hơn nữa, nguồn quỹ có giới hạn lại không phân biệt quy mô DN nên chỉ những dự án nào Nhà nước khuyến khích mới được hỗ trợ. Thế nhưng, không ít DN quy mô nhỏ của thành phố tỏ ra nghi ngại khi nhắc đến thủ tục, hồ sơ…
Quyết liệt thực hiện chương trình “Năm Doanh nghiệp Đà Nẵng 2014”, chính quyền thành phố Đà Nẵng đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ các DN, trong đó có DNNVV. Cụ thể, tháng 4 vừa qua, Quỹ Bảo lãnh tín dụng DNNVV thành phố Đà Nẵng đi vào hoạt động đã ký kết biên bản ghi nhớ, phối hợp với 10 chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn tạo điều kiện thuận lợi nhất để DNNVV được bảo lãnh tín dụng với mức lãi suất thấp. Cùng với đó là mong muốn của DN về các hình thức hỗ trợ khác đối với các ngành nghề khuyến khích đầu tư. Qua đó, bằng nhiều nguồn kinh phí để thực hiện hỗ trợ cho các DNNVV giải quyết những áp lực về vốn vay nhằm tăng năng lực hoạt động trong thời gian tới.
Bài và ảnh: DUYÊN ANH