Ở Đà Nẵng, khu công nghiệp (KCN) tập trung đã có từ những năm 70 của thế kỷ XX, đó là KCN Hòa Khánh. Đến những năm 90, bắt đầu hình thành nhiều KCN tập trung, như KCN An Đồn (KCN Đà Nẵng), KCN Liên Chiểu, KCN Hòa Khánh mở rộng, KCN Hòa Cầm… So với cả nước, số lượng KCN ở Đà Nẵng khá lớn, nhưng xét về hiệu quả lại thấp, thể hiện cụ thể như sử dụng đất, giá trị suất đầu tư, giá trị sản phẩm, tay nghề lao động… Vậy làm gì để khắc phục những hạn chế này, đồng thời tìm ra mô hình khu công nghiệp mới hiệu quả hơn, góp phần vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa thành phố Đà Nẵng?
Tỷ lệ lấp đầy diện tích khu công nghiệp ở Đà Nẵng đạt cao nhưng hiệu quả sử dụng đất thấp. |
Bài 1: Hệ quả chạy theo mục tiêu lấp đầy diện tích
Thực hiện mục tiêu đầu tư phát triển sản xuất, nâng giá trị sản xuất công nghiệp, các KCN trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đều tập trung lấp đầy các dự án, khai thác triệt để quỹ đất. Điều này đã “thả cửa” cho doanh nghiệp (DN) đăng ký sử dụng đất nhưng sử dụng kém hiệu quả.
Hiện nay, Đà Nẵng có 6 KCN tập trung bao gồm: KCN Hòa Khánh, KCN Đà Nẵng, KCN Liên Chiểu, KCN Hòa Khánh mở rộng, KCN Hòa Cầm và KCN Dịch vụ thủy sản Đà Nẵng với tổng quy mô 1.055,13ha (diện tích đất có thể cho thuê 748,95ha). Ngoài ra, KCN Công nghệ cao đang đầu tư hạ tầng. Tỷ lệ lấp đầy diện tích đạt 83,74%. Đây là con số khá cao so với cả nước, nhưng hiệu quả sử dụng đất chưa cao.
Một thực trạng đang diễn ra tại các KCN là nhiều dự án triển khai cầm chừng, vốn đầu tư thực hiện thấp theo quy định trong giấy chứng nhận đầu tư. Nhiều dự án đã được giao đất sau thời gian dài chủ đầu tư không triển khai xây dựng và xây dựng không hết nhưng vẫn bỏ trống gây lãng phí, trong khi đó nhiều DN có nhu cầu nhưng lại không thể tiếp cận được vì lý do hết đất. Ban Quản lý các KCN và chế xuất cho biết, các KCN đã thu hút 396 dự án, trong đó có 306 dự án vốn đầu tư trong nước, với tổng vốn đầu tư là 12.276 tỷ đồng và 90 dự án có vốn đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư 937,284 triệu USD, thu hút trên 69.000 lao động. Qua kiểm tra, rà soát tình hình sử dụng đất ở các KCN, có 629,30ha đã được cho thuê, diện tích còn để trống 119,65ha, trong đó có 85,68ha hạ tầng, bao gồm KCN Đà Nẵng 5,47ha, KCN Dịch vụ thủy sản Đà Nẵng 2,91ha; KCN Hòa Cầm 17,7ha; KCN Hòa Khánh 5,93ha; KCN Hòa Khánh mở rộng 40,95ha; KCN Liên Chiểu 42,44ha.
Lắp ráp ô-tô tại Khu công nghiệp Hòa Khánh. |
Hệ số sử dụng đất thấp là hệ quả của một thời gian dài ưu tiên thúc đẩy phát triển công nghiệp và đặt tiêu chí “phải lấp đầy” các KCN trên địa bàn. Nhà đầu tư được tạo điều kiện tốt nhất để hoạt động và giao đất ngay cho kịp tiến độ đầu tư. Việc mời gọi nhiều dự án vào các KCN chỉ nhằm lấp đầy mà không kiểm soát tốt năng lực của nhà đầu tư. Đơn cử như KCN Hòa Khánh từng được xác định đã lấp đầy trên 90% diện tích đất quy hoạch sử dụng sản xuất, song trên thực tế có nhiều dự án chỉ đăng ký cho có tên mà không triển khai.
Cụ thể, Chi nhánh Công ty XNK Tổng hợp I tại Đà Nẵng, đầu tư dự án từ năm 2004 nhưng đến nay vẫn còn khoảng 5.000m2/15.000m2 chưa xây dựng để cỏ mọc um tùm. DN này còn cho Công ty TNHH Gỗ Toàn Cầu thuê lại toàn bộ nhà xưởng và diện tích đất với thời hạn thuê 10 năm, có thời hạn đến năm 2017. Nhiều dự án tại KCN có hàng chục ngàn mét vuông đã xây dựng tường rào, nhà bảo vệ, thậm chí nhà xưởng sản xuất nhưng đã ngừng thi công gần 4-5 năm như Công ty Dệt-may ITG Phong Phú.
Tại KCN Hòa Cầm, dự án Công ty CP An Lộc Phúc có diện tích đất 10.000m2, DN được cấp giấy chứng nhận đầu tư tháng 12-2009, chuyên sản xuất bao bì giấy carton, nhưng hiện nay vẫn bỏ trống. Ở KCN Liên Chiểu, dự án của Công ty TNHH Thịnh Phú có diện tích 7.000m2, DN được cấp giấy chứng nhận đầu tư tháng 6-2005, nhưng sau khi xây dựng với mật độ 40% thì đến tháng 7-2012 DN đã ngừng hoạt động. Công ty TNHH Cáp điện Việt Á (KCN Liên Chiểu) sử dụng 100.000m2 từ tháng 10-2004, đến nay mới xây nhà xưởng có diện tích 30.000m2 trên phần diện tích khoảng 60.000m2, hiện còn bỏ trống 40.000m2...
Như vậy, hiện nay diện tích còn lại tại các KCN rất ít. Cụ thể như KCN Dịch vụ thủy sản Đà Nẵng 3,22ha, KCN Hòa Khánh 4,07ha…; thậm chí KCN Đà Nẵng không còn ha nào. Để khai thác quỹ đất trong bối cảnh diện tích đất còn rất ít, gần đây UBND thành phố có chủ trương thu hồi diện tích đất, sắp xếp lại sản xuất trong các KCN và giao cho Ban quản lý các KCN và chế xuất Đà Nẵng (BQL) triển khai thực hiện. Đây là hướng mở để các KCN tổ chức lại hoạt động nhằm khai thác hiệu quả diện tích đã quy hoạch. Theo đó, trong quý 1-2014, BQL đã đề xuất 4 DN thuê đất trong KCN như Công ty TNHH Hải Lâm, Công ty CP Nhôm kính Nam Ân, Công ty CP Thiên Nam, Công ty TNHH Cường Tiến Minh, mỗi DN được thuê 5.000m2 đất để xây dựng cơ sở sản xuất.
(Còn nữa)
Bài và ảnh: Triệu Tùng