Tại “Diễn đàn kinh tế miền Trung 2014”, một số doanh nhân (DN), chuyên gia đã đưa ra những ý kiến, đánh giá, trao đổi góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế miền Trung. Phóng viên Báo Đà Nẵng ghi nhận những ý kiến đóng góp quan trọng này.
TS. Vũ Như Thăng, Viện Chiến lược và chính sách tài chính: Nâng cao năng lực tài khóa của chính quyền địa phương
Mặc dù có nhiều tiềm năng và lợi thế, nhưng các tỉnh duyên hải miền Trung chưa khai thác được các lợi thế của mình, dẫn đến thu ngân sách địa phương còn hạn chế. Trong số 9 tỉnh, thành phố trong vùng, chỉ có Đà Nẵng, Quảng Ngãi và Khánh Hòa đã tự cân đối được ngân sách và có điều tiết về Trung ương. Các tỉnh còn lại phải nhận bổ sung cân đối từ Trung ương với mức bổ sung khoảng 33% tổng chi ngân sách địa phương.
Bên cạnh đó, khả năng huy động vốn của chính quyền địa phương tương đối thấp, cộng với việc chính quyền chưa tạo được uy tín trên thị trường tài chính dẫn tới việc huy động vốn đầu tư thông qua phát hành trái phiếu hạn chế. Để nâng cao năng lực tài khóa cho địa phương, tôi nghĩ cần phải mở rộng khả năng huy động vốn của chính quyền.
Cần nghiên cứu sửa đổi tỷ lệ điều tiết giữa ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương đối với một số khoản thu liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh như thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng; nghiên cứu quy định việc điều tiết phần giá trị tăng thêm từ đất mà không do đầu tư của người sử dụng đất để mang lại nguồn thu cho địa phương…
TS. Vũ Đình Ánh, Chuyên gia kinh tế: Đẩy mạnh hỗ trợ tiếp cận tín dụng đối với khu vực tư nhân
Rào cản lớn nhất của các doanh nghiệp tư nhân là thiếu tài sản bảo đảm, tài sản thế chấp đủ điều kiện tiếp cận tín dụng. Trong khi chờ đợi các quy định mới về cho vay không cần tài sản bảo đảm, điều kiện tiếp cận tín dụng, về tín chấp để tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng thì giải pháp phát triển Quỹ bảo lãnh tín dụng là điều kiện cho không ít doanh nghiệp vượt qua trở ngại về tài sản, bảo đảm tiền vay.
Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung nên đi đầu trong tạo điều kiện phát triển Quỹ bảo lãnh tín dụng cả về quy mô, phạm vi hoạt động cũng như giảm gánh nặng về phí bảo lãnh cho các doanh nghiệp trên địa bàn. Bên cạnh đó, có thể xem xét lập Trung tâm dịch vụ tín dụng thực hiện chức năng cầu nối giữa doanh nghiệp với tổ chức tín dụng thông qua các hoạt động tuyên truyền, phổ biến thông tin về tín dụng, hướng dẫn và hỗ trợ doanh nghiệp lập hồ sơ vay vốn tín dụng, giúp đỡ doanh nghiệp tiếp cận với tổ chức tín dụng vừa có thể đóng vai trò giám sát hoạt động tín dụng trên địa bàn.
Ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen: Quan tâm đầu tư vào miền Trung
Trong chiến lược mở rộng hệ thống phân phối, tôi luôn quan tâm đến việc xây dựng chi nhánh tại các tỉnh miền Trung. Trong 2 năm tới (6-2014 - 6-2016), chúng tôi có kế hoạch mở rộng hệ thống phân phối tối thiểu 100 chi nhánh trên khắp cả nước, trong đó miền Trung sẽ là một trong những khu vực trọng tâm để thúc đẩy và khai thác tốt hơn thị trường ở đây. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng sẽ tiếp tục đầu tư nâng cao năng lực sản xuất.
Tập đoàn quyết định đầu tư 2 dự án mới ở khu vực miền Trung là dự án Nhà máy ống thép Hoa Sen tại Bình Định và Nhà máy tôn Hoa Sen tại Nghệ An. Một trong những lý do quan trọng chúng tôi quyết định đầu tư mới 2 nhà máy ở khu vực miền Trung là cùng với hệ thống hạ tầng giao thông đang trên đà hoàn thiện, hệ thống các khu kinh tế thu hút đầu tư, tiềm năng mở rộng thị trường ở khu vực này lớn.
Ngoài ra, trong quá trình tìm kiếm địa điểm đầu tư, chúng tôi đã nhận được sự quan tâm và hỗ trợ nhiệt tình của lãnh đạo các tỉnh miền Trung và có những thuận tiện về thủ tục đầu tư, chính sách ưu đãi. Đó chính là những nhân tố quan trọng để chúng tôi nhanh chóng triển khai các dự án ở miền Trung.
T. HÀ - X. DUYÊN ghi