.

Miền Trung: Khai thác lợi thế kinh tế biển

.

ĐNĐT - Tại Diễn đàn Kinh tế miền Trung diễn ra hôm 15-8, hầu hết các chuyên gia đầu ngành đều nhận định: Kinh tế biển là thế mạnh của nước ta trong quá trình cạnh tranh và hội nhập. Trong đó, vùng duyên hải miền Trung được xem là địa bàn có lợi thế nhất dù luôn phải gánh chịu điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt… Nơi đây cần được xem là vùng trọng điểm để Chính phủ triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về kinh tế biển.

Phát triển kinh tế biển
Là “mặt tiền” của Việt Nam nhìn ra Biển Đông, các tỉnh duyên hải miền Trung có ưu thế rất quan trọng về kinh tế biển (Ảnh minh họa).

Chưa phát huy thế mạnh của biển

Nhận định về biển miền Trung với lối hài hước, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Vũ Ngọc Hoàng nói: “Miền Trung có lợi thế về biển nhưng lâu nay vẫn chưa ra biển mà chỉ mới quơ lượm gần bờ, chưa khai thác giá trị sản phẩm cao xa bờ. Không những chưa ra biển, mà nhiều việc tôi thấy chúng ta còn quay lưng lại với biển. Lợi thế về vị trí địa lý kinh tế đấy nhưng hoạt động trung chuyển hàng hải và hàng không đều không có. Đó chính là ta không khai thác thế mạnh mà lao vào cái khó của miền Trung. Việc cơ cấu kinh tế không đúng đó sẽ kéo theo những nguy cơ đối với Biển Đông, trong khía cạnh nào đó cần nhanh chóng phát triển nếu không sẽ bị ăn hiếp…”.

Trong cái nhìn khác, PGS.TS.Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng: Miền Trung chọn biển, chọn đại dương làm lối thoát hiện đại cho mình. Sự lựa chọn đó rõ ràng là đúng đắn về mặt thời đại, đồng thời phù hợp với sứ mệnh lịch sử Tổ quốc giao.

Đơn cử lĩnh vực hoạt động khai thác biển - đại dương của vùng duyên hải miền Trung, ông Thiên phân tích: Việc phát triển câu cá ngừ đại dương bằng công nghệ cao với sự hỗ trợ của Nhật Bản, theo định hướng hội nhập quốc tế, là một cách diễn đạt tuyệt vời cho sự đúng đắn và phù hợp. Dù chỉ là khai thác với tư cách là “ngành nông nghiệp” (chưa phải khai thác tài nguyên biển theo lối công nghiệp), cần những năng lực mới và phương thức hoạt động mới. Điều này miền Trung đang rất thiếu.

Thử nhìn từ góc độ đơn giản nhất: Số lượng tàu thuyền đủ lực vươn khơi và bám biển dài ngày, các cơ sở hậu cần nghề biển đủ mạnh để hỗ trợ ngư dân bám biển đạt hiệu quả khai thác cao, tăng sức mạnh bảo vệ chủ quyền biển đảo, cho đến nay cũng chỉ mới xuất hiện trong ý tưởng hay cao hơn là những đề xuất lên cấp trên…

Trong vai trò là Trưởng nhóm tư vấn hợp tác phát triển vùng duyên hải miền Trung, ông Trần Du Lịch thừa nhận các điểm hạn chế của khu vực này do xuất phát điểm nền kinh tế của các địa phương thấp, tích lũy đầu tư nhỏ, hiệu quả đầu tư chưa cao. Tiềm năng, thế mạnh khá tương đồng, các ngành kinh tế chủ lực tại các khu kinh tế, khu công nghiệp của các địa phương có sự trùng lặp nên địa phương nào cũng bị phân tán nguồn lực đầu tư. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp ở miền Trung chỉ mới tham gia vào một số công đoạn của mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu, chưa có nhiều sản phẩm chủ lực có thương hiệu tầm cỡ quốc gia và quốc tế.

Ngoài ra, theo ông Lịch, cần xem vùng duyên hải miền Trung là địa bàn trọng điểm để thực hiện chiến lược kinh tế biển của nước ta. Trong đó, tập trung vào 3 nhóm ngành kinh tế chính: Ngư nghiệp (đánh bắt và chế biến hải sản); du lịch biển đảo (gắn với du lịch văn hóa lịch sử) và khu kinh tế ven biển (gắn với ưu thế về cảng biển).

Đưa các nội dung trên thành những chương trình quốc gia để phát triển với lộ trình cụ thể từ nay đến năm 2020 và tầm nhìn 2030. Các tỉnh, thành miền Trung nào cũng có thế mạnh về du lịch biển nhưng muốn tạo ra sự khác biệt cần phải phát triển du lịch biển, đảo gắn liền với lịch sử văn hóa từng địa phương.

Hướng đi nào cho kinh tế biển miền Trung?

GS-TSKH. Võ Đại Lược, Giám đốc Trung tâm Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương, đưa ra đề xuất mang tính đột phá.

Theo ông, Trung ương nên cho phép Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung có một số quy chế đặc thù vượt trội so với cả nước. Cụ thể, đất đai, các vịnh, cảng biển, bãi tắm… miền Trung là những tài sản quý giá nhất và nên sử dụng theo hướng mở cửa. Các tỉnh miền Trung có thể phát triển đô thị theo hướng xây dựng các đô thị hiện đại, thu hút các nguồn lực trong và ngoài nước.

Để thực hiện được định hướng phát triển này cần có một số chính sách như: cho phép người nước ngoài được mua các biệt thự cao cấp có giá trị từ vài triệu USD trở lên; cho phép một số nhà đầu tư nước ngoài có chọn lọc liên doanh hoặc thuê dài hạn (70 năm) các hòn đảo ven biển để phát triển các dịch vụ cao cấp.

Ông nói: “Những người nước ngoài có tiền mua những biệt thự này vào đây sinh sống, nghỉ dưỡng, họ sẽ tìm cách kinh doanh tại đây. Đó cũng chính là chính sách thu hút nhân tài từ nước ngoài. Ở đây, Nhà nước phải nắm quyền quy hoạch, xác định rõ những địa điểm có thể cho người nước ngoài sinh sống. Đồng thời, phải có chính sách quản lý thông thoáng, phù hợp với họ nhưng Việt Nam vẫn kiểm soát được”.

Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Thân Đức Nam khẳng định nhiều năm qua, Trung ương đã chủ trương phát triển kinh tế biển và các địa phương trong vùng, định hướng, thu hút đầu tư vào các lĩnh vực trên nhưng do sự thiếu liên kết và thiếu đầu tư đồng bộ nên chưa tạo được đột phá để phát triển.

“Tôi cho rằng sự chủ động liên kết, hợp tác giữa các địa phương là cần thiết nhưng cần có cơ chế và chính sách chung của Chính phủ, đặc biệt đầu tư cơ sở hạ tầng có trọng điểm, phục vụ cho từng lĩnh vực cụ thể. Ví dụ, nếu đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi được tập trung đầu tư để hoàn thành sớm thì sẽ tạo sự đột phá cho Khu Kinh tế Chu Lai và Dung Quất phát triển. Nếu khu vực duyên hải miền Trung xây dựng được một trung tâm hậu cần nghề cá phục vụ cho đánh bắt và chế biến, thương mại hải sản thì ngành ngư nghiệp cũng sẽ thay đổi”, ông Nam nói.

GS-TS. Vương Đình Huệ, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, một lần nữa cũng nhấn mạnh trong kết luận Diễn đàn: Miền Trung có vai trò chiến lược trong việc xây dựng và bảo vệ đất nước, bởi trong bối cảnh thực hiện chiến lược kinh tế biển và tình hình căng thẳng ở Biển Đông tác động trực tiếp đến xã hội của chúng ta, trong đó miền Trung bị ảnh hưởng trực tiếp. Cho nên vấn đề phát triển mạnh kinh tế biển, đảo, nhất là cảng biển, vận tải biển, đóng và sửa chữa tàu biển, các dịch vụ hậu cần, du lịch, dầu khí, khai thác hải sản xa bờ… gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo và bảo đảm an ninh, an toàn trên biển là một trong những nhiệm quan trọng của Trung ương và các địa phương.

Duyên Anh - Thu Hà

;
.
.
.
.
.