Những ngày thực tế tại ngư trường Hoàng Sa và vùng biển duyên hải miền Trung, chúng tôi mới thấy được tầm quan trọng của ngành dịch vụ hậu cần nghề cá trên biển. Vì vậy, cần phải có định hướng lâu dài và đầu tư bài bản để dịch vụ này hướng tới chuyên nghiệp, hiện đại, đáp ứng yêu cầu sản xuất của ngư dân, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Chuyển cá sang tàu hậu cần và chuyển đá từ tàu hậu cần sang tàu đánh cá trên vùng biển Hoàng Sa. Ảnh: NGỌC PHÚ |
Sau một tuần ngược xuôi qua nhiều nơi, tôi cũng kiếm được một chân phục vụ trên tàu ĐNa 90444 - tàu dịch vụ hậu cần lớn nhất miền Trung - có công suất 1.295CV của ngư dân Lê Văn Sang (phường Thuận Phước, quận Hải Châu, Đà Nẵng). Chuyến đi đã giúp chúng tôi hiểu được tầm quan trọng của ngành dịch vụ hậu cần nghề cá trong những chuyến biển xa.
Sớm tinh mơ ngày 30-7, 8 thuyền viên tàu ĐNa 90444 bắt đầu làm công việc vận chuyển đá, dầu, lương thực thực phẩm, nước uống… lên tàu. 1.000 cây đá được các thuyền viên phân ra, trong đó hơn 1 nửa được xay vụn đổ vào các hộc đá. Hơn 10 thùng phuy nước ngọt được bơm đầy, 50kg thịt heo, 30 con gà được làm sẵn, hơn 5.000 lít dầu, 30 két bia, nước ngọt và nhiều vật dụng khác được các thuyền viên chuyển lên tàu một cách nhanh gọn. Tổng giá trị chuyến đi ước khoảng hơn 200 triệu đồng.
12 giờ, thuyền trưởng Lê Khánh (em trai Lê Văn Sang) cho tàu rời cảng tiến ra vịnh Đà Nẵng. Trời cuối tháng 7, gió nhẹ, mặt biển phẳng lặng, con tàu chạy với vận tốc 9,6 hải lý/giờ. Bán đảo Sơn Trà dần khuất, trước mặt là biển xanh mênh mông. Dưới dòng nước xanh mát, những chú cá chuồn bay lượn như đùa giỡn với con thuyền đang lao đi vun vút. Các thuyền viên tranh thủ nghỉ ngơi sau gần 6 tiếng đồng hồ làm việc vất vả.
Đúng 2 giờ sáng ngày 31-7, tàu hậu cần ra khu vực ngư trường Hoàng Sa (cách Đà Nẵng chừng 140 hải lý). Các tàu cá miền Trung đang hối hả đánh bắt. Thuyền trưởng Lê Khánh cho tàu hướng ra khu vực biển thuộc duyên hải miền Trung. Tại đây, tàu hậu cần liên lạc với tàu QB 91557 của anh Mai Tiến Văn (ngư dân Quảng Bình). Qua bộ đàm, anh Văn cho biết vừa mới cất mẻ lưới được 5 tấn cá nục. Lê Khánh nhanh chóng cập tàu bên mạn tàu của anh Văn và thương lượng giá cả. Cuộc thương lượng diễn ra nhanh vì thuận mua vừa bán. 22 thuyền viên của anh Văn cùng 8 thuyền viên của tàu hậu cần khẩn trương bốc cá.
Chuyển cá sang tàu dịch vụ hậu cần. |
Từng khay cá nặng hơn 10kg đều đặn được các thuyền viên tàu QB 91557 chuyển qua tàu hậu cần cho xuống các hộc cách đông. Phía tàu hậu cần cũng chuyển từng khay đá nặng trên 10kg qua tàu cá, hình thành một phiên chợ di động sôi nổi ngay giữa biển khơi. Phía sau tàu, 3 thuyền viên khẩn trương bơm nước ngọt từ tàu hậu cần sang tàu cá. 3 két bia, 10kg thịt heo, 2 bó rau, gần 300 lít dầu cũng được tàu hậu cần cung cấp cho tàu anh Văn.
Thuyền trưởng Mai Tiến Văn đứng trên boong lái chỉ đạo các thuyền viên làm việc với giọng hết sức ôn tồn: “Các chú làm nhẹ nhàng kẻo cá bị trầy xước, chú Khánh bán mất giá là ổng bắt đền đó!”. Anh Văn cho biết, suốt 10 ngày qua, ngày nào anh cũng bán cho tàu hậu cần. Có mẻ lưới bán 10 triệu đồng, có mẻ trúng đậm bán được150 triệu đồng.
Phiên chợ đầu tiên trên biển diễn ra rất nhanh. Tàu hậu cần tiếp tục lên đường đi mua hàng. Chạy chừng 50 hải lý, qua bộ đàm, giọng một chủ tàu người Quảng Bình vang lên: “Alô! Khánh hả, tàu đến đâu rồi? Bên ni cần 100 cây đá và một số nước ngọt, dầu”. Lê Khánh nhanh chóng cho tàu tiến ra biên độ 17 (vùng biển Quảng Trị, Quảng Bình). Tàu hậu cần gặp tàu cá của anh Trương Kiều Hưng (35 tuổi, quê Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình, chủ tàu QB 91766). Sau khi đổi hàng cho nhau, tàu hậu cần của Lê Khánh tiếp tục ra vùng biển giáp giữa Việt Nam và Trung Quốc (khu vực đảo Hải Nam). Lúc đó trời đã tắt nắng, màn đêm bắt đầu bao phủ.
Tàu hậu cần tiếp tục tiến thêm 30 hải lý. Ở khu vực gần đảo Hải Nam, hàng chục tàu cá Quảng Bình đang hoạt động khai thác nghề lưới vây trên vùng biển Việt Nam. Vào mùa cá nục nên tàu nào cũng trúng đậm, cần bán ngay để tiếp tục những đêm biển còn lại trước mùa trăng. Thuyền trưởng Lê Khánh nhận được nhiều lời đề nghị đến mua hải sản và cung cấp dịch vụ. Tàu QB 91136 của anh Mai Văn Thụ (38 tuổi, Đồng Hới, Quảng Bình) vừa mới cất mẻ lưới đêm lên được 2 tấn liền bán cho tàu Lê Khánh...
Trời về khuya, sau hơn một ngày, thu mua khoảng 10 tấn hải sản, tàu thả dù nghỉ ngơi. Ban đêm, tàu làm nghề lưới vây chong đèn khiến cả vùng biển sáng trưng. Vì tàu đang ở vùng giáp biển Trung Quốc nên thuyền trưởng Lê Khánh dặn dò các thuyền viên phải thay phiên nhau để trực. Nửa đêm, phát hiện ánh đèn pha, các thuyền viên nhanh chóng vùng dậy cho nổ máy bởi sợ tàu “lạ” tấn công…
Trong suốt ba ngày ở trên vùng biển Hoàng Sa và vùng biển thuộc khu vực duyên hải miền Trung, tàu hậu cần đã mua và trao đổi hàng hóa với 10 lượt tàu đánh cá, chở về đất liền hơn 20 tấn cá nục. Thuyền trưởng Lê Khánh hối hả cho tàu trở về đất liền để bán cá, chuẩn bị cho chuyến biển mới trước khi nghỉ mùa trăng tháng 7 (âm lịch)…
Bài và ảnh: NGỌC PHÚ
(Còn nữa)