.
Đầu tư dịch vụ hậu cần nghề cá

Bài 2: Lợi cả đôi đường

.

Được cung cấp dịch vụ, được thu mua hải sản trực tiếp trên biển, ngư dân đánh bắt xa bờ yên tâm bám biển dài ngày sản xuất, kết hợp bảo vệ chủ quyền.

Chuyển cá từ lưới lên tàu.
Chuyển cá từ lưới lên tàu.

Tôi làm ngư dân

Tối 1-8, sau khi bán xong mẻ cá cho tàu hậu cần, tàu QB 91694 của anh Mai Xuân Tùng thả dù tranh thủ nghỉ ngơi để chuẩn bị cho mẻ lưới đêm, tôi xin làm một chân ngư dân không chuyên trên tàu. Đúng 21 giờ, thuyền trưởng Tùng lệnh cho thuyền viên tên Hải bật hai giàn bóng điện cao áp sáng choang để dụ cá kéo đến.  

Đúng 23 giờ, qua ánh đèn pha, phát hiện đàn cá nục đông đặc đang bơi lượn dưới nước, thuyền trưởng Mai Xuân Tùng lệnh cho toàn tàu chuẩn bị lưới cụ để đánh bắt.

Lúc này, lưới bắt đầu thả xuống, thuyền trưởng cho tàu chạy chầm chậm. Dưới mặt biển, hàng trăm chiếc phao màu trắng, vàng nổi bập bềnh như ngăn không cho dòng cá nục vượt qua. Trên tàu, những đôi tay của các thuyền viên nhẹ nhàng nâng từng mét lưới, khuôn mặt ai cũng căng thẳng. Thuyền viên Mai Văn Sơn bộc bạch, làm biển cả chục năm rồi, đã thả và cất hàng nghìn mẻ lưới nhưng mỗi lần cất lên đều có cảm giác hồi hộp, hớn hở pha lẫn lo âu.

Sau hơn 1 giờ, 20 thuyền viên kết hợp với máy tời kéo lưới vào gần mạn thuyền. Những con cá nục trắng xanh bị lưới dồn ép nên tìm cách thoát thân. Thuyền trưởng Tùng cử một thuyền viên khác bơi thuyền thúng xuống nâng một số lưới cho lên trên thúng để hạn chế cá nhảy ra ngoài. Hơn 20 người, cùng với 3 tấn lưới dồn về phía mạn phải khiến con tàu nghiêng hẳn một bên. Tôi hốt hoảng, cứ ngỡ tàu sắp lật. Thuyền trưởng Tùng cười trấn an: “Không sao đâu. Nhìn vậy chứ an toàn lắm!”. Trong ánh sáng đèn, nhìn xuống đáy lưới, cơ man là cá nục, ước đoán phải đến 5 tấn.

Khi mẻ cá cuối cùng được kéo lên boong, ngay lập tức, tàu hậu cần ghé sát bốc cá. Tổng cộng mẻ cá này hơn 500 de (tức khay đựng cá) tương đương 5 tấn, bán với giá hơn 55 triệu đồng. “Đây là mẻ cá bình thường. Bởi mùa này là mùa cá nục, có nhiều đêm trúng đậm, mỗi mẻ có thể lên đến 15-20 tấn cá, tương đương 150-200 triệu đồng”, thuyền trưởng Tùng cho biết. Mẻ cá bán xong, thuyền trưởng Tùng cho tàu tiếp tục chạy cách nơi đánh cũ khoảng 1 hải lý. Anh cho biết, đi “đánh cá thuê” cho tàu “đồng nghiệp” và ăn chia theo 7-3 (tức là người đánh được 7 phần, người chong đèn được 3 phần). Đến 5 giờ sáng, mẻ cá thứ 2 của tàu anh Tùng kéo lên được 120 de (tương đương với 1,2 tấn). Anh Tùng chia cho tàu bạn gần 4 tạ, phần còn lại đem bán cho tàu dịch vụ hậu cần…

Ít phí tổn, bám biển dài ngày

Gần 30 năm tung hoành hầu hết các ngư trường từ Hoàng Sa, Trường Sa, duyên hải miền Trung, đến vịnh Bắc Bộ, thuyền trưởng tàu QB 91557 Mai Tiến Văn thấu hiểu những nỗi vất vả của người làm nghề biển. Không chỉ đối mặt với sóng gió, sự tấn công, truy đuổi của tàu lạ, những ngư dân như anh còn phải đối mặt với giá cả hải sản, giá cả nhiên liệu. Theo anh tâm sự, trước đây, rong ruổi trên từng hải lý, ước mơ lớn nhất là đánh cá và bán ngay tại biển để đất liền có những con cá tươi ngon nhất. Và điều ước đó nay trở thành hiện thực khi cách đây 4 năm, anh chuyển đổi từ nghề giã cào sang lưới vây và kết nối với tàu dịch vụ hậu cần Đà Nẵng. Những sản phẩm của anh đánh ra đều được tàu thu mua từ ngoài biển.

Chuyến biển tháng 6 (âm lịch), anh ra khơi hôm 22-6 cùng với 22 thuyền viên, đánh bắt tại ngư trường duyên hải miền Trung. Trước mỗi chuyến ra khơi, anh thường liên lạc với tàu dịch vụ hậu cần của Lê Văn Sang để hỗ trợ các nhu cầu cần thiết về lương thực, thực phẩm và hợp đồng bán cá vào mỗi buổi sáng. Do đó, trong vòng 10 ngày, tàu anh Mai Tiến Văn đã bán cho tàu dịch vụ hậu cần được 10 lần, với tổng số tiền thu được trên 500 triệu đồng. “Giá cả thấp hơn so với bán ở đất liền là điều hiển nhiên, song chúng tôi được lợi rất nhiều. Trong đó, đặc biệt giảm phí tổn hàng chục triệu đồng/chuyến; đồng thời sẽ tăng được vài đêm biển của mình, mà mỗi đêm trời thương cũng kiếm cả trăm triệu đồng”, anh Văn khẳng định.

Anh Văn dẫn chứng, nếu đánh ở ngư trường Hoàng Sa mà chạy đi chạy về tận Quảng Bình, mỗi chuyến mất cả trăm triệu đồng tiền dầu. Chưa kể vào bờ còn bị ép giá, bán cũng khổ, không bán cũng khổ; rồi lao động phải hì hục làm đá, bưng bê lương thực, thực phẩm thì không thể còn đủ sức để đi biển tiếp. “Trước đây, tôi thường đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa. Vào mùa cá nước nổi thì thường xuyên trúng đậm. Có những chuyến đi biển chỉ vài đêm là đầy tàu nên phải chở về đất liền để bán. Từ Hoàng Sa đến Quảng Bình quãng đường vài trăm hải lý, tiêu tốn vài nghìn lít dầu. Lời lãi mỗi chuyến biển vì thế không nhiều. Còn bây giờ, mình làm mẻ lưới nào, bán ngay mẻ lưới đó cho tàu hậu cần. Cá đánh bắt tươi, tiền cầm tay cũng “tươi”, cả chủ và thuyền viên đều vui. Ngoài ra, khi cần có những nhu cầu gì về thức ăn, nước uống, thậm chí thuốc men đều có tàu hậu cần lo hết”, thuyền trưởng Văn hồ hởi.

Không những lợi phí tổn, thêm được chuyến biển và kiếm thêm được nhiều tiền, mà điều quan trọng là ngư dân có thêm thời gian bám biển, giữ biển trước sự rình rập của tàu Trung Quốc. Trong tổ đội đánh bắt của anh Mai Tiến Văn, 4 thành viên khác cũng bám biển dài ngày nhờ vào tàu dịch vụ hậu cần nghề cá. Thuyền trưởng tàu QB 91694 Nguyễn Xuân Tùng tâm sự. “Trước đây, mỗi chuyến ra khơi có thời gian 4-7 ngày rồi trở về đất liền để bán cá nhưng nay tôi đi gần 20 ngày rồi vẫn chưa muốn rời biển. Mình đánh mẻ nào, tàu hậu cần đến thu mua mẻ đó, nên chúng tôi có thêm nhiều thời gian bám biển, bảo vệ biển đảo của mình”.

Anh Tùng cho biết, trước đây muốn ở lại với biển dài ngày cũng rất khó. Bởi con tàu nhỏ, chỉ chở được số lượng rất ít. Đồng thời, các nhu yếu phẩm cần thiết cũng không thể một lúc đem theo nhiều. Do đó, các chuyến biển chỉ ngắn ngày, thu nhập đem lại không được bao nhiêu. Gần 4 năm nay, anh kết nối được với các tàu làm nghề hậu cần. “Hai bên kết hợp làm ăn, bởi tàu hậu cần thì cần phải có cá đem về đất liền, còn tàu đánh bắt thì cần phải có nhiên liệu, thực phẩm để bám biển dài ngày. Từ khi kết nối với tàu hậu cần, tôi cũng như các thành viên trong tổ đánh bắt làm ăn khấm khá hơn, có tinh thần, trách nhiệm hơn với biển, đảo của mình”, Nguyễn Xuân Tùng bộc bạch.

Trong khi đó, thuyền trưởng tàu QB 91136 Mai Văn Thụ ra khơi ngày 20-6 (âm lịch), lẽ ra trở về đất liền từ ngày 27-6 (âm lịch) vì tàu trúng nhiều cá nục. Thế nhưng, anh được tàu dịch vụ hậu cần thu mua hết sản phẩm hằng ngày nên anh quyết tâm bám biển. 10 lần bán cá trên biển, tàu anh tổng thu hơn 600 triệu đồng. “Biển mình giàu lắm, nhiều tôm cá. Nay có điều kiện, ngư dân chúng tôi phải bám biển dài ngày để giữ biển”, thuyền trưởng Thụ nói trong niềm tự hào.

Bài và ảnh: NGỌC PHÚ

;
.
.
.
.
.