.

Phát huy sức mạnh miền Trung

.

* Cần chính sách tài chính phù hợp

Ngày 15-8, tại Đà Nẵng, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì và phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn Kinh tế miền Trung với chủ đề “Giải pháp phát huy sức mạnh miền Trung trong giai đoạn mới” do Ban Kinh tế Trung ương, Thời báo Kinh tế Việt Nam phối hợp tổ chức.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại diễn đàn. 					            Ảnh:  TTXVN
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: TTXVN

Tham dự còn có lãnh đạo bộ, ngành Trung ương và 9 tỉnh, thành phố duyên hải miền Trung, các chuyên gia kinh tế đầu ngành và 300 doanh nghiệp trong nước…; về phía lãnh đạo thành phố Đà Nẵng có Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Trần Thọ; Phó Chủ tịch UBND thành phố Phùng Tấn Viết.

Chú trọng giải pháp phát triển kinh tế biển

Phát biểu tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Vùng duyên hải miền Trung có vị trí địa lý, kinh tế, chính trị, chiến lược quan trọng của quốc gia, là cửa ngõ hướng ra Biển Đông trong giao thương với khu vực và thế giới. Tuy nhiên, vùng duyên hải miền Trung vẫn là khu vực kinh tế kém phát triển, hạ tầng lạc hậu, thiếu đồng bộ, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn. Đặc biệt, những diễn biến mới trên toàn cầu, mà gần đây nhất là sự nổi lên của Trung Quốc với những tranh chấp, xâm phạm chủ quyền biển đảo của Việt Nam, là thách thức lớn trong sự phát triển kinh tế-xã hội, nhất là kinh tế biển, và sự bảo đảm quốc phòng-an ninh trên phạm vi cả nước nói chung và đối với vùng duyên hải miền Trung nói riêng.

Để thực hiện mục tiêu đặt ra trong quy hoạch vùng, Phó Thủ tướng đề nghị cần làm rõ các tiềm năng, thế mạnh của vùng, của từng địa phương, những khó khăn, thách thức trong phát triển kinh tế-xã hội, phát triển kinh tế biển; từ đó hoàn thiện quy hoạch địa phương gắn với quy hoạch kinh tế vùng, tăng cường kết nối hạ tầng, tạo sự kết nối chặt chẽ về không gian kinh tế, nhất là liên kết hạ tầng dùng chung, liên kết phát triển du lịch; huy động nguồn tài chính với kế hoạch thực hiện cụ thể chọn thứ tự ưu tiên đầu tư trong kế hoạch trung hạn; cần tìm hướng đào tạo nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu phát triển, nhất là nhân lực chất lượng cao.

Phó Thủ tướng yêu cầu: Xác định rõ vai trò, sự tham gia của chính quyền các cấp, khu vực tư nhân, cộng đồng dân cư, của các đối tác phát triển, trên cơ sở đó xây dựng thực thi các chính sách một cách minh bạch, rõ ràng, bảo đảm sự tham gia của các chủ thể trong quá trình phát triển bền vững kinh tế-xã hội của Vùng; các tác động ngày càng gia tăng của biến đổi khí hậu, thiên tai, lũ lụt, suy thoái rừng đầu nguồn. Trong đó, đặc biệt chú trọng tìm những giải pháp phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng-an ninh, phát triển kết cấu hạ tầng, kỹ thuật… đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Tăng liên kết, phát triển thế mạnh của vùng

Đặt vấn đề cần thiết phải liên kết vùng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ cho rằng, quá trình phát triển miền Trung vừa qua cho thấy, nếu chỉ dựa vào “lợi thế tĩnh” về điều kiện tự nhiên mỗi địa phương để thực hiện chính sách ưu đãi kêu gọi đầu tư, thiếu sự liên kết để tạo ra “lợi thế động” nhằm tối ưu hóa nguồn lực hữu hạn thì khó có thể đẩy mạnh phát triển và nâng cao sức cạnh tranh toàn vùng.

Tại diễn đàn, lãnh đạo các tỉnh, thành phố miền Trung nhất trí xây dựng một không gian thống nhất trên quan điểm phát triển thế mạnh địa phương trong tổng thể vùng. Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Phùng Tấn Viết khẳng định: Đà Nẵng tiếp tục phát huy vai trò động lực phát triển của cả vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Đà Nẵng tích cực triển khai thực hiện các cam kết đã ký với các địa phương trong vùng về hợp tác, liên doanh, liên kết phát triển, hướng đến xây dựng một không gian kinh tế thống nhất trong toàn vùng; hỗ trợ toàn vùng trên cơ sở phát huy thế mạnh đặc thù của nhau để cùng phát triển, các bên cùng có lợi.

Nhìn nhận lợi thế so sánh của từng địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Lê Viết Chữ bày tỏ: “Chúng tôi xem việc liên kết vùng là một trong những nội dung quan trọng, tạo sức mạnh chung để từ đó các địa phương phát huy lợi thế của mình trong việc thu hút đầu tư và hợp tác phát triển trong các lĩnh vực có thế mạnh. Chúng tôi cũng hy vọng mối quan hệ hợp tác và sự liên kết giữa tỉnh Quảng Ngãi và các địa phương trong Vùng duyên hải miền Trung ngày càng phát huy hiệu quả, đưa miền Trung trở thành khu vực phát triển năng động, bền vững”.

Có ý kiến cho rằng, cơ chế liên kết hợp tác vùng hiện nay chỉ là sáng kiến của các địa phương trong vùng nên cần có sự thừa nhận và bảo trợ pháp lý của Chính phủ. Chính vì vậy, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương cần quan tâm hỗ trợ hơn nữa trong các hoạt động liên kết vùng, nhất là ủng hộ quan điểm phát triển thế mạnh kinh tế biển, đảo (cảng biển, vận tải biển, đóng và sửa chữa tàu biển, các dịch vụ hậu cần, du lịch, dầu khí, khai thác hải sản xa bờ...) gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo. Trước mắt, ưu tiên tập trung vào một số lĩnh vực chủ yếu, có tính khả thi cao như phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ liên tỉnh, hạ tầng và sản phẩm du lịch, kinh tế biển và đào tạo nguồn nhân lực phục vụ kinh tế biển, phát triển mạnh ngành khai thác và chế biến thủy sản, cung cấp dịch vụ hậu cần nghề cá, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, xúc tiến thương mại, đầu tư... nhằm tạo lập không gian kinh tế thống nhất toàn vùng để cùng phát triển, tăng sức cạnh tranh trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.

Cần tạo lập thể chế ưu đãi cho miền Trung

 Với mục tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn Vùng đạt khoảng 8%/năm giai đoạn 2011-2015 và khoảng 9%/năm giai đoạn 2016-2020, miền Trung sẽ cần rất nhiều các giải pháp đồng bộ. GS. Đào Nguyên Cát, Phó Chủ tịch Hội Khoa học kinh tế Việt Nam cho rằng: “Rất nhiều vấn đề đặt ra và cần sự quan tâm đặc biệt, sự nỗ lực rất lớn của Đảng, Chính phủ, các bộ, ngành từ Trung ương đến địa phương, huy động hiệu quả nguồn lực của doanh nghiệp trong và ngoài nước, sức mạnh của toàn dân đối với miền Trung”. Những báo cáo gần đây cho thấy, tỷ lệ hộ nghèo ở khu vực miền Trung còn chiếm đến 1/3 so với cả nước, nhưng sự hỗ trợ đầu tư mới chỉ ở mức trung bình. Do đó, rất cần các nguồn lực tài chính có tính khả thi cao để thực hiện quy hoạch vùng. Một loạt các giải pháp mang tính căn cơ được chỉ ra trong giai đoạn hiện nay, trong đó đi sâu vào cải cách thể chế, phát triển dân doanh là cách làm giúp miền Trung theo kịp hai đầu đất nước.

Để thực hiện thành công chủ trương cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển nhanh và bền vững, theo ông Vương Đình Huệ thì cần phải tiếp tục hoàn thiện căn bản thể chế kinh tế vùng, đẩy nhanh việc cơ cấu lại các vùng kinh tế theo định hướng và giải pháp chủ yếu. Trong thời gian tới, sẽ phải tập trung vào các nhóm vấn đề chính như tạo lập thể chế kinh tế ưu đãi cho vùng kinh tế miền Trung thực sự trở thành đầu tàu, động lực lan tỏa vùng ngoại vi và cả nước. Bên cạnh đó, cần xây dựng thể chế kinh tế hiện đại, có khả năng cạnh tranh khu vực và quốc tế cho các khu kinh tế, nhất là đặc khu kinh tế để tạo cực tăng trưởng và thể nghiệm thể chế mới. Một trong những giải pháp đó là hoàn thiện thể chế phân công, phân cấp giữa Trung ương và địa phương, vừa bảo đảm tập trung thống nhất của nền kinh tế, vừa phát huy tính chủ động, sáng tạo của địa phương.

TS. Trần Du Lịch nhìn nhận: “Nếu như chúng ta xem đây là vùng chiến lược thì cần chương trình quốc gia để làm và đầu tư tập trung. Người ta hay nói vùng kinh tế trọng điểm phía Nam chỉ cần cơ chế, chứ không cần tiền, nhưng vùng này trước hết phải cần tiền và có sự đầu tư tập trung. Tôi cho rằng, sau đầu tư đột phá sẽ lan tỏa và trở thành nguồn lực lớn cho quốc gia”.

DUYÊN ANH - THU HÀ

;
.
.
.
.
.