Sở hữu bờ biển dài với chuỗi khu du lịch nghỉ dưỡng đẳng cấp, một danh thắng trầm mặc với làng nghề đá mỹ nghệ vừa được công nhận di sản phi vật thể cấp quốc gia, một dòng sông Cổ Cò mang đầy trầm tích văn hóa…, quận Ngũ Hành Sơn xứng đáng với danh xưng “khu tiền sảnh” của đô thị Đà Nẵng.
Đường Trần Đại Nghĩa kết nối giao thông Đà Nẵng - Hội An. |
Một ngày cuối tháng 8, tôi được nghe vị lãnh đạo nguyên Bí thư Thành ủy nói, giá như Đà Nẵng đi trước thêm vài năm về đầu tư phát triển đô thị, nếu Ngũ Hành Sơn được đánh thức sớm hơn thì vùng đất này sẽ khác nhiều và đem lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân. Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT, đón nhận lời chia sẻ này và cam kết đầu tư vào quận Ngũ Hành Sơn thành “Thung lũng Silicon” của Việt Nam trong lĩnh vực CNTT. Theo đó, dự án khu đô thị công nghệ FPT với tổng vốn đầu tư hàng ngàn tỷ đồng đang được định hình trên vùng đất Ngũ Hành Sơn.
Những nhà đầu tư bất động sản du lịch, những du khách muôn phương khi đến Đà Nẵng đều đặt chân đến vùng đất Ngũ Hành Sơn, bởi nơi đây như một “tiền sảnh lớn” của đô thị Đà Nẵng. Những ngày sơ khai hình thành quận mới cho đến nay, Ngũ Hành Sơn luôn được thành phố xác định đây là hướng phát triển chính của đô thị Đà Nẵng và quyết tâm đầu tư. Những công trình hạ tầng nối tiếp nhau triển khai thi công, những dự án đầu tư đã và đang đem lại diện mạo mới cho nơi này. Các trục giao thông theo hướng bắc - nam, đông - tây như đường Lê Văn Hiến, Trần Đại Nghĩa, Võ Nguyên Giáp, Trường Sa, Võ Chí Công cùng đường vành đai phía Nam đã mở cánh cửa cho vùng đất này phát triển.
Từ một vùng ven của Đà Nẵng, với đại đa số người dân làm nông nghiệp, quận Ngũ Hành Sơn được thành phố quy hoạch đầu tư xây dựng hàng loạt khu dân cư mới, khu đô thị lớn. Nếu như năm 2008, các khu dân cư Bá Tùng 1, 2 ở phường Hòa Quý liên tiếp được đầu tư xây cùng Khu phố chợ Hòa Hải được xem là mở đầu cho sự hình thành đô thị ở phía nam thành phố Đà Nẵng, thì những năm tiếp theo, hàng loạt khu đô thị mới như Phú Mỹ An, Công nghệ FPT, Khu tái định cư phía tây làng đá mỹ nghệ Non Nước, Khu dân cư Đông Trà, Tây Trà... hình thành.
Nhiều khu dân cư mới mọc lên với những ngôi nhà cao tầng kiên cố mang lại cho nhân dân địa phương niềm phấn khởi và tự hào. Bên cạnh đó, các khu dân cư phía nam cầu Trần Thị Lý, cầu Tiên Sơn hay Mỹ An biến khu vực nông thôn, những tên làng, tên xóm trước đây thành những khu đô thị sầm uất. Mỗi ngày đi qua, vùng đất Ngũ Hành Sơn tưng bừng khí thế của quá trình đô thị hóa, góp phần đổi mới diện mạo đô thị Đà Nẵng.
Ngày nay, đứng trên đỉnh núi Ngũ Hành phóng tầm mắt theo con đường ven biển, mở rộng tầm nhìn về phía nam hay quan sát xung quanh vùng đất Ngũ Hành Sơn là một bức tranh sơn thủy tự nhiên, thơ mộng đang được tô điểm bởi các dự án đầu tư phát triển đô thị và mang diện mạo mới, nét đẹp mới.
Ngũ Hành Sơn cũng là vùng đất “5 sao” khi hàng loạt các dự án khu nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế đang được khai thác và đầu tư xây dựng mới. Chạy dọc theo đường Võ Nguyên Giáp, Trường Sa là những khu nghỉ dưỡng 5 sao làm nên thương hiệu du lịch Đà Nẵng. Những dự án du lịch nghỉ dưỡng biển ở Ngũ Hành Sơn do VinaCapital đầu tư gần 500 triệu USD được xây dựng thành khu đa chức năng với các khách sạn và quần thể các khu biệt thự, khu căn hộ cao cấp nằm dọc theo bãi biển, được bao bọc bởi hai sân golf.
Tiếp đó có dự án khu nghỉ mát Olalani với số vốn đầu tư đăng ký 48 triệu USD; khu du lịch quốc tế Silvershores Hoàng Đạt vốn đầu tư 160 triệu USD; khu du lịch biển Fusion Maia vốn 100 tỷ đồng; tập đoàn Indochina với dự án Hyat Regency… Nhiều địa điểm du lịch nghỉ dưỡng trở thành điểm đến yêu thích của du khách trong và ngoài nước như Furama, Vinpearl Danang Luxury, Pullman Danang Beach Resort, Pulchra Resort…
Với lợi thế là địa bàn trọng điểm phát triển và mở rộng không gian đô thị cùng với việc khai thác tiềm năng và thế mạnh về tự nhiên luôn mở ra cơ hội lớn để quận Ngũ Hành Sơn phát triển với tốc độ nhanh, bắt kịp sự phát triển năng động, đột phá của thành phố Đà Nẵng.
Bài và ảnh: TRIỆU TÙNG