.

Tinh thần doanh nghiệp Nhật Bản

.

Nhật Bản và Việt Nam giống nhau ở tình yêu nước và lòng tự tôn dân tộc. Tuy nhiên, cách thể hiện tình yêu nước của người dân ở hai quốc gia lại có nhiều khác biệt.

Công nghệ thay đổi không ngừng, thái độ nghiêm túc với công việc, tận tâm với khách hàng là cách để nâng tầm giá trị Việt. Trong ảnh: Công nhân công ty Nissan tiến hành lắp ráp ô-tô. 			       Ảnh: XUÂN DUYÊN

Công nghệ thay đổi không ngừng, thái độ nghiêm túc với công việc, tận tâm với khách hàng là cách để nâng tầm giá trị Việt. Trong ảnh: Công nhân công ty Nissan tiến hành lắp ráp ô-tô. Ảnh: XUÂN DUYÊN

Những ví dụ sinh động mà ông Noguchi Yoshiaki, chuyên gia hàng đầu của Nhật Bản về chiến lược thương hiệu, đưa ra đã làm các đại biểu tham dự hội thảo “Doanh nghiệp làm thế nào để vững vàng trong giai đoạn khủng hoảng” vừa qua tại Đà Nẵng thích thú nhưng cũng hết sức trăn trở…

Người dân xứ sở mặt trời mọc chọn cách dùng khả năng sáng tạo của từng cá nhân kết hợp với sự đoàn kết tập thể để sản xuất chuyên nghiệp từng chiếc ốc vít, từ đó tạo nên những thương hiệu mang tính toàn cầu mà không phụ thuộc vào bất kỳ quốc gia nào để thể hiện lòng tự tôn dân tộc của mình. Trong khi đó, người Việt Nam dường như chọn cách chạy theo số đông, tránh khác biệt, nổi trội, va chạm để thể hiện tình yêu nước của mình.

Nguồn gốc sức mạnh kinh tế của Nhật Bản

Sau thời gian dài đình trệ do tác động của khủng hoảng kinh tế thế giới, nền kinh tế Nhật Bản có dấu hiệu phục hồi. Tuy nhiên, thảm họa liên tiếp: động đất, sóng thần, nổ nhà máy điện hạt nhân một lần nữa giáng đòn mạnh vào nền kinh tế Nhật Bản. Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá: “Thiệt hại về cơ sở hạ tầng và con người là chưa từng thấy trong lịch sử”. Thế nhưng, những thiên tai dồn dập này dường như là cơ hội để Nhật Bản chứng minh với cả thế giới khả năng phục hồi thần kỳ bằng sự nỗ lực tái thiết không ngừng nghỉ của người dân và doanh nghiệp. Vậy đâu là nguồn gốc sức mạnh của nền kinh tế Nhật Bản?

Ông Noguchi Yoshiaki bắt đầu buổi hội thảo bằng câu chuyện về cách làm việc của tập đoàn Toyota. Để 8 công ty lắp ráp xe có thể hoạt động hoàn chỉnh, trơn tru, Toyota cần đến 26.000 công ty khác nhau sản xuất 30.000 bộ phận. Tất cả công ty vệ tinh này được chuyên môn hóa đạt đến tầm chuyên nghiệp trong việc sản xuất một linh kiện. Việc này đảm bảo mỗi bộ phận trên chiếc xe hoàn chỉnh đều có khắc chìm dòng chữ “Made in Japan” chứ không phụ thuộc vào bất kỳ quốc gia nào khác trong việc cung cấp trang thiết bị.

Để đạt được điều này, tập đoàn Toyota đã trao đến người lao động “Luật 15%”. Theo đó, mỗi nhân viên có quyền và nghĩa vụ sử dụng 15% thời gian làm việc để nghiên cứu những gì mình thích. Bất kỳ sáng tạo nào cũng được lãnh đạo doanh nghiệp trân trọng, thu thập và nghiên cứu để nếu có thể áp dụng vào quá trình sản xuất. Bên cạnh đó, trong quá trình làm việc, mỗi nhân viên Toyota còn thường xuyên được tham gia các khóa học mềm, từ đó thẩm thấu văn hóa dân tộc, để làm sao đưa hình ảnh của đất nước lên mức cao nhất thông qua sản phẩm mình làm ra. Tất cả điều này đã hình thành sự gắn kết khăng khít từ lãnh đạo đến từng nhân viên chi nhánh. Hàng vạn nhân viên Toyota rải đều khắp đất nước Nhật Bản đều thống nhất về giá trị quan và phương pháp hành động của công ty: vận hành bằng trí tuệ cá nhân trên nền đoàn kết của tập thể và hướng đến lợi ích của quốc gia.

Theo ông Noguchi Yoshiaki, đây là cách mà hầu hết các doanh nghiệp Nhật Bản “dìu nhau” đi qua khủng hoảng. Mỗi người Nhật đều yêu nước đủ để biết lắng nghe và trân trọng ý kiến, sáng tạo của đồng nghiệp. Mỗi doanh nghiệp đều có lòng tự tôn dân tộc đủ để cùng bắt tay, hợp tác cùng sản xuất với mục tiêu mang lại sản phẩm tốt nhất mà không phụ thuộc vào quốc gia khác.

Với bí quyết mà ông Noguchi Yoshiaki đề cập, các doanh nghiệp Việt Nam tự vấn: Liệu có một doanh nghiệp nào của Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng xây dựng được một phương châm phát triển rạch ròi, không hình thức, không ngoại giao, không chỉ để PR mà thực sự hướng đến mục tiêu vì khách hàng, vì quốc gia? Có bao nhiêu doanh nghiệp tại Việt Nam biết lắng nghe nhau để hiểu và cùng hợp tác sản xuất các mặt hàng phụ trợ để hỗ trợ nhau và hạn chế nhập khẩu? Có bao nhiêu doanh nghiệp đau đáu nghĩ đến tình yêu nước, hình ảnh dân tộc mà chỉnh chu từng sản phẩm, từ đó nâng tầm hình ảnh đất nước?

Nâng tầm giá trị Việt

Người Nhật Bản tin rằng, tính dân tộc đóng vai trò then chốt trong việc tạo ra khả năng vượt trội cho một ngành sản xuất, giúp xứ sở hoa anh đào tạo nên những sản phẩm bậc nhất, những thương hiệu “biết nói” về văn hóa, trình độ và tầm nhìn của người Nhật Bản. Mọi tổ chức, doanh nghiệp luôn có ý thức nuôi dưỡng ngành sản xuất hướng đến mục tiêu thúc đẩy nền kinh tế đất nước. Vậy, “tính dân tộc của người Việt Nam nằm ở đâu trong phương châm phát triển của doanh nghiệp Việt Nam?” là câu hỏi mà ông Noguchi Yoshiaki đặt ra nhưng chưa nhận được câu trả lời của các doanh nghiệp thành phố tham gia Hội thảo. “Dù có bất kỳ thảm họa nào, dù kinh tế thế giới có đi xuống đáy thì kinh tế Nhật Bản sẽ vẫn phục hồi và phát triển mạnh mẽ bởi cơ sở kinh tế, nền tảng văn hóa, truyền thống vững chắc. Nhật Bản sẽ vẫn là nền kinh tế mạnh với công nghệ không chỉ thay đổi từng ngày mà còn bởi thái độ nghiêm túc với công việc, tận tâm với khách hàng”, ông Noguchi Yoshiaki nói.

Nhật Bản là nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới. Từ kinh nghiệm của nước Nhật, ông Noguchi Yoshiaki kêu gọi các doanh nghiệp của Việt Nam hãy hợp tác để cùng phát triển sản xuất các sản phẩm hỗ trợ hay còn gọi là công nghiệp phụ trợ. Mặc dù đây quá trình lâu dài, bền bỉ, đòi hỏi có sự thống nhất, quyết tâm cao từ phía chính phủ đến cộng đồng các doanh nghiệp; từ người lãnh đạo cao nhất - người biết cách tạo sự lan tỏa, truyền khí thế, quyết tâm đến tâm huyết của từng nhân viên…

Còn với Việt Nam, ông Noguchi Yoshiaki kỳ vọng trên nền tảng lòng yêu nước và tự tôn dân tộc, Việt Nam sẽ sớm đào tạo được đội ngũ người lao động có năng lực, kỷ luật, ý thức tác phong công nghiệp, tinh thần tự giác cao, có nhu cầu về phát triển, khao khát làm giàu và mong muốn nâng tầm giá trị Việt. Việt Nam sẽ sớm hình thành đội ngũ lãnh đạo biết hy sinh lợi ích cá nhân, có kỹ năng làm việc tập thể, biết phân công chuyên môn hóa giữa các cơ sở sản xuất hỗ trợ, biết phối kết hợp trong sản xuất, liên kết giữa doanh nghiệp chính với các nhà thầu phụ, giữa các nhà thầu phụ với nhau…

MAI TRANG

;
.
.
.
.
.