Cứ đến tháng 10 và 11 âm lịch, ngư dân tất bật cho tàu lên đà để sửa chữa, sơn mới, nâng cấp ngư cụ chuẩn bị cho những chuyến ra khơi cuối năm…
Như thường lệ, cứ đến những tháng cuối năm thì ngư dân miền Trung thường cho tàu lên đà để sửa chữa. |
“Làm mới” tàu cá
Những ngày qua, con tàu có công suất 420 CV của ngư dân Lê Dũng (quận Thanh Khê) đang hoàn thiện khâu sửa chữa để hạ thủy, tiếp tục vươn khơi. Sau hơn 6 tháng lăn lộn với biển cả, con tàu của ông mang đầy “vết tích”, với hàng nghìn con hàu bám quanh thân tàu; rong rêu phủ đầy, tàu xây xước do va đập vào đá, vào tàu “lạ”.
Có mặt tại Hợp tác xã trục vớt, đóng sửa chữa tàu thuyền Bắc Mỹ An (trụ sở tại quận Sơn Trà) vào đầu tháng 10 (âm lịch), 5 lao động đang hì hục sửa chữa tàu ông Lê Dũng. Công nhân Lê Văn Hai chỉ tay vào con tàu đang dần hoàn thiện khâu sửa chữa nói: “Bây giờ nhìn tàu thấy mới vậy chứ khi đưa lên đà kinh khủng lắm. Hàng nghìn con hàu bám quanh thân tàu trắng xóa, mảnh sắc lẹm; rêu phủ đầy…”.
Cạnh tàu ngư dân Lê Dũng là tàu của ông Trần Văn Cu (Thăng Bình, Quảng Nam).
Chiếc tàu ông Cu mới lên đà 2 ngày nên các lao động mới thực hiện công đoạn rọc, đẽo mảng hàu bám và chuẩn bị công đoạn gia cố thân tàu. “Con tàu của mình quanh năm suốt tháng bám biển, rong rêu, hàu bám đầy thân tàu; máy móc cũng như các thiết bị khác bị nước mặn vào nên cần phải sửa chữa để bảo đảm an toàn. Nếu năm nào đi biển nhiều thì thường sửa chữa hai lần. Mỗi lần như vậy thời gian khoảng 1 tuần và chi phí từ 15-20 triệu đồng”, ngư dân Trần Văn Cu cho biết.
Tuy chưa lên đà, nhưng thuyền trưởng Lê Văn Khăng (quận Sơn Trà) cũng đã chọn ngày để “dưỡng thương” con tàu của mình. Tàu ông Khăng từ đầu năm đến nay “tung hoành” rất nhiều chuyến biển xa. Ngoài việc đánh bắt cá, tàu ông cũng là một trong những tàu tham gia đẩy đuổi giàn khoan Hải Dương - 981 của Trung Quốc vừa qua nên “vết thương” của tàu nhiều hơn. “Đi chuyến biển này về nghỉ ngơi vài hôm rồi cho lên đà để sửa chữa. Mình phải bảo vệ con tàu để còn “chinh chiến” với biển cả nữa”, ông Khăng cho hay.
Quá tải mùa lên đà
Như thường lệ, những ngày tháng 10 và tháng 11 (âm lịch) là cao điểm để ngư dân đưa tàu lên đà. Các nhà máy đóng, sửa chữa tàu thuyền tại Âu thuyền Thọ Quang đều quá tải với lượng tàu thuyền của ngư dân các tỉnh miền Trung như Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định đưa về nhiều. Tại các bãi sửa chữa tàu, những con tàu đưa lên đà chưa kịp “bảo dưỡng” nhìn cũ kỹ, mùi nước biển bốc lên nghe mặn chát.
Kỹ sư Trần Công Vinh, trợ lý Tổng giám đốc Công ty TNHH Bảo Duy cho biết, bình quân mỗi ngày có khoảng 5 phương tiện được ngư dân đưa lên đà sữa chữa tại công ty. Tổ sửa chữa tàu thuyền gồm 16 người phải làm hết công suất mới kịp hạ thủy cho ngư dân. “Những ngày vừa qua, rất nhiều ngư dân các tỉnh miền Trung đến đặt sửa chữa nhưng bãi đã quá tải nên phải từ chối. Tổng lượng bãi chỉ chứa khoảng 25 tàu một lúc, nên chỉ cần vài hôm là đã đầy bãi”, kỹ sư Trần Công Vinh cho biết.
Tại các bãi sửa chữa tàu thuyền như Bắc Mỹ An, Sơn Hải, Lý Cư… cũng chật kín tàu thuyền lên đà sửa chữa. Lý giải về việc nhiều ngư dân đưa tàu lên đà sửa chữa, ngư dân Lê Văn Khăng cho biết: “Mùa biển động, cá mực nhiều lắm nên ngư dân thường tranh thủ để đánh bắt. Tuy nhiên, cần phải sửa chữa, nâng cấp cải tạo con tàu của mình cho chắc chắn mới chịu được sóng gió ngoài khơi”.
Bài và ảnh: NGỌC PHÚ