Những cơ hội và thách thức mà cộng đồng doanh nghiệp (DN) Đà Nẵng sẽ gặp phải khi Cộng đồng kinh tế ASEAN (gọi tắt là AEC) chính thức ra đời vào ngày 31-12-2015; họ cần sự hỗ trợ gì từ phía các cấp chính quyền để nâng cao năng lực cạnh tranh?
Đó là những vấn đề được đặt ra tại hội thảo “Việt Nam với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ nâng cao năng lực cạnh tranh” do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố Đà Nẵng phối hợp cùng Sở Công thương tổ chức sáng 2-12. Đến dự có Phó Chủ tịch UBND thành phố Phùng Tấn Viết.
Đổi mới công nghệ là một trong những vấn đề mấu chốt để doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh trong xu thế hội nhập sâu rộng. |
Nắm rõ luật chơi, chủ động đón đầu
Đó là thông điệp được ông Nguyễn Diễn, Phó giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - Chi nhánh Đà Nẵng, nêu lên khi đánh giá những cơ hội và thách thức mà cộng đồng DN tại Đà Nẵng sẽ đối mặt lúc AEC ra đời. Theo đó, khi AEC chính thức khởi động, các DN sẽ có thêm nhiều cơ hội để xuất khẩu vào các nước ASEAN, có thêm nhiều bạn hàng với một thị trường rộng lớn, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, gia tăng năng lực cạnh tranh…
Tuy nhiên, trên thực tế, số DN quan tâm đến vấn đề này chưa nhiều. “Qua khảo sát của chúng tôi, tính đến nay có đến hơn 80% DN ở Đà Nẵng chưa thật sự biết và quan tâm đến điều này. Đây là mối lo ngại lớn. Trong khi đó, để chuẩn bị cho AEC, cách đây khoảng 2 năm, Thái Lan đã có những đoàn công tác sang tìm hiểu thị trường ở nhiều thành phố của Việt Nam”, ông Diễn cho biết.
Ở một khía cạnh khác, ông Đỗ Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty TNHH Thương mại tổng hợp Phước Tiến cho rằng, hiện nay DN còn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các chính sách, văn bản, thiếu các kênh thông tin để tiếp cận thông tin về thị trường nước ngoài. Chúng ta đặt ra rất nhiều mục tiêu để phát triển, nhưng chưa có những hoạch định cụ thể, chi tiết, DN khi gặp phải những vướng mắc trong thực tế thì không biết hỏi ai.
“Công ty tôi hoạt động trong ngành thủy sản gần 20 năm, đã xuất khẩu qua các thị trường Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc. Hiện nay, tôi đã bắt mối được một đối tác lớn ở Thái Lan nhưng đang vướng trong việc vận chuyển hàng hóa vì những khác biệt trong phương thức vận chuyển giữa hai nước. Tôi đã nhờ vả khắp nơi nhưng vẫn chưa giải quyết được”, ông Tuấn bày tỏ.
Đồng quan điểm, ông Trịnh Bằng Có, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty Phương Đông Việt, đề xuất ý tưởng các ngành chức năng có liên quan nên xây dựng một đề án nghiên cứu, phân tích và nêu rõ cụ thể từng đặc điểm, mặt hàng được kinh doanh với từng quốc gia cụ thể trong khối ASEAN nhằm giúp DN định hình rõ hơn trong quá trình tìm kiếm đối tác.
Theo ý kiến của các chuyên gia tại hội thảo, để chuẩn bị cho việc xâm nhập vào thị trường các nước ASEAN khi AEC ra đời, ngay từ bây giờ các DN cần chủ động nắm bắt rõ những thông tin về AEC, đồng thời bắt tay với các nhà phân phối nội địa (ở các nước nhập khẩu) có uy tín và năng lực; liên kết cùng phát triển; đầu tư nâng cao năng lực cạnh tranh; chủ động đề xuất những biện pháp để bảo vệ sản xuất trong nước phù hợp với các quy định của AEC... Đặc biệt, đổi mới công nghệ chính là vấn đề sống còn nhằm giúp DN tăng sức mạnh cạnh tranh với các DN nước ngoài.
Đổi mới công nghệ là vấn đề mấu chốt
Để hỗ trợ DN, thời gian qua, thành phố Đà Nẵng đã ban hành những chính sách mới như Quyết định số 08 về quy định một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ trên địa bàn thành phố. Riêng trong năm 2014, theo ông Phan Văn Kha, Giám đốc Sở Công thương thành phố Đà Nẵng, thành phố đã hỗ trợ 3 DN đổi mới thiết bị, xây dựng hệ thống quản lý chất lượng, đăng ký hợp chuẩn hợp quy với tổng số tiền 135 triệu đồng; phối hợp với Bộ Công thương triển khai chương trình chuyển giao 100 công nghệ công nghiệp hỗ trợ từ phía đối tác Hàn Quốc cho DN Đà Nẵng, hiện đã có 9 DN tham gia, trong đó 6 DN được tham dự các khóa học chuyên sâu 2 tuần tại nước bạn…
Tiếp thu ý kiến đóng góp của đại diện các DN, bà Phan Thị Bích Hậu, Phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Đà Nẵng cho biết, lãnh đạo Sở sẽ tham mưu lên thành phố thay đổi một số yêu cầu trong Quyết định 08 nhằm gỡ khó cho DN trong việc tiếp cận vốn để đầu tư đổi mới công nghệ, đồng thời đề xuất phương án tạo nguồn vốn cho những DN cần vay với số tiền lớn.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND thành phố Phùng Tấn Viết nhìn nhận AEC ra đời sẽ tạo nên một thị trường đơn nhất với 5 yếu tố được lưu chuyển tự do: hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, vốn và lao động giữa 10 quốc gia ASEAN. Thuế suất sẽ được cắt giảm gần như về 0% đối với tất cả các mặt hàng. Đây là cơ hội nhưng cũng là thách thức lớn đối với cộng đồng DN và cả với những nhà hoạch định chính sách trong việc đưa ra những giải pháp căn cơ, hướng đi cần thiết nhằm tăng cường sức mạnh cạnh tranh khi hội nhập.
Bài và ảnh: KHÁNH HÒA