.

Ngư dân thận trọng đóng tàu vỏ thép

.

Theo phương án đóng mới  tàu vỏ thép từ khi Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực, song đến nay, nhiều ngư dân có ý định không nộp hồ sơ đóng tàu vỏ thép, mà tham gia đánh bắt trên con tàu vỏ gỗ truyền thống của mình.

Nhiều ngư dân Đà Nẵng vẫn thích đóng tàu vỏ gỗ truyền thống để vươn khơi.  Trong ảnh: Tàu thiết kế theo mẫu Thái Lan của bà Huỳnh Thị Như Hoa sắp sửa hoàn thiện, hạ thủy vươn khơi.
Nhiều ngư dân Đà Nẵng vẫn thích đóng tàu vỏ gỗ truyền thống để vươn khơi. Trong ảnh: Tàu thiết kế theo mẫu Thái Lan của bà Huỳnh Thị Như Hoa sắp sửa hoàn thiện, hạ thủy vươn khơi.

Theo ông Lê Văn Xin (50 tuổi, phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà), có nhiều nguyên nhân khiến một số ngư dân, trong đó có ông phải dừng ý định. Thứ nhất, không rõ chất lượng sắt thép để đóng tàu như thế nào, có bảo đảm hay không; thứ hai, việc buộc phải sử dụng máy móc mới trên con tàu vỏ thép nhưng giá thành máy mới quá cao; thứ ba, vấn đề tàu ra vào Âu thuyền Thọ Quang không hề đơn giản khi hiện tại cầu Mân Quang thấp.

Vấn đề cuối cùng, ông Xin lo lắng chi phí mỗi lần lên đà rất lớn (trong khi Nghị định 67 hỗ trợ tối đa không quá 1%). Với thành tích và kinh nghiệm của mình trên lĩnh vực đánh bắt thủy sản, ông Lê Văn Xin là một trong những ngư dân thuộc đối tượng sẽ được lựa chọn theo tiêu chí của UBND thành phố Đà Nẵng để vay vốn theo Nghị định 67. Tuy nhiên, vì cân nhắc thiệt hơn trong vấn đề làm ăn lâu dài nên ông quyết định dừng ý định đóng tàu vỏ thép, tiếp tục bám biển trên con tàu vỏ gỗ 780CV truyền thống.

Tương tự, ông Lê Văn Khăng (45 tuổi, phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà) không nộp hồ sơ đăng ký đóng tàu vỏ thép. Trước đó, ông cùng các ngư dân trong tổ đánh bắt an toàn số 6, phường An Hải Bắc là những người lập phương án và đăng ký từ rất sớm. Nguyên nhân, ngoài các yếu tố mà ông Lê Văn Xin nêu trên, ông Khăng cho rằng, thời gian qua, quan sát một số tàu vỏ thép ra khơi không hiệu quả, thu nhập thấp.

“Làm ăn là phải trả được nợ cho ngân hàng, chứ không nên lợi dụng chính sách của Nhà nước để vay tiền rồi cho tàu nằm bờ”, ông Khăng nói. Giá cả và nhân công lao động cũng là một trong những yếu tố khiến ngư dân phải suy nghĩ khi đóng tàu vỏ thép.

Theo một số ngư dân, khi tàu vỏ thép nhiều, lượng hải sản về bờ lớn; trong khi nếu không có chính sách giá thì ngư dân lại bị ép giá, thua lỗ, lao động bỏ việc. “Lao động là khâu quyết định cho sự thành bại của mỗi chuyến đi biển. Một khi lao động nghỉ thì tàu nằm bờ. Mà bây giờ, kiếm lao động rất khó”, ông Khăng trăn trở.

Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Văn Lĩnh, quyền Chủ tịch Hội Nghề cá thành phố Đà Nẵng, cho rằng thực tế khi Nghị định 67 mới ban hành, nhiều ngư dân cứ tưởng chính sách của Nhà nước là cho không. Tuy nhiên, qua thời gian, khi đi vào cụ thể họ mới tính toán lại. Có rất nhiều yếu tố, trong đó, theo ông Lĩnh, vấn đề khiến ngư dân phải suy nghĩ là khi đăng ký và đóng mới theo mẫu thiết kế của Trung ương thì họ không phải trả tiền thiết kế.

Tuy nhiên, nếu tự thiết kế cho phù hợp với ngành nghề của mình thì phải trả toàn bộ chi phí thiết kế, ít nhất là một trăm triệu đồng. Để theo ý mình, ngư dân phải cùng làm việc với kỹ sư, thời gian ít nhất 3 tháng, buộc phải bỏ công việc trong thời gian dài. “Truyền thống bao đời ngư dân chúng ta làm tàu vỏ gỗ, nên thiết kế dễ dàng, ít chi phí. Còn đóng tàu vỏ thép thì phải có thiết kế mới đóng được. Do đó, hiện tại, nhiều ngư dân đang suy nghĩ lại việc đóng tàu vỏ thép”, ông Lĩnh cho biết.

Trong khi đó, ông Nguyễn Đỗ Tám, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT thành phố Đà Nẵng, cho biết hôm triển khai Quyết định 43/2014/QĐ-UBND của UBND thành phố Đà Nẵng về việc ban hành quy định tiêu chí, trình tự, thủ tục phê duyệt đối tượng được hưởng chính sách tín dụng đóng mới, nâng cấp tàu theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP, sở đã đề nghị bà con ngư dân hết sức cân nhắc để lựa chọn phương án.

Theo đó, có hai phương án để ngư dân lựa chọn, một là theo Nghị định 67 của Chính phủ, hai là theo Quyết định 7068 của UBND thành phố Đà Nẵng về một số chính sách hỗ trợ ngư dân thành phố Đà Nẵng đóng mới tàu khai thác hải sản và tàu dịch vụ khai thác hải sản xa bờ.

Cơ quan chức năng không ép ngư dân phải đóng tàu vỏ thép. “Họ phải là những người sáng suốt, suy nghĩ lựa chọn phương án tối ưu để làm và làm có hiệu quả, bởi đây là chính sách cho vay có trả, chứ không phải cho không. Do đó, việc ngư dân cân nhắc đóng tàu vỏ thép cũng là chuyện đương nhiên”, ông Tám cho biết.

Theo báo cáo của Sở NN&PTNT thành phố Đà Nẵng, đến thời điểm trước khi UBND thành phố ban hành Quyết định 43, Đà Nẵng có 157 tổ chức, cá nhân đăng ký đóng mới 182 chiếc tàu theo Nghị định 67. Trong đó: quận Sơn Trà 126 chiếc, Thanh Khê 24 chiếc, Liên Chiểu 15 chiếc, Hải Châu 12 chiếc và quận Ngũ Hành Sơn 5 chiếc.

Có một số doanh nghiệp đăng ký đóng mới số lượng lớn như: Công ty TNHH xuất nhập khẩu, thương mại, xây dựng Hải đội Hoàng Sa: 10 chiếc; Công ty CP Thương mại dịch vụ hậu cần nghề cá Sao Đỏ: 7 chiếc. Theo đó, từ ngày 5 đến ngày 10-1-2015, nộp hồ sơ đăng ký tại UBND phường  - nơi tổ chức, cá nhân đăng ký kinh doanh trụ sở chính (đối với tổ chức), đăng ký hộ khẩu thường trú (đối với cá nhân).

Bài và ảnh: NGỌC PHÚ

;
.
.
.
.
.
.