Kinh tế

Phát triển doanh nghiệp Đà Nẵng trong thời kỳ mới

07:34, 31/12/2014 (GMT+7)

Năm 2014 đánh dấu một sự kiện quan trọng đối với chính quyền thành phố cũng như cộng đồng doanh nghiệp với chương trình hành động “Năm doanh nghiệp Đà Nẵng 2014”. Một chương trình hành động rộng khắp với nhiều hoạt động thiết thực được triển khai và đạt nhiều kết quả, tạo động lực cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn, yên tâm sản xuất, kinh doanh.

Dây chuyền sản xuất ô tô tại công ty TCIE. Ảnh: Triệu Tùng
Dây chuyền sản xuất ô tô tại công ty TCIE. Ảnh: Triệu Tùng

 Kết thúc năm 2014, cũng là lúc chính quyền thành phố nhìn lại và đánh giá những kết quả hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian qua để cùng cộng đồng doanh nghiệp bước vào chặng đường phát triển mới với nhiều kỳ vọng và thách thức đang ở phía trước.  

10 năm đồng hành cùng doanh nghiệp

Vo-Duy-Khuong.jpg
Vo-Duy-Khuong.jpg

Năm 2004, Đà Nẵng thực hiện Năm doanh nghiệp và 10 năm sau, chính quyền thành phố tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp qua chương trình hành động “Năm doanh nghiệp Đà Nẵng 2014”. Mười năm qua ghi dấu những phát triển vượt bậc của thành phố về kinh tế - xã hội. Trong sự phát triển đó có những đóng góp vô cùng to lớn của cộng đồng doanh nghiệp.

Những số liệu thống kê là minh chứng cụ thể nhất, sau 10 năm thành phố có 14.942 doanh nghiệp đang hoạt động với tổng vốn đăng ký 73.851 tỷ đồng, tăng gấp 3,8 lần về số lượng doanh nghiệp và tăng 9,8 lần về tổng vốn so với năm 2004, nộp thuế trên 9.000 tỷ đồng, tăng gấp 4 lần so với năm 2004 với mức tăng trưởng bình quân khoảng 16%/năm.

Kim ngạch xuất khẩu năm 2014 đạt 1,155 tỷ USD, gấp hơn 3 lần so với năm 2004. Đặc biệt khối doanh nghiệp dân doanh đã đóng góp lớn nhất vào nguồn thu ngân sách thành phố với mức đóng góp đạt trên 2.200 tỷ đồng năm 2014, gấp 10,3 lần so với năm 2004, tốc độ tăng trưởng bình quân trên 30%/năm. Ngoài ra, đóng góp của khu vực dân doanh vào giá trị sản xuất công nghiệp đạt 16.033 tỷ đồng năm 2014, gấp 3,2 lần so với năm 2004.

Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đã đóng góp không nhỏ vào nguồn thu ngân sách của thành phố với giá trị sản xuất công nghiệp đạt 11.650 tỷ đồng năm 2014, tăng gấp 4 lần so với năm 2004, tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 7,2% năm. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đối với khối doanh nghiệp FDI đạt 600 triệu USD năm 2014, tăng gấp 6,3 so với năm 2004.

Về phía chính quyền thành phố trong gạch nối giữa 10 năm ấy là 6 chương trình hỗ trợ doanh nghiệp về tiếp nhận lao động vào đào tạo nghề và giải quyết việc làm; khuyến khích hỗ trợ đầu tư và phát triển tàu du lịch; đổi mới công nghệ; ưu đãi và hỗ trợ đầu tư vào khu công nghệ cao; xuất khẩu phần mềm; sản xuất sản phẩm lưu niệm du lịch được chính quyền thành phố triển khai đến cộng đồng doanh nghiệp.

Chỉ số tiếp cận đất đai, tài chính và tín dụng của thành phố theo bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh ngày càng cải thiện. Trong năm 2014, thành phố đã thu hồi 20 dự án với diện tích 13,4ha và đã được bố trí lại cho 23 doanh nghiệp. Hiện nay, các khu đất còn trống đã có hạ tầng trong các khu công nghiệp hiện còn trên 80ha, đáp ứng nhu cầu về mặt bằng sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Thông tin về quỹ đất của các dự án kêu gọi đầu tư, các lô đất còn trống trong khu công nghiệp được công khai trên Cổng Thông tin điện tử thành phố và các Trang thông tin điện tử của các sở, ban, ngành.

Từ nguồn ủy thác của thành phố, Quỹ Đầu tư phát triển thành phố đã giải ngân cho 24 doanh nghiệp vay với tổng nguồn vốn trên 62 tỷ đồng, 10 doanh nghiệp được Quỹ Bảo lãnh tín dụng DNNVV bảo lãnh với tổng số tiền trên 12 tỷ đồng. Ngoài ra, thành phố đã bố trí trên 1 tỷ đồng từ ngân sách thành phố để hỗ trợ kinh phí cho 6 chương trình hỗ trợ doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp được hỗ trợ xây dựng hệ thống quản lý chất lượng và đăng ký hợp chuẩn, hợp quy với tổng kinh phí trên 100 triệu đồng.

Công tác hỗ trợ thông tin, xúc tiến mở rộng thị trường được tăng cường thông qua các hoạt động giao thương giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước, tổ chức kết nối cung cầu, tiêu thụ sản phẩm của nhau. Hoạt động xúc tiến, kêu gọi đầu tư được xác lập liên kết với doanh nghiệp tại Singapore, đồng thời xúc tiến mở văn phòng đại diện tại Singapore.

Các hội, hiệp hội doanh nghiệp đã tích cực phát huy vai trò cầu nối giữa doanh nghiệp với chính quyền với nhiều hoạt động thiết thực như: thành lập Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, “Café doanh nhân cuối tuần”…, đồng thời duy trì và tổ chức thường xuyên sinh hoạt định kỳ hằng tháng để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp giao lưu, gặp gỡ, liên kết kinh tế và nắm bắt các chủ trương, chính sách của thành phố.

Công tác thông tin, đối thoại doanh nghiệp được triển khai rộng khắp, nhanh chóng, tạo niềm tin trong cộng đồng doanh nghiệp. Các chương trình tọa đàm, đối thoại doanh nghiệp với nội dung thiết thực, từng bước tháo gỡ khó khăn, giải quyết dứt điểm các vấn đề bức xúc nổi cộm, nhất là các nhà đầu tư lớn của thành phố. Đường dây nóng Năm doanh nghiệp phát huy hiệu quả, là đầu mối quan trọng để tiếp nhận và giải quyết phản ánh của doanh nghiệp.

Nhìn lại những kết quả đã đạt được trong 10 năm qua và đặc biệt là năm 2014 cho thấy sự quyết tâm của chính quyền thành phố cũng như bản lĩnh của cộng đồng doanh nghiệp, qua đó rút ra những kinh nghiệm cho định hướng phát triển cho tương lai. Tuy hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đã từng bước phục hồi nhưng nhìn chung vẫn còn chậm, tốc độ phát triển chưa cao, các doanh nghiệp còn gặp rất nhiều khó khăn.

Các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong năm 2014 bước đầu có những tác động tích cực đến sự phát triển của doanh nghiệp nhưng vẫn chưa tạo sức bật mạnh mẽ cho doanh nghiệp phát triển. Một số doanh nghiệp cho rằng, nội dung chương trình còn mang tính dàn trải, chưa có trọng tâm, trọng điểm, nhất là các hoạt động liên quan đến tổ chức hội thảo, đào tạo chuyên đề, góp ý chính sách,…

Sẵn sàng vươn ra biển lớn

Toàn cầu hóa là xu thế tất yếu, điều đó đòi hỏi từng quốc gia, mỗi địa phương cũng như bản thân doanh nghiệp phải chuẩn bị sẵn sàng để hội nhập và tồn tại, phát triển. Đối với doanh nghiệp cần đổi mới tư duy, phương thức quản lý, khai thác tối đa nguồn lực sẵn có và vận dụng hiệu quả các chính sách, quy định của Nhà nước vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp cũng như các quy định của các tổ chức kinh tế, tài chính quốc tế.

Các doanh nghiệp Đà Nẵng so với các doanh nghiệp trong nước và khu vực còn hạn chế về tiềm năng tài chính, khả năng quản trị và tính chuyên nghiệp chưa cao, vẫn còn một khoảng cách khá xa về năng lực cạnh tranh. Thành phố sẽ tiếp tục duy trì, hỗ trợ phát triển đối với các sản phẩm đã phát triển ổn định như cao su, may mặc, điện, điện tử, ô-tô, chế biến thủy sản, sữa, nước giải khát… Các doanh nghiệp Đà Nẵng cần nắm bắt xu thế, hạn chế đầu tư đối với hoạt động kinh doanh không hiệu quả, giá trị gia tăng thấp; tập trung phát triển các dòng sản phẩm mới, tạo ra thị trường mới và đặc biệt các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông.

Để tạo nên sức cạnh tranh mạnh mẽ hơn, doanh nghiệp cần tham gia vào các chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị thông qua các hoạt động liên doanh, liên kết và hợp tác sản xuất kinh doanh với các đối tác trong và ngoài nước. Cần tăng cường hợp tác với các chuyên gia và đối tác nước ngoài để học hỏi công nghệ, năng lực quản trị; tham gia liên kết với các doanh nghiệp FDI để tiếp cận chuỗi cung ứng toàn cầu; chú trọng đầu tư công nghiệp hỗ trợ, đổi mới thiết bị, đầu tư nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ mới để gia tăng giá trị sản phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, đưa doanh nghiệp hội nhập với môi trường cạnh tranh toàn cầu.

Thời gian qua, hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế đã được chính quyền thành phố quan tâm, đã và đang mang lại nhiều kết quả đáng kể trong công tác định hướng phát triển doanh nghiệp. Tuy nhiên, các nhóm giải pháp đề ra trong thời gian qua vẫn chưa thật sự triệt để, xem đó là trụ cột của quá trình phát triển kinh tế-xã hội thành phố. Để tiếp tục hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp trong năm 2015 và những năm tiếp theo, Đề án “Phát triển doanh nghiệp Đà Nẵng đến năm 2020” được xem là một trong những chương trình tổng thể phát triển doanh nghiệp, đóng vai trò chủ đạo trong việc hoạch định và xây dựng các chính sách hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp trong thời gian tới với 6 nhóm giải pháp:

i) Giải pháp về cải thiện môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh: tập trung cải cách hành chính trong các lĩnh vực ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của doanh nghiệp như đất đai, xây dựng, thuế, hải quan,…; tiến hành bãi bỏ các văn bản không phù hợp với chủ trương phát triển doanh nghiệp của thành phố. Các cơ quan trợ giúp phát triển doanh nghiệp, các trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp sẽ được chú trọng đầu tư từ nguồn ngân sách thành phố để tăng cường sự tham vấn, hỗ trợ doanh nghiệp, đồng thời nâng cao năng lực quản lý, điều hành của các hội, hiệp hội doanh nghiệp.

ii) Giải pháp về công nghệ: hỗ trợ doanh nghiệp tái cấu trúc, đổi mới công nghệ, nhất là CNTT-TT và xúc tiến phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ; đầu tư xây dựng các tổ chức tư vấn về công nghệ và hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng CNTT-TT trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

iii) Giải pháp về mặt bằng sản xuất, kinh doanh: đồng bộ và cập nhật thường xuyên hệ thống Cổng Thông tin điện tử và các trang tin điện tử về bản đồ quy hoạch của thành phố, về kế hoạch sử dụng đất trong và ngoài khu công nghiệp; đầu tư để hình thành các cụm công nghiệp nhỏ, các trung tâm và cụm thương mại dịch vụ, hệ thống mạng lưới bán lẻ, các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phục vụ nông nghiệp.

iv) Giải pháp về tín dụng: tiếp tục bổ sung nguồn vốn cho Quỹ Đầu tư phát triển thành phố, phấn đấu đạt 1.000 tỷ đồng trở lên đến năm 2020 thông qua nhiều hình thức huy động vốn; đơn giản hơn nữa thủ tục hồ sơ vay vốn và thường xuyên điều chỉnh lãi suất cho vay ưu đãi, đồng thời mở rộng đối tượng cho vay doanh nghiệp theo lĩnh vực ưu tiên của thành phố, nhất là các doanh nghiệp được ươm tạo tại “Vườn ươm doanh nghiệp” thành phố.

v) Giải pháp về nhân lực: tăng cường tổ chức các chương trình đào tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, cụ thể là xây dựng cơ chế liên kết giữa các cơ sở đào tạo với đơn vị sử dụng lao động, các đơn vị nghiên cứu với doanh nghiệp để áp dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; hoàn thiện và hiện đại hóa hệ thống thông tin thị trường lao động, cơ sở dữ liệu về thị trường lao động và hỗ trợ hoạt động khởi sự doanh nghiệp, phát triển doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.

iv) Giải pháp về xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư: thường xuyên tổ chức hoạt động liên kết, tiêu thụ sản phẩm giữa các doanh nghiệp, nhất là các tập đoàn lớn nước ngoài với doanh nghiệp thành phố; tăng cường hỗ trợ xây dựng và phát triển thương hiệu, đặc biệt là các sản phẩm xuất khẩu có giá trị gia tăng cao; đẩy mạnh đầu tư cho các doanh nghiệp phát triển tàu du lịch trên sông và các sản phẩm du lịch đường sông cùng với các hoạt động xúc tiến du lịch.

Triển khai Đề án “Phát triển doanh nghiệp Đà Nẵng đến năm 2020” lại một lần nữa khẳng định cam kết của thành phố trong việc đồng hành cùng doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cộng đồng doanh nghiệp và doanh nhân thành phố cần phát huy mọi tiềm năng và lợi thế, năng động, sáng tạo trong sản xuất kinh doanh, tăng cường kết nối cung cầu và hợp tác nâng cao giá trị sản xuất trong nước, từng bước xây dựng uy tín doanh nghiệp để thật sự trở thành thành phần trụ cột, là lực lượng nòng cốt trong công cuộc xây dựng thành phố Đà Nẵng thịnh vượng trong thời kỳ mới.

VÕ DUY KHƯƠNG

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Đà Nẵng

.