Kinh tế
Tăng cường chống buôn lậu cuối năm
Thường vào thời điểm cuối năm là lúc các đối tượng buôn lậu tập trung “đánh quả lớn” nhằm vào các thị trường sinh lợi nhuận cao. Trước tình hình đó, các ngành thành viên Ban Chỉ đạo 389 (BCĐ 389) thành phố Đà Nẵng tập trung phối hợp đấu tranh chống buôn lậu.
Lực lượng Quản lý thị trường tiêu hủy hàng lậu. Ảnh: Duyên Anh |
Qua việc rà soát địa bàn, Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) thành phố tổ chức triển khai công tác cho các Đội QLTT trực thuộc; đồng thời phối hợp với các ngành thành viên của Ban chỉ đạo (BCĐ) 389/TP như Công an, Hải quan, Kiểm lâm, Bộ đội Biên phòng, Khoa học công nghệ… thực hiện kế hoạch kiểm tra, kiểm soát chống hàng nhập lậu, hàng cấm, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm, bóc trần các thủ đoạn làm ăn gian dối của các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước.
Kết quả đến tháng 12-2014, các ngành chức năng của BCĐ 389 đã xử lý hơn 5.000 vụ vi phạm trên thị trường. Riêng đối với kinh doanh hàng hóa nhập lậu, không hóa đơn chứng từ có 52 vụ với số tiền phạt trên 175 triệu đồng.
Những loại hàng hóa vi phạm chủ yếu đã bị tịch thu như quần áo nhập khẩu đã qua sử dụng với số lượng trên 11.000kg, 500 thùng gạch men Trung Quốc, 8.000 gói phân bón Delta-K, 1.860 dây thắt lưng và khóa nịt, 11.355 linh kiện điện tử các loại, 90 dụng cụ cầm tay, gần 800 túi xách, giày dép nữ, kính mắt...
Trong vi phạm hàng cấm đã xử phạt 54 vụ với số tiền trên 280 triệu đồng, tịch thu gần 8.000 bao thuốc lá điếu (trị giá ước tính khoảng 300 triệu đồng), hàng chục chai rượu các loại và hàng trăm chi tiết đồ chơi có nguồn gốc từ Trung Quốc.
Để đạt kết quả cao, các đơn vị thành viên thường xuyên bàn bạc, thống nhất các phương án, kế hoạch hành động. Đối với khâu lưu thông, được sự phối hợp của Cảnh sát giao thông đường bộ, trong tổng số 1.155 phương tiện được yêu cầu dừng để kiểm tra đã phát hiện 500 xe vi phạm. Nhiều vụ truy bắt thuốc lá, điện thoại di động, đột nhập điểm sang chiết gas lậu và cơ sở sản xuất những mặt hàng lậu có giá trị thực hiện chính xác là nhờ sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa QLTT và Công an thành phố.
Điển hình như giữa tháng 11, các lực lượng chức năng phối hợp dừng kiểm tra phương tiện tại Trạm cửa ô Hòa Nhơn đã phát hiện vụ vận chuyển hàng hóa nhập lậu do nước ngoài sản xuất, gồm 344 chiếc điện thoại di động có giá trị trên 120 triệu đồng. Lực lượng QLTT và Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng thành phố phối hợp nhận diện các cơ sở kinh doanh đồ chơi trẻ em, mũ bảo hiểm, từ đó loại trừ được hàng kém chất lượng.
Phối hợp giữa Công an kinh tế và Quản lý thị trường trong vụ bắt giữ thuốc lá lậu trên địa bàn Đà Nẵng. |
Nói về công tác phối hợp giữa các lực lượng, ông Nguyễn Nho Hậu, Chi cục phó Chi cục QLTT thành phố cho biết: Các đối tượng buôn lậu vốn rất tinh vi và có kinh nghiệm đối phó. Nếu chỉ dựa vào nguồn tin cơ sở thì chưa chắc làm gì được.
Được sự chỉ đạo kịp thời và sát sao của BCĐ 389, công tác đấu tranh chống buôn lậu trên địa bàn thời gian qua thông suốt hơn; hoạt động buôn lậu trên các tuyến đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường hàng không qua địa bàn Đà Nẵng đã được “chặn ngọn” khá nhiều. Nhờ đó, hàng lậu, hàng cấm không có biểu hiện tràn lan như trước đây.
Nhận định về tình hình buôn lậu sẽ ngày càng “nóng” hơn trong những dịp lễ, Tết với diễn biến thị trường phức tạp từ buôn lậu gỗ, ma túy và các mặt hàng tiêu dùng khác, BCĐ 389 do Phó Chủ tịch UBND thành phố Phùng Tấn Viết làm Trưởng ban đã họp và thống nhất giao nhiệm vụ cụ thể cho từng ngành. Trong đó, nhấn mạnh từ Tết Dương lịch đến Tết Nguyên đán 2015, các thành viên BCĐ 389 phải tăng cường công tác phối hợp trong việc trinh sát đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại.
Các lực lượng phải cương quyết xử lý dứt điểm các hành vi vi phạm và cần làm rõ có hay không việc dung túng bao che cho các tổ chức buôn lậu. Nhiệm vụ trước mắt của các ngành thành viên là dứt khoát không tiếp tay để xảy ra buôn lậu, hàng cấm; không được bỏ sót địa bàn; đồng thời giám sát chặt chẽ công tác cán bộ, xử lý thật nghiêm các cán bộ vi phạm; cam kết các địa bàn, lĩnh vực nào để xảy ra hàng lậu, hàng giả phải gắn trách nhiệm cụ thể cho từng ngành, từng đơn vị, địa phương.
Bài và ảnh: DUYÊN ANH