Kinh tế

Chuyển đổi ngành nghề ở Ngũ Hành Sơn

07:22, 20/01/2015 (GMT+7)

Sau hơn 10 năm mở rộng không gian đô thị, từ hơn 1.500 ha đất canh tác, đến nay quận Ngũ Hành Sơn chỉ còn khoảng 160 ha.

Từ đó, hàng nghìn hộ nông dân không còn cơ hội gắn bó với mảnh vườn, thửa ruộng của mình. Vì vậy, chuyển đổi ngành nghề là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị quận Ngũ Hành Sơn, trong đó nòng cốt là Hội Nông dân.

Anh Huỳnh Phước Dũng chuyển đổi sang nghề sản xuất đá mỹ nghệ hiệu quả.
Anh Huỳnh Phước Dũng chuyển đổi sang nghề sản xuất đá mỹ nghệ hiệu quả.

Nắm bắt xu thế tất yếu của đời sống đô thị, không ít hộ nông dân ở Ngũ Hành Sơn đã mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực thương mại, dịch vụ. Gia đình Huỳnh Thị Nga ở khu tái định cư Tân Trà là một trong những hộ như vậy.

Người phụ nữ một thời chân lấm tay bùn này khoe: “Phố xá mọc lên, dân cư đông đúc, không chỉ gia đình tôi mà nhiều hộ khác cũng ăn nên làm ra từ buôn bán. Bận rộn suốt ngày, thu nhập cũng khá”.

Chỉ tay sang khu phố đối diện, bà nói tiếp: Cách đây 3 năm, phía bên đó không một ai buôn bán, thế mà nay hộ thì bán cà-phê, hộ mở quán ăn, người kinh doanh tạp hóa. Nhu cầu tiêu dùng của đời sống đô thị ngày càng lớn.

Qua các dãy phố vừa mới hình thành từ các phường Hòa Hải, Hòa Quý, Chủ tịch Hội Nông dân quận Huỳnh Ngọc Hoan cho biết: Hiện nay, trên địa bàn quận nhiều khu vực dịch vụ, buôn bán phát triển. Nhiều hộ đầu tư lớn, nhạy bén với kinh tế thị trường, bắt đầu làm giàu nhanh.

Gia công đá mỹ nghệ cũng là nghề được nhiều hộ nông dân ở Ngũ Hành Sơn chuyển đổi thành công. Trước ngày thực hiện chủ trương mở rộng đô thị về phía Nam, làng nghề đá mỹ nghệ chỉ khoảng 300 hộ tập trung chủ yếu gần khu vực ngọn Thủy Sơn. Hiện nay, có nhiều cơ sở sản xuất đá mỹ nghệ, số hộ tham gia sản xuất, kinh doanh mặt hàng này tăng 2-3 lần so trước đây.

Ở làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước, cơ sở của anh Huỳnh Phước Dũng (phường Hòa Hải) thuộc diện “sinh sau đẻ muộn”. Tuy vậy, nhờ khéo léo, đầu tư hợp lý, ông chủ gần 40 tuổi này đã sớm khẳng định vị thế tại làng nghề. Nay cơ sở có 7 thợ làm việc thường xuyên, nhiều loại sản phẩm xuất khẩu.

Anh Dũng cho biết: Trước đây vất vả với nghề nông mà quanh năm túng thiếu. Khi đất canh tác giải tỏa, được Hội Nông dân các cấp tư vấn và hỗ trợ, tôi mạnh dạn đi học nghề gia công đá mỹ nghệ. Nay, cơ sở đã sản xuất được những mặt hàng lớn, độ tinh xảo cao, trị giá trên dưới 100 triệu đồng/sản phẩm; thu nhập gấp nhiều lần so trước đây.

Không bó tay trước khó khăn do đất canh tác bị thu hồi, hàng trăm hộ ở quận Ngũ Hành Sơn tổ chức sản xuất bằng cách tận dụng các khu đất đã quy hoạch nhưng chưa xây dựng công trình để trồng rau sạch, hoa và cây cảnh...

Số liệu từ Hội Nông dân quận cho thấy, hiện có 250 hộ đang trồng rau sạch trên diện tích 70 ha, mỗi năm thu hoạch hàng chục nghìn tấn rau các loại, trị giá hơn 7 tỷ đồng. Ngoài ra, 37 hộ trồng hoa, 28 hộ trồng cây cảnh, 70 hộ sản xuất nấm ăn, hàng trăm hộ chăn nuôi gia súc gia cầm..., làm ra nhiều của cải có giá trị kinh tế.

“Cùng với các cơ quan liên quan, Hội Nông dân quận đặc biệt chú trọng đến chuyển đổi nghề cho nông dân. Chỉ tính riêng năm 2014, đã có 205 nông dân được đào tạo nghề và có việc làm mới ổn định. Hội đã xây dựng thành công 3 mô hình kinh tế tiêu biểu, doanh thu đạt trên dưới 1 tỷ đồng/năm. Điển hình như hộ ông Mai Thanh Thiện, trồng cây cảnh bonsai ở tổ 93, phường Hòa Hải, hộ ông Lê Hoa, ở tổ 71, Hòa Quý nuôi hơn 400 cặp bồ câu Pháp. Từ phong trào này đã có 301 hộ đạt danh hiệu Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp...”, ông Huỳnh Ngọc Hoan cho biết thêm.

Bài và ảnh: NGUYỄN CẦU

.